Các giải pháp đào tạo nghề cho thanh niên đáp ứng yêu cầu tình hình mới
- Giáo dục nghề nghiệp
- 13:20 - 23/03/2022
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhằm tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động, sáng tạo, khởi nghiệp, làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại; tích cực học nghề, lập thân, lập nghiệp; trước bối cảnh mới, nhất là sự phát triển của khoa học công nghệ, tác động của cuộc CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế, việc phát triển GDNN, đào tạo nghề cho thanh niên tập trung vào một số nhiệm vụ giải pháp chính sau:
1. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN
Hoàn thiện chính sách cho nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN, chính sách học nghề cho thanh niên, cơ sở GDNN và doanh nghiệp khi tham gia hoạt động GDNN; hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phân luồng học sinh sau phổ thông vào GDNN và từng bước thực hiện phổ cập nghề cho thanh niên; thu hút người học thuộc các lĩnh vực, ngành, nghề trọng điểm, ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, sức khỏe... và các đối tượng chính sách; tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên lao động tự do, thanh niên lao động thất nghiệp hoặc có nguy cơ thất nghiệp do tác động của cách mạng khoa học công nghệ, thiên tai, dịch bệnh v.v... được tham gia học nghề; hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp cho thanh niên qua đào tạo nghề nghiệp.
Có cơ chế, chính sách đủ mạnh, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người sử dụng lao động tích cực tham gia hoạt động GDNN; chính sách đối với các cơ sở GDNN đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng hoặc được công nhận là trường chất lượng cao; hoàn thiện chính sách đối với cơ sở GDNN đào tạo nghề cho các đối tượng đặc thù và lĩnh vực, ngành, nghề đặc thù;
Sắp xếp, tổ chức mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, dễ tiếp cận, đa dạng về loại hình, phân bổ hợp lý về cơ cấu ngành nghề, trình độ, vùng miền; sắp xếp, chuyển các cơ sở GDNN thuộc các bộ, ngành chủ quản về bộ quản lý ngành, lĩnh vực để thống nhất đầu mối quản lý; nâng cao năng lực hoạt động, đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp nhất là nhân lực chất lượng cao; khuyến khích phát triển cơ sở GDNN tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài, cơ sở GDNN trong doanh nghiệp; hình thành các trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20, trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trường chất lượng cao.
Nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, phát huy vai trò người đứng đầu trong các cơ sở GDNN và cơ quan quản lý các cấp; đổi mới công tác thanh tra, kiểm định, đánh giá chất lượng GDNN.
2. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về GDNN
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong thông tin và truyền thông, tạo sự chuyển biến về nhận thức, sự đồng thuận và huy động sự tham gia tích cực, có hiệu quả của toàn xã hội đối với việc đổi mới, phát triển GDNN.
Hình thành hệ sinh thái truyền thông GDNN với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, cơ sở GDNN, người học, người sử dụng lao động và người dân nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của GDNN, đào tạo nghề cho thanh niên đối với việc phát triển nhân lực phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đổi mới, đa dạng hoá các hoạt động truyền thông; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, kênh, sóng phát thanh, truyền hình riêng về GDNN, đào tạo nghề cho thanh niên; xây dựng chương trình truyền thông quốc gia chia sẻ thành công của những người tốt nghiệp các trình độ GDNN, các mô hình đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp thành công của thanh niên trong GDNN.
3. Đẩy nhanh chuyển đổi số; hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo
Rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực GDNN đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, đồng thời với nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, nâng cao năng lực số của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý các cấp nhằm nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số trong hệ thống GDNN; đầu tư, phát triển hạ tầng số, hệ thống cơ sở dữ liệu bảo đảm đồng bộ với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác góp phần hình thành cơ sở dữ liệu mở quốc gia; xây dựng các nền tảng số có khả năng triển khai dùng chung và hỗ trợ dạy học trực tuyến trong GDNN; phát triển kho học liệu số ở tất cả các trình độ, ngành nghề đào tạo, dùng chung toàn ngành và liên kết với quốc tế.
Chuẩn hóa các bộ tiêu chuẩn trong GDNN tiếp cận chuẩn của các nước phát triển trong khu vực ASEAN và thế giới; hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo của cơ sở GDNN, phù hợp với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp, định hướng phân tầng chất lượng và đặc thù các ngành, nghề đào tạo; tăng cường gắn kết với doanh nghiệp để khai thác, sử dụng thiết bị đào tạo tại doanh nghiệp; phát triển mô hình “nhà trường thông minh, hiện đại”; đầu tư nâng cấp các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành ảo, thiết bị ảo ở những ngành, nghề phù hợp.
Phát triển chuẩn đầu ra; đổi mới nội dung chương trình đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, đáp ứng chuẩn đầu ra; phát triển chương trình đào tạo cho người lao động trong các doanh nghiệp theo hình thức vừa làm vừa học ở trình độ trung cấp, cao đẳng; đa dạng hóa phương thức tổ chức đào tạo với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin; chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động, đào tạo cho lao động di cư.
Tăng cường đào tạo toàn diện, chú trọng đến phát triển phẩm chất, hình thành các kỹ năng cốt lõi, kỹ năng mềm, kỹ năng số, trình độ ngoại ngữ, tuy duy sáng tạo, hội nhập cho thanh niên người học; đổi mới, đa dạng phương thức kiểm tra, đánh giá, có sự tham gia và thừa nhận của người sử dụng lao động; triển khai công nhận kỹ năng, trình độ của người học, người lao động đã tích lũy từ học tập và kinh nghiệm làm việc thực tế ở trong và ngoài nước.
4. Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong GDNN
Hoàn thiện các chuẩn và chuẩn hóa nhà giáo, chú trọng kinh nghiệm thực tiễn và năng lực nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu đổi mới; xây dựng và triển khai cơ chế định kỳ thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm cho nhà giáo;
Đổi mới, nâng cao chất lượng, đa dạng hoá các chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng; đào tạo, bồi dưỡng cho nhà giáo giảng dạy ngành, nghề trọng điểm cấp độ ASEAN, quốc tế tại nước ngoài; thực hiện công nhận kỹ năng, trình độ đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ ở ngành nghề khác chuyển sang làm giáo viên; phát triển mạnh đội ngũ nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề tham gia đào tạo các cấp trình độ của GDNN; triển khai hiệu quả các cộng đồng, mạng lưới kết nối đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia và người dạy nghề.
Chuẩn hóa và định kỳ, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý cơ sở GDNN, cán bộ quản lý nhà nước về GDNN các cấp, đặc biệt ở cấp địa phương; chú trọng kỹ năng quản lý, quản trị hiện đại và năng lực đổi mới, sáng tạo; hỗ trợ, khuyến khích phát triển đội ngũ cán bộ quản lý đào tạo tại doanh nghiệp; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý nguồn các cấp tại nước ngoài.
5. Đẩy mạnh đào tạo nhân lực trẻ có kỹ năng nghề cao đáp ứng yêu cầu nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Tập trung các nguồn lực phát triển mạng lưới cơ sở GDNN chất lượng cao, ngành, nghề trọng điểm; hình thành các trường chất lượng cao, các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao có tính chất hạt nhân, dẫn dắt, lan tỏa và thực hiện liên kết vùng hiệu quả, đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ năng nghề cao của một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn.
Phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao gắn với các ngành nghề mới, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao, kỹ năng mới, kỹ năng tương lai; ngành, nghề đáp ứng yêu cầu cuộc CMCN 4.0 tham chiếu theo các chuẩn khu vực và quốc tế; khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, các chương trình đào tạo kỹ năng nghề cao cho người nước ngoài tại Việt Nam; đánh giá, nhân rộng đào tạo theo các chương trình chuyển giao từ nước ngoài; áp dụng công nghệ đào tạo, nhân rộng các mô hình đào tạo tiên tiến của các nước phát triển; thí điểm mời giảng viên nước ngoài giảng dạy một số ngành, nghề chất lượng cao theo chuẩn quốc tế.
Đa dạng hóa, đổi mới căn bản phương thức tổ chức đào tạo theo tiếp cận phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất thanh niên; khai phóng tiềm năng, khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và năng lực vận dụng kiến thức, kỹ năng của thanh niên vào thực tiễn nghề nghiệp; đổi mới phương thức đánh giá và công nhận tốt nghiệp có sự tham gia của doanh nghiệp đối với các chương trình chất lượng cao;
Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN phục vụ cho đào tạo chất lượng cao, đáp ứng theo chuẩn khu vực và quốc tế; nâng cao năng lực ngoại ngữ, năng lực ứng dụng công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo, tạo sự vượt trội về phẩm chất, năng lực cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý các cấp, thanh niên học sinh, sinh viên ở các chương trình đào tạo chất lượng cao; tăng cường trao đổi, giao lưu giữa các cơ sở GDNN chất lượng cao, chương trình chất lượng cao trong nước với các cơ sở GDNN ở các nước phát triển.
6. Tăng cường gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững
Xây dựng và thực thi cơ chế hợp tác giữa Nhà nước, Nhà trường, Nhà doanh nghiệp, người sử dụng lao động, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong các hoạt động GDNN trên cơ sở hài hòa lợi ích và trách nhiệm xã hội; xây dựng các mô hình gắn kết GDNN với doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh và thị trường lao động theo từng vùng, địa phương, phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó chú trọng đối tượng đặc thù, lao động từ khu vực phi chính thức, lao động bị thất nghiệp hoặc có nguy cơ thất nghiệp.
Tăng cường gắn kết giữa cơ sở GDNN và các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ thanh niên tìm việc làm sau tốt nghiệp; gắn kết đào tạo với việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tăng cường năng lực hệ thống đánh giá, công nhận và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi kỹ năng nghề ở các cấp; thí điểm thành lập một số hội đồng kỹ năng nghề/nhóm nghề trọng điểm;
7. Tăng cường nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư cho GDNN
Tăng ngân sách nhà nước cho GDNN hàng năm; ưu tiên phân bổ ngân sách cho GDNN trong các chương trình, dự án của quốc gia, ngành, địa phương.
Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho GDNN, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia GDNN; tăng cường nguồn thu sự nghiệp từ hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động liên doanh liên kết và cho thuê tài sản công theo quy định của pháp luật; thúc đẩy sự hỗ trợ, tài trợ của các nước phát triển, các tổ chức quốc tế đầu tư cho GDNN; huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, nguồn tài chính công đoàn, nguồn tài chính của các tổ chức chính trị - xã hội, các quỹ hợp pháp khác để đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng kỹ năng cho người lao động.
Ưu tiên đầu tư đồng bộ cho các cơ sở GDNN chất lượng cao đặc biệt các cơ sở thực hiện chức năng đào tạo và thực hành vùng, quốc gia; cơ sở GDNN chuyên biệt; cơ sở GDNN tại các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo; ngành, nghề trọng điểm, kỹ thuật cao; nghề “xanh”; ngành, nghề đào tạo mới, kỹ năng tương lai; ngành, nghề đào tạo đặc thù.
Ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực GDNN để tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, nâng cao chất lượng đào tạo đồng thời hỗ trợ trực tiếp cho thanh niên hộ nghèo, đối tượng chính sách khi sử dụng dịch vụ GDNN; chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công căn cứ vào chất lượng và số lượng đầu ra.
8. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế
Tăng cường nghiên cứu khoa học GDNN theo hướng ứng dụng và chuyển giao công nghệ với sự tham gia của người học, nhà giáo, chuyên gia, nghệ nhân, người sử dụng lao động; gắn hoạt động đào tạo với chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh thực hiện nghiên cứu khoa học theo cơ chế đặt hàng; gắn kết các tổ chức nghiên cứu khoa học với nhà trường và doanh nghiệp.
Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho thanh niên học nghề và các hoạt động hỗ trợ thanh niên học nghề khởi nghiệp, tự tạo việc làm; xây dựng không gian khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các cơ sở GDNN và hệ sinh thái khởi nghiệp GDNN tại các vùng.
Mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và các nước, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực GDNN; đẩy mạnh đàm phán, ký kết, triển khai các thỏa thuận, chương trình hợp tác với đối tác quốc tế, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam trong việc hỗ trợ cơ sở GDNN, thanh niên học sinh, sinh viên nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.