CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:17

Sẽ sớm chấm dứt tình trạng thừa cử nhân, thiếu thợ lành nghề?

Phân luồng học sinh ngay từ bậc phổ thông

Theo Bộ GD&ĐT, một trong những điểm mới trong dự thảo cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân là đảm bảo tính thống nhất, liên thông, liên kết, phù hợp giữa các ngành nghề, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Hệ thống giáo dục nên được thiết kế theo hướng đơn giản hóa các luồng di chuyển của người học trong hệ thống, tạo điều kiện cho người học có thể dễ dàng tham gia học tập suốt đời.

Theo đó, cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân gồm: Giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục bậc cao; giáo dục thường xuyên - học tập suốt đời. Trong đó, giáo dục mầm non gồm nhà trẻ và mẫu giáo. Giáo dục phổ thông cơ bản không thay đổi gồm: Tiểu học 5 năm; THCS 4 năm; THPT 3 năm. Giáo dục tiểu học và THCS (9 năm) chỉ có một luồng là giáo dục cơ bản. THPT có 3 luồng, gồm: Định hướng chung (có tính hàn lâm/ khoa học như hiện nay), định hướng kỹ thuật/ công nghệ, hay định hướng năng khiếu (nghệ thuật, thể thao). Giáo dục nghề nghiệp gồm: Đào tạo sơ cấp 1 -3; trung cấp 3 năm (để đảm bảo khối lượng kiến thức phổ thông tối thiểu tương đương THPT); cao đẳng 2 - 3 năm.

Giáo dục bậc cao gồm: Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ. Trong đó, đại học học từ 3-4 năm phân thành 3 luồng: Định hướng nghiên cứu; định hướng ứng dụng; định hướng thực hành. Thạc sĩ từ 1 - 2 năm, phân thành 2 luồng: Định hướng nghiên cứu; định hướng ứng dụng… và giáo dục thường xuyên-học tập suốt đời cho mọi đối tượng, mọi trình độ nhằm tự tạo việc làm, tự chuyển đổi nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu xã hội học tập linh hoạt trong giai đoạn hội nhập.

Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới sẽ cho phép học sinh có thể học nghề ngay sau khi tốt nghiệp THCS để sớm tham gia vào thị trường lao động.

Như vậy, khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân đề xuất trong tờ trình Thủ tướng Chính phủ có một số điều chỉnh so với các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay về giáo dục. Cụ thể, ở cấp giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp không thay đổi về tên các trình độ và phân tầng giáo dục đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học nhưng có điều chỉnh về thời gian đào tạo trình độ đại học (đề xuất 3-4 năm khác với quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Giáo dục là 4-6 năm) và trình độ Tiến sĩ (đề xuất 3-4 năm khác với quy định tại khoản 4 Điều 38 Luật Giáo dục là 2-4 năm).

Các điều chỉnh này sẽ giúp cho hệ thống giáo dục đại học tiếp cận hơn với chuẩn mực chung của quốc tế trong tổ chức đào tạo đại học và sau đại học. Với giáo dục phổ thông, điều chỉnh lần này không có thay đổi gì về cấu trúc so với Luật Giáo dục 2005 và Luật sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục 2009.

Tuy nhiên, cơ cấu mới đề nghị lần này, khẳng định rõ tính phân luồng trong giáo dục THPT thông qua xác định các hướng chuyên sâu cho học sinh THPT là định hướng chung, định hướng kỹ thuật/công nghệ, hay định hướng năng khiếu. Học sinh muốn tham gia thị trường lao động sớm có thể theo học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và trung cấp của giáo dục nghề nghiệp.

Không “phân biệt đối xử” giữa các loại văn bằng, chứng chỉ

Bộ GD&ĐT cho rằng, cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân tại Việt Nam hiện đang bị phân mảnh, liên kết lỏng lẻo giữa các bộ phận, quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục chưa hợp lý, không đồng bộ. Tình trạng mất cân đối trong cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo chậm được khắc phục, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội và hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, chưa hình thành rõ ràng các hướng phát triển cho học sinh phổ thông và thiếu sự phân luồng người học từ sau THCS cho đến hết giáo dục trung học (sau lớp 12). Các hướng đào tạo hàn lâm và hướng kỹ thuật-công nghệ (khoa học ứng dụng) trong giáo dục bậc cao vẫn chồng lấn nhau về chương trình đào tạo, mô hình tổ chức, đo lường đánh giá và kiểm định chất lượng.

Điều này đưa đến sự ách tắc liên thông hoặc giảm sút chất lượng liên thông. Hệ quả là đại đa số học sinh tốt nghiệp THCS đều tập trung vào luồng THPT và chỉ chọn con đường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề như sự lựa chọn cuối cùng. Sau THPT, tình hình cũng vậy, đại đa số tập trung vào thi cao đẳng, đại học.

Tuy cơ cấu phân luồng đã có nhưng cơ chế luồng thì không, khi mà ở giáo dục THCS tuyệt nhiên không có chính sách và giải pháp cụ thể trong việc định hướng và giúp học sinh tự định hướng theo năng lực bản thân, còn giáo dục nghề nghiệp lại thiếu sức hút cần thiết. Mặt khác, sự trùng lặp trong cơ cấu hệ thống ở trình độ trung cấp và cao đẳng dẫn đến mơ hồ về sản phẩm đào tạo, khó khăn trong quản lý và sử dụng lao động khi chưa phân biệt cụ thể trình độ đào tạo được xác nhận bởi văn bằng, chứng chỉ của các cơ sở giáo dục và trình độ tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Ngoài ra, việc triển khai xây dựng xã hội học tập tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức do nhận thức chưa rành mạch về giáo dục thường xuyên. Vì vậy, dự thảo lần này đã khẳng định rõ mọi phương thức tổ chức học tập ở mọi cấp trình độ đều có giá trị như nhau. Hệ thống giáo dục quốc dân với các cơ sở giáo dục như hiện nay sẽ cung cấp đồng thời các cơ hội học tập ban đầu và các cơ hội giáo dục tiếp tục cho tất cả mọi nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng. Điều này sẽ góp phần giải quyết vấn đề phân biệt đối xử với các loại văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục.

 

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh