CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:51

Cần phân biệt "quản lý nhà nước" về giáo dục nghề nghiệp và "cơ quan chủ quản"

 

TS. Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH (ảnh;VPTCDN)

1. Thưa TS. Nguyễn Hồng Minh, Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 3/9/2016 về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2016 đã giao quản lý nhà nước về GDNN cho Bộ LĐ-TB&XH. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có một số ý kiến băn khoăn, ví dụ như một số trường trung cấp, cao đẳng y, dược vẫn kiến nghị giao quản lý nhà nước đối với các trường y, dược cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 3/9/2016 phiên họp thường kỳ tháng 8 năm 2016 Chính phủ đã thống nhất giao cho Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý nhà nước về GDNN. Việc giao quản lý nhà nước cho Bộ LĐ-TB&XH quản lý đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, cân nhắc, xem xét, kỹ lưỡng, trong suốt thời gian dài, trong đó có tham vấn nhiều chuyên gia, trước khi đưa ra quyết định.

Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề nhiều năm, có nhiều kinh nghiệm trong quản lý phát triển nguồn nhân lực lao động ở các lĩnh vực cho quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội đánh giá cao.

 Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ 1998 đến nay, dưới sự quản lý của Bộ LĐ-TB&XH, hoạt động đào tạo nghề đã được phục hồi và có bước phát triển mạnh mẽ, từng bước đáp ứng nhu cầu đa dạng về nhân lực lao động kỹ thuật phục vụ trực tiếp trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo hướng CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

 Do vậy, thực hiện theo Luật GDNN, khi hệ thống chuyên nghiệp và dạy nghề thống nhất, việc giao quản lý nhà nước về lĩnh vực này cho Bộ LĐ-TB&XH là một quyết định khách quan, được sự đồng thuận, thống nhất cao trong Chính phủ.

 Bộ LĐ-TB&XH chỉ là cơ quan quản lý nhà nước về GDNN (ảnh P.Tuấn)

Ở đây, tôi cũng xin nhấn mạnh, Bộ LĐ-TB&XH chỉ là cơ quan quản lý nhà nước về GDNN, tức là xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thực hiện pháp luật (xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách về GDNN) và tổ chức, điều hành các hoạt động để đưa GDNN vào thực tiễn, chứ không phải cơ quan chủ quản, như một số trường đang hiểu. Việc quản lý trực tiếp (cơ quan chủ quản) các trường chuyên nghiệp vẫn là các Bộ, ngành, địa phương như trước đây, không hề có sự thay đổi.

2. Có ý kiến cho rằng, lĩnh vực sư phạm, y tế, văn hóa nghệ thuật, quốc phòng, an ninh…. là những lĩnh vực đặc thù, tại sao lại giao Bộ Bộ LĐ-TB&XH quản lý?

Như tôi đã nêu ở trên, Bộ LĐ-TB&XH chỉ là cơ quan quản lý nhà nước về GDNN, tức là xây dựng cơ chế, chính sách, tổ chức triển khai, chứ không phải quản lý về mặt chuyên môn của các lĩnh vực này. Việc này cũng tương tự như việc Bộ GD&ĐT cũng không phải là cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực y tế, văn hóa, quốc phòng an ninh … nhưng vẫn thực hiện quản lý nhà nước ở những lĩnh vực này trong nhiều năm qua.

Các Bộ chuyên ngành chịu trách nhiệm quản lý, hướng dẫn về chuyên môn của ngành mình cho các trường theo quy định của luật, nghị định và các thông tư hướng dẫn.

3. Theo ý kiến của các trường trung cấp, cao đẳng y, dược, việc giao quản lý nhà nước đối với các trường y, dược từ Bộ GD&ĐT sang Bộ LĐ-TB&XH, làm cho các trường khó khăn trong công tác tuyển sinh, ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

Tôi rất cảm thông trước những lo lắng của các trường trung cấp y, dược trong bối cảnh tuyển sinh hiện nay. Tuy nhiên, nguồn gốc sâu xa của những lo lắng trong công tác tuyển sinh không phải vì thay đổi cơ quan quản lý nhà nước từ Bộ GD&ĐT sang Bộ LĐB&XH mà vì nhiều nguyên nhân.

Như chúng ta đều biết, trong những năm qua, việc tuyển sinh của các trường trung cấp chuyên nghiệp hết sức khó khăn (đã có trường phải giải thể), vì việc tuyển sinh đại học phát triển mạnh; học sinh hệ trung cấp chuyên nghiệp phần lớn để liên thông lên trình độ cao hơn, không gắn với thị trường lao động, nên khi ra trường không tìm kiếm được việc làm. Mặt khác, ngày 7/10/2015, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ đã ban hành 02 thông tư liên tịch: Thông tư liên tịch số 26/2015/TTLT-BYT-BNV và Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BYT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp của các nghề điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật ydược. Theo quy định của 02 thông tư này, tiêu chuẩn trình độ đào tạo các chức danh: điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y và dược hạng IV là trình độ trung cấp trở lên (đây là trình độ thấp nhất, còn các chức danh khác đều là đại học, thạc sĩ, tiến sĩ). Tuy nhiên tại 2 thông tư này đều quy định từ 01/01/2021 trở đi các chức danh trên đều phải có trình độ cao đẳng. Như vây, ngầm hiểu các trường trung cấp y, dược chỉ được tuyển sinh đến hết 2018 và sau 2018 nếu không nâng cấp thành cao đẳng thì sẽ phải đứng trước nguy cơ giải thể.

4. Theo nhiều kênh báo chí, năm 2016 là năm “xôm tụ trường nghề”. Xin ông cho biết một số thông tin về tình hình tuyển sinh trong lĩnh vực GDNN trong năm nay?

Đúng vậy, như nhiều báo chí, truyền thông đã đưa tin và theo báo cáo của nhiều cơ sở GDNN của chúng tôi, đến thời điểm hiện nay nhiều trường trung cấp, cao đẳng trong khối kỹ thuật, xây dựng, du lịch, công nghệ thông tin…. đã gần đủ chỉ tiêu so với cùng kỳ năm ngoái. Ngay tại địa bàn Hà Nội nhiều trường như CĐN Cơ điện Hà Nội, CĐN Công nghệ cao Hà Nội, CĐN Công nghiệp Hà Nội, trường CĐ Du lịch và Thương mại Hà Nội.v.v…. số thí sinh đăng ký học nghề đã tăng gấp đôi so với năm 2015.

Một dấu hiệu khả quan nữa là trong năm nay, số học sinh đăng ký dự tuyển vào các trường ĐH thấp, các trường ĐH không đủ chỉ tiêu; số học sinh đủ điểm vào ĐH nhưng vẫn đến trường nghề ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, vẫn có thể nói, những trường nghề chất lượng đào tạo còn thấp, chưa có thương hiệu, thì việc tuyển sinh vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng đó là điều bình thường, hoàn toàn đúng theo quy luật giá trị, quy luật của thị trường lao động.

5. Về ý kiến khi Bộ LĐ-TB&XH quản lý nhà nước về GDNN sẽ gây khó khăn cho công tác liên thông, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này.

Liên thông là một hình thức đào tạo từ trình độ thấp đến trình độ cao, từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác mà không phải học lại nội dung đã học. Việc liên thông tránh lãnh phí cho người học, cho xã hôi, tạo nhiều cơ hội học tập cho người học. Đó là bản chất của vấn đề liên thông.

Việc Bộ LĐ-TB&XH quản lý nhà nước cũng sẽ không tạo nên những khó khăn về mặt liên thông như một số ý kiến có nêu.

Theo quy định của Điều 9 Luật GDNN, liên thông trong đào tạo được thực hiện căn cứ vào chương trình đào tạo; người học khi chuyển từ trình độ đào tạo thấp lên trình độ đào tạo cao hơn cùng ngành, nghề hoặc khi chuyển sang học ngành, nghề khác thì không phải học lại những nội dung đã học và do hiệu trưởng các trường cao đẳng, đại học quyết định.

Để giải quyết vấn đề liên thông, đối với việc liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng sẽ do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định; đối với liên thông từ trình độ cao đẳng lên đại học sẽ do Thủ tướng Chính phủ quy định theo quy định của (quy định tại Khoản 3 Điều 9 Luật GDNN), để tránh tình trạng gây khó dễ, cát cứ, phân mảnh giữa Bộ này với bộ khác như trước đây.

Sắp tới đây, Khung trình độ quốc gia sẽ được Thủ tướng Chính phủ ban hành bao gồm 8 bậc. Mỗi bậc trình độ được mô tả rõ ràng và liên kết với nhau theo chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm. Theo đó, hệ thống Khung trình độ này sẽ bảo đảm tính liên thông giữa các bậc, tạo điều kiện công nhận trình độ và học suốt đời. Theo nguyên tắc đó, về mặt quản lý, việc liên thông trong cùng hệ thống GDNN sẽ do Bộ LĐ-TB&XH quy định; việc liên thông giữa GDNN với giáo dục đại học sẽ do Thủ tướng Chính phủ quy định, để tránh tình trạng gây khó dễ, cát cứ, phân mảnh giữa Bộ này với bộ khác như trước đây.

Thực tế những năm trước, việc liên thông từ trình độ trung cấp lên CĐ, ĐH của các trường dạy nghề gặp khó khăn, do vậy, nhiều trường lo sợ, khi thuộc BộLĐ-TB&XH quản lý thì không liên thông được lên trình độ cao hơn, đồng nghĩa với việc nhiều trường trung cấp sẽ bị đóng cửa. Như vậy, theo những quy định về liên thông hiện nay, sẽ khắc phục được những hạn chế, bất cập đó.

6. Việc phân luồng, nhất là phân luồng học sinh THCs, THPT vào giáo dục nghề ngiệp là một việc làm khó, do vậy, có ý kiến cho rằng Bộ LĐ-TB&XH quản lý nhà nước về GDNN càng khó cho phân luồng. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Về lý thuyết và cả thực tiễn, việc phân luồng học sinh vào giáo dục nghề nghiệp phải được thực hiện từ giáo dục phổ thông (từ trung học cơ sở). Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn đặt ra chỉ tiêu đến năm 2020 phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề đã không thực hiện được (đến nay mới được khoảng 3 - 5%).

Bộ LĐ-TB&XH không quản lý giáo dục phổ thông, không có nghĩa là không thực hiện được phân luồng. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, trong thời gian qua và trong thời gian tới đây, Bộ LĐ-TB&XH hội tiếp tục triển khai thực hiện việc phân luồng người học vào GDNN bằng việc xây dựng các cơ chế, chính sách hấp dẫn, thu hút người học vào học nghề, nhất là các chính sách tiền lương, việc làm đối với người học sau đào tạo. Chính điều này đã tạo ra sự phân luồng tự động người học đến với GDNN (Ví dụ: các chính sách đối với người học nghề quy định trong Luật Giáo dục nghề nghiệp như chính sách miễn học phí cho đối tượng chính sách xã hội, học sinh tốt nghiệp lớp 9 vào học nghề, người học nghề ở những nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu; chính sách tuyển dụng người học nghề vào các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội; chính sách tuyển thẳng, tôn vinh, danh hiệu cho người học nghề; chính sách tiền lương; chính sách học nghề nội trú cho người dân tộc thiểu số….).

Thực tiễn đang chứng minh, bằng những cơ chế, chính sách nêu trên, xu hướng người học đến với GDNN ngày càng lớn, mà năm 2016 là một ví dụ.

7. Nhân đây, xin ông cho biết những công việc Bộ đang thực hiện để triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước về GDNN do Chính phủ giao?

Để quản lý, vận hành hệ thống GDNN theo nhiệm vụ được Chính phủ giao từ 3/9/2016, Bộ LĐ-TB&XH đang tích cực chuẩn bị:

Thứ nhất, về xây dựng văn bản: Khẩn trương chủ trì, phối hợp ban hành và trình ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thi hành Luật GDNN. Tập trung vào các văn bản hướng dẫn việc thành lập, tổ chức và hoạt động đào tạo nghề nghiệp; tuyển sinh, xây dựng chuẩn đầu ra, phát triển chương trình; xây dựng, triển khai các chính sách cho nhà giáo, người học và cơ sở GDNN và nhiều văn bản khác theo thẩm quyền để hệ thống GDNN đi vào hoạt động ổn định, phát triển.

Thứ hai, về quy hoạch mạng lưới: Sắp xếp lại mạng lưới cơ sở GDNN; xác định ngành nghề trọng điểm, tiếp cận với chuẩn khu vực, quốc tế để tập trung đầu tư thành trường chất lượng cao; tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng để đào tạo theo chuẩn của các nước trong khu vực và quốc tế.

Thứ ba, xây dựng chuẩn đầu ra; hướng dẫn các trường xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra và tổ chức tuyển sinh từ năm 2017 theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp;

Thứ tư, về tổ chức bộ máy: Kiện toàn, sắp xếp lại hệ thống quản lý nhà nước về GDNN từ trung ương đến địa phương; tập huấn, hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp để kịp thời triển khai các nhiệm vụ trong giai đoạn mới và thực hiện các công việc khác theo chức năng, nhiệm vụ quản lý được giao.

Vâng, xin cảm ơn TS. Nguyễn Hồng Minh. Qua đây, có thể nói, các cơ sở GDNN hoàn toàn có thể yên tâm khi việc quản lý nhà nước về GDNN được giao cho Bộ LĐ-TB&XH. Những vấn đề về tuyển sinh, về phân luồng, liên thông… không còn là vấn đề quá lo lắng.

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh