Các nội dung chủ yếu về tổ chức, hoạt động và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra
- Pháp luật
- 14:53 - 07/12/2022
1. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động thanh tra
- Tổ chức, hoạt động thanh tra tuân thủ các quy định của Luật Thanh tra, Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra và Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra (sau đây viết tắt là Thông tư số 06/2021/TT-TTCP).
- Khi tiến hành thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải chấp hành quyết định, chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra; các thành viên Đoàn Thanh tra phải chấp hành chỉ đạo, điều hành của Trưởng đoàn thanh tra.
- Việc tiến hành thanh tra phải đúng nội dung, phạm vi, đối tượng, thời kỳ, thời hạn thanh tra theo Quyết định thanh tra, Kế hoạch tiến hành thanh tra.
2. Các hành vi bị nghiêm cấm
- Đề xuất, tham mưu, quyết định cử người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia Đoàn thanh tra.
- Tiết lộ thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung, kết quả làm việc của Đoàn thanh tra, Báo cáo kết quả thanh tra của thành viên và Đoàn thanh tra, dự thảo Kết luận thanh tra; ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Thanh tra.
- Thanh tra vượt thẩm quyền, ngoài phạm vi, đối tượng, nội dung theo Quyết định thanh tra; bỏ lọt, bỏ sót, bỏ qua nội dung thanh tra trong Kế hoạch tiến hành thanh tra được phê duyệt.
- Báo cáo, tham mưu, đề xuất kết luận sai sự thật, không đầy đủ, không đúng kết quả thanh tra, bao che cho đối tượng thanh tra, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, bỏ lọt, bỏ sót hành vi vi phạm pháp luật; không kiến nghị xử lý đối với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý, không kiến nghị chuyển vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang cơ quan điều tra; sử dụng Dự thảo Kết luận thanh tra để đe dọa đối tượng thanh tra.
- Cản trở, gây khó khăn đối với việc giám sát, chỉ đạo, điều hành hoạt động Đoàn thanh tra; biết mà không báo cáo, phản ánh, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra.
- Tự ý tiếp xúc với đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến nội dung thanh tra khi chưa được giao nhiệm vụ.
- Làm mất, hư hỏng, tiêu hủy hoặc làm sai lệch hồ sơ, tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình thanh tra; sử dụng trái quy định hoặc biển thủ hồ sơ, tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc thanh tra.
- Nhận tiền, quà, tài sản; tổ chức, tham gia giao lưu, ăn uống với đối tượng thanh tra dưới mọi hình thức.
- Sử dụng rượu, bia trước và trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa các ngày làm việc; có thái độ hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà, sách nhiễu, phát ngôn thiếu chuẩn mực khi làm việc với đối tượng thanh tra.
- Sử dụng phương tiện, tài sản của đối tượng thanh tra vào việc riêng.
- Vi phạm quy định những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm; vi phạm quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác thanh tra; vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đoàn thanh tra; vi phạm quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra.
- Các hành vi khác theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
3. Trình tự ban hành Quyết định thanh tra, phê duyệt Kế hoạch tiến hành thanh tra
- Căn cứ Kế hoạch thanh tra hoặc nhiệm vụ thanh tra được giao, Thủ trưởng đơn vị chủ trì chỉ đạo việc thu thập thông tin, tài liệu, xây dựng dự thảo Quyết định thanh tra, tham gia ý kiến vào dự thảo Kế hoạch tiến hành thanh tra.
Dự thảo Quyết định thanh tra phải nêu rõ căn cứ, nội dung, đối tượng, phạm vi, thời kỳ, thời hạn thanh tra; cơ cấu tổ chức Đoàn thanh tra; nhiệm vụ của Đoàn thanh tra; trách nhiệm thực hiện Quyết định thanh tra.
- Dự thảo Kế hoạch tiến hành thanh tra phải nêu rõ mục đích, yêu cầu; nội dung, đối tượng, phạm vi, thời kỳ, thời hạn thanh tra; phương pháp tiến hành thanh tra; tiến độ thực hiện, chế độ thông tin báo cáo; phân công nhiệm vụ thành viên Đoàn thanh tra; kinh phí, phương tiện và những vấn đề khác liên quan đến việc tổ chức cuộc thanh tra.
4. Đề xuất người tham gia Đoàn thanh tra
- Thủ trưởng đơn vị chủ trì có trách nhiệm đề xuất số lượng, cơ cấu Đoàn thanh tra, dự kiến Trưởng Đoàn thanh tra, Phó trưởng Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra.
- Thủ trưởng đơn vị chủ trì dự kiến Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra.
5. Chế độ làm việc của Đoàn thanh tra
- Thời gian, địa điểm làm việc của Đoàn thanh tra tuân thủ quy định tại Điều 20 Thông tư số 06/2021/TT-TTCP.
- Khi làm việc với đối tượng thanh tra hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan thì phải làm việc theo Đoàn thanh tra hoặc nhóm có ít nhất từ 2 người trở lên. Nội dung làm việc phải thể hiện đầy đủ, trung thực bằng biên bản.
6. Chế độ báo cáo và việc ghi Nhật ký Đoàn thanh tra
- Chế độ báo cáo và việc ghi Nhật ký Đoàn thanh tra thực hiện theo quy định tại Điều 27 Thông tư số 06/2021/TT-TTCP.
- Trường hợp Đoàn thanh tra làm việc theo Tổ hoặc Nhóm thì căn cứ quy định về Nhật ký Đoàn thanh tra, Tổ trưởng hoặc Nhóm trưởng ghi nhật ký và nộp cho Trưởng Đoàn thanh tra khi kết thúc nhiệm vụ.
7. Giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra
- Giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra được thực hiện theo quy định tại Chương V Thông tư số 06/2021/TT-TTCP.
- Khi công bố Quyết định thanh tra, Người công bố Quyết định thanh tra đồng thời công bố Quyết định thành lập Tổ giám sát hoặc công chức giám sát Đoàn thanh tra.
- Tổ giám sát hoặc công chức giám sát Đoàn thanh tra có trách nhiệm giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật; đồng thời, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan làm rõ các thông tin phản ánh về các hành vi vi phạm của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra; kịp thời báo cáo, đề xuất với người ra quyết định thanh tra biện pháp ngăn chặn và xem xét, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
8. Trách nhiệm của Trưởng đoàn Thanh tra
- Tổ chức, chỉ đạo, điều hành thành viên Đoàn thanh tra thực hiện đúng mục đích, yêu cầu, nội dung, phạm vi, đối tượng, thời kỳ, thời hạn thanh tra theo Quyết định thanh tra và Kế hoạch tiến hành thanh tra.
- Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của Luật thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Phối hợp với Tổ giám sát hoặc công chức được giao nhiệm vụ giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật.
- Chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng đơn vị chủ trì thực hiện đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của thành viên Đoàn thanh tra.
- Chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về tổ chức và hoạt động của Đoàn thanh tra, tiến độ và chất lượng Báo cáo kết quả thanh tra, dự thảo Kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra (nếu có).
9. Trách nhiệm của Phó Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra
- Chấp hành sự chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra và phân công, chỉ đạo, điều hành của Trưởng đoàn thanh tra; chấp hành thời gian làm việc, chế độ thông tin báo cáo trong hoạt động thanh tra.
- Thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ được Trưởng đoàn thanh tra phân công; Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công; kịp thời phát hiện, đề xuất Trưởng đoàn thanh tra báo cáo người ra quyết định thanh tra xem xét kết luận, kiến nghị xử lý theo pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra và tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, kịp thời báo cáo, đề xuất Trưởng đoàn thanh tra báo cáo người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định việc chuyển thông tin, vụ việc sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
- Báo cáo Trưởng đoàn thanh tra khi phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực của thành viên Đoàn thanh tra, thành viên Tổ giám sát hoặc công chức được giao nhiệm vụ giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra.
- Phối hợp Tổ giám sát hoặc công chức được giao nhiệm vụ giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra thực hiện theo quy định pháp luật.