THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:24

APEC 2017: Các nước ủng hộ Việt Nam các đề xuất về ưu tiên hợp tác trong lĩnh vực y tế

 Với vai trò chủ nhà Năm APEC 2017, PGS.TS. Trần Thị Giáng Hương, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Y tế, đã có bài phát biểu tại cuộc họp. Trong bài phát biểu của mình, PGS.TS. Trần Thị Giáng Hương đã chia sẻ những kinh nghiệm, thành tựu, thách thức và định hướng những năm tiếp theo của ngành y tế Việt Nam. Trong đó, Bộ Y tế nhấn mạnh đầu tư cho y tế gắn liền với quá trình phát triển kinh tế bền vững. Tại Việt Nam, đầu tư cho y tế tăng lên hàng năm, đạt 6,5 % GDP vào năm 2014. Chi tiêu y tế trong những năm gần đây cao hơn tăng trưởng GDP hàng năm. Việt Nam được Liên hợp quốc xếp hạng là một trong 10 quốc gia đi đầu trên thế giới về thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ trẻ em và giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em.

Việt Nam cũng là một trong chín nước đạt Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ thứ ba về chỉ số giảm bệnh lao và là một trong ba nước đi đầu trong thực hiện nghiên cứu kết thúc bệnh lao của WHO, khống chế thành công đại dịch SARS năm 2003 và kiểm soát tốt các đại dịch cúm như H5N1, H1N1,H7N9, Ebola, MERV – CoV,… Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 81% dân số, trong đó nhà nước cung cấp 100% thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân tộc thiểu số và một số đối tượng khó khăn khác. Mục tiêu của Việt Nam là phấn đấu bao phủ bảo hiểm y tế cho 100% dân số vào năm 2020.

Các đại biểu tại cuộc họp về y tế

Chi phí khám chữa bệnh trực tiếp từ túi người dân giảm từ 54% xuống còn 42%. Mặc dù hiện nay kinh phí đầu tư của chính phủ cho y tế còn nhiều khó khăn nhưng với việc đổi mới cơ chế tài chính y tế và sự quyết liệt của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện Bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân được người dân hưởng ứng tham gia chắc chắn sẽ là một đòn bẩy lớn cho y tế Việt Nam phát triển theo định hướng hiệu quả, bền vững và phát triển. Bên cạnh những thành tựu đạt được, PGS. TS. Trần Thị Giáng Hương cũng chỉ ra những khó khăn thách thức của ngành y tế Việt Nam trong thời gian tới như: nguồn lực đầu tư cho y tế còn thấp trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn hẹp, vấn đề già hóa dân số, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, các bệnh truyền nhiễm mới nổi, các bệnh không lây nhiễm … Từ đó, PGS. Trần Thị Giáng Hương kêu gọi sự thúc đẩy hợp tác giữa các nền kinh tế, phối hợp giữa các Bộ, ban ngành  cùng toàn thể xã hội, nhằm củng cố tăng cường hệ thống y tế và những nỗ lực nhằm đạt được Bao phủ Y tế toàn dân, đổi mới tài chính hướng tới hiệu quả và công bằng vì mục tiêu Một châu Á - Thái Bình Dương khỏe mạnh năm 2020 nhằm đạt được Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.

Tại cuộc họp, với vai trò là nền kinh tế chủ nhà, Việt Nam đã đưa ra chủ đề và ưu tiên của Nhóm công tác Y tế năm năm 2017 và đã được sự ủng hộ cao của 21 nền kinh tế APEC.  Đó là chủ đề: “Tăng cường hệ thống y tế hướng tới bao phủ y tế toàn dân và phát triển bền vững”,  với năm nội dung ưu tiên: Cập nhật tình hình Bao phủ y tế toàn dân hướng tới Một châu Á - Thái Bình Dương khỏe mạnh 2020 trong khu vực APEC; Tăng cường kiểm soát bệnh truyền nhiễm và phòng chống kháng thuốc giữa các nền kinh tế APEC; Tiếp cận lồng ghép nhằm tăng cường sức khỏe người cao tuổi và phòng chống các bệnh không lây nhiễm;  Tài chính y tế bền vững trong giai đoạn chuyển đổi nền kinh tế; và Sức khỏe trong mọi chính sách: Kế hoạch phối hợp liên ngành nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững về y tế.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã rà soát các kết quả thực hiện Lộ trình “Vì Một châu Á - Thái Bình Dương khỏe mạnh đến năm 2020” và đánh giá cao kết quả thực hiện Lộ trình trong khu vực. Báo cáo thực hiện hướng tới bốn lĩnh vực trọng tâm; gồm: Tiếp tục thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) phù hợp với chương trình phát triển sau năm 2015;  Tăng cường kiểm soát và phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm, bao gồm các bệnh về sức khỏe tâm thần, mất sức lao động, bạo lực và thương tích; Tăng cường hệ thống y tế hỗ trợ Bao phủ y tế toàn dân; và Thúc đẩy chuẩn bị ứng phó với tình trạng khẩn cấp, bao gồm các hệ thống ứng phó và phục hồi  cho tình trạng y tế công cộng khẩn cấp.

Theo đó, APEC đã rà soát lại 5 yếu tố trụ cột để triển khai Lộ trình. Đó là: Tăng cường cam kết và lãnh đạo của Chính phủ cho y tế; Thiết lập cơ chế đối thoại và hợp tác cả các bên liên quan; Dự phòng, kiểm soát và tăng cường nhận thức; Thúc đẩy sáng kiến về khoa học đời sống; và Tăng cường hợp tác liên ngành và đa quốc gia.

Để mục tiêu “Vì Một châu Á - Thái Bình Dương khỏe mạnh đến năm 2020” có thể trở thành một khung khổ hợp tác cho khu vực APEC trong trung và dài hạn và đạt được theo đúng Lộ trình 2020, cuộc họp đã chính thức thông qua việc thành lập Nhóm nòng cốt APEC để đưa ra các giải pháp cho các thách thức để thực hiện thành công Lộ trình vì một châu Á - Thái Bình Dương khỏe mạnh đến năm 2020, với sự tham gia của 6 nền kinh tế bao gồm Việt Nam, Pê-ru, Ốt-xtrây-lia, Trung Quốc, Đài Bắc - Trung Quốc và Phi-líp-pin. Đại diện Việt Nam đã có bài trình bày chính thức về kế hoạch tổ chức Đối thoại cao cấp lần thứ 7 về Y tế và Kinh tế và các sự kiện liên quan đến y tế trong năm 2017. Việt Nam khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với các thành viên để tổ chức thành công sự kiện quan trọng này.

Đoàn Việt Nam cũng đã đưa ra các sáng kiến về chủ đề: Tăng cường phòng chống Lao và Lao đa kháng thuốc trong khu vực APEC,  sáng kiến về hài hòa các quy chuẩn về an toàn thực phẩm tại các phòng thí nghiệm, sáng kiến về chia sẻ kinh nghiệm về quản lý bệnh thalassamia và vai trò của an toàn truyền máu trong việc thúc đẩy về chất lượng sống của bệnh nhân thalassamia, được nhiều thành viên ủng hộ, tham gia đồng sáng kiến. 

Các đại biểu tại cuộc họp về y tế


NGỌC MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh