Các chính sách hỗ trợ đã đến tay người lao động tại Bình Dương
- Bài thuốc hay
- 15:40 - 03/11/2021
Các gói chính sách đến người lao động kịp thời, minh bạch
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), đến nay các địa phương đã chi gần 2.700 tỷ đồng từ 3 gói hỗ trợ chính là Nghị quyết 68 của Chính phủ, Nghị quyết 04 của HĐND tỉnh và Quyết định 12 của UBND tỉnh.
Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương, cho biết: “ Tỉnh đã thực hiện chính sách giảm mức đóng Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 14.359 đơn vị với trên 1 triệu lao động. Đã chi hỗ trợ cho hơn 186.000 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; có 26.824 hộ kinh doanh được hỗ trợ (8/9 địa phương cơ bản hoàn thành)… ”.
Những ngày gần đây, hơn 2/3 NLĐ tham gia đóng bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh đã được nhận tiền từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Với mức hưởng từ 1,8 đến 3,3 triệu đồng/ người, số tiền này tuy không nhiều nhưng đủ để NLĐ trang trải tiền thuê phòng, tiền ăn trong những ngày quay lại nhà máy và chờ lương. Dự kiến trên địa bàn tỉnh có khoảng 1,4 triệu lao động được nhận hỗ trợ từ gói chính sách này.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ riêng của tỉnh được ban hành và triển khai thực hiện nhanh chóng, hiệu quả. Đến nay, Bình Dương đã cấp gạo cho 2,1 triệu người dân với tổng số 14.000 tấn gạo. Đối với việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đang ở trọ (300.000 đồng/người), các huyện, thị xã, thành phố đã phê duyệt hỗ trợ cho trên 1,4 triệu trường hợp với tổng số tiền hơn 420 tỷ đồng; hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang ở trọ (500.000 đồng/người) cho gần 1,7 triệu trường hợp. Phối hợp với các tỉnh tổ chức 46 đợt đưa 11.650 người dân có hoàn cảnh khó khăn về nơi thường trú, bà Hằng cho biết.
Đặc biệt, “Gói an sinh Công đoàn” 30 tỷ đang triển khai hỗ trợ đoàn viên, người lao động tại các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. “Gói an sinh Công đoàn” tương đương với 150.000 suất quà “An sinh Công đoàn”, mỗi suất quà nhu yếu phẩm thiết yếu có trị giá 200.000 đồng sẽ được các cấp Công đoàn tỉnh trao đến đoàn viên công đoàn, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, bao gồm cả người lao động ở doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn nhưng có tham gia trích kinh phí Công đoàn. Với tổng kinh phí 30 tỷ đồng, sử dụng từ nguồn tài chính Công đoàn tích lũy của Công đoàn cơ sở.
Anh Phan Ngọc Minh, công nhân Công ty giày Vĩnh Nghĩa (TX.Bến Cát), cho biết: “ Gói chính sách triển khai đến người lao động rất kịp thời. Chỉ sau nửa tháng triển khai, hầu hết người lao động công ty chúng tôi đã nhận tiền hỗ trợ. Với người lao động số tiền hỗ trợ này rất quý, giải quyết được nhiều khó khăn sau nhiều tháng dịch bệnh kéo dài”.
Nói về gói hỗ trợ “An sinh công đoàn”, ông Nguyễn Duy Phương, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Compass II, KCN Việt Nam - Singgapore (VSIP), chia sẻ: “Việc công đoàn cấp trên tiếp tục triển khai thêm gói hỗ trợ “An sinh công đoàn” giúp đoàn viên, công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 khắc phục khó khăn sau dịch bệnh. Món quà tuy không lớn nhưng thể hiện được tình cảm, sự quan tâm san sẻ khó khăn với đoàn viên và công nhân lao động của tổ chức công đoàn; qua đó tiếp thêm động lực để họvượt khó, an tâm làm việc gắn bó với doanh nghiệp, với Bình Dương”.
Kết nối cung – cầu, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định
Hiện Bình Dương đẩy nhanh tổ chức tiêm vaccine đầy đủ 2 mũi cho người dân để đạt được miễn dịch cộng đồng, tập trung cho các lao động ở doanh nghiệp đông lao động, lao động tại các khu công nghiệp, lao động hoạt động trong lĩnh vực phụ trợ, logistics, xuất, nhập khẩu,… để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Đồng thời chú trọng đặc biệt vào lao động ngoại tỉnh tại các thành phố, thị xã tập trung nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp để tạo tâm lý tốt, giữ chân người lao động, ổn định xã hội.
Theo bà Nguyễn Ngọc Hằng, ngành LĐ-TB&XH đã tăng cường vai trò hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong việc phối hợp, liên hệ với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có nhu cầu được hỗ trợ để xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tổ chức nắm chắc nguồn cung lao động để kịp thời có những chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ di chuyển, nhà ở,… để đưa lao động quay lại tỉnh Bình Duơng tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh; kịp thời dự báo, cung cấp thông tin thị trường lao động đầy đủ, chính xác để kết nối cung - cầu lao động, hạn chế sự mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ, bà Hằng chia sẻ.
Và thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH sẽ nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của hệ thống dịch vụ việc làm, nhằm tăng cường kết nối cung - cầu lao động, liên kết lao động, tạo niềm tin cho người lao động về cơ hội có việc làm, rút ngắn thời gian tìm việc, thời gian tuyển dụng của người lao động, tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, góp phần tăng trưởng và giải quyết việc làm cho người lao động. Chủ động nắm bắt tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp để kịp thời có phương án ngăn ngừa, giải quyết khi tranh chấp lao động, đình công xảy ra.
Bên cạnh đó, để doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất, các sở, ban ngành trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch, liên kết với doanh nghiệp rà soát đón người lao động về quê quay lại Bình Dương làm việc. Rất nhiều doanh nghiệp cũng đã lên kế hoạch chăm lo đời sống người lao động tốt hơn, đó là tăng lương, tăng chế độ phụ cấp, có chính sách hỗ trợ những lao động có hoàn cảnh khó khăn, có con nhỏ...
Hiện nay, Bình Dương có 4.504 doanh nghiệp đăng ký và hoạt động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”, ‘3 xanh” với tổng số lao động làm việc trên 700.000 người. So với số liệu cuối tháng 9/2021, số doanh nghiệp, đơn vị trở lại hoạt động tăng 1.540 doanh nghiệp với 447.000 lao động. Dự kiến giữa tháng 11 số doanh nghiệp trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh đạt trên 80% (khoảng 1,059 triệu lao động sẽ trở lại).