CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:09

Bình Dương: Giữ chân người lao động bằng những chính sách đặc thù

Trao quyền cho doanh nghiệp

Những ngày qua, từ các cuộc gặp gỡ, đối thoại, nhiều vấn đề khó khăn của DN đã được cơ quan chức năng, địa phương tập trung giải quyết. Bình Dương đã linh hoạt, trao quyền tự chủ cho DN trong việc giữ vững an toàn trong nhà máy, quản lý người lao động. Qua đó, số lượng DN đăng ký quay lại sản xuất từ đầu tháng 10 đến nay liên tục tăng. Các DN đang phấn đấu phục hồi 100% công suất nhằm giải quyết lượng đơn hàng, đáp ứng yêu cầu của đối tác. Đồng thời, DN có cơ hội nhận thêm đơn hàng mới để tăng tốc xuất khẩu những tháng cuối năm cũng như quý I-2022.

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn DN Bình Dương, cho rằng trên thực tế, khi nhập cuộc trở lại sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài, các DN đều chịu tác động trên nhiều vấn đề như chuỗi cung ứng hàng hóa, thị trường tiêu thụ, lực lượng lao động, chi phí phát sinh trong phòng, chống dịch bệnh... Dù rất cấp thiết trong việc khôi phục sản xuất để giữ các đơn hàng, không để chuỗi cung ứng bị đứt gãy nhưng DN đều đồng thuận chủ trương “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”.

Bí thư Tỉnh ủy và lãnh đạo tỉnh đến thăm hỏi, động viên các bệnh nhân F0 tại KP 1 phường Phú Cường đã khỏi bệnh đang chờ PCR để xác định

Bí thư Tỉnh ủy và lãnh đạo tỉnh đến thăm hỏi, động viên các bệnh nhân F0 tại KP 1 phường Phú Cường đã khỏi bệnh đang chờ PCR để xác định

Đồng tình với phương án khôi phục sản xuất của tỉnh, ông Nguyễn Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), cho rằng: “Phương án trao quyền tự chủ cho DN ngay thời điểm này tạo ra tâm lý rất vững vàng, dù DN phải đối diện với trách nhiệm mới, nỗi lo mới. Tuy nhiên, được quyết định chính “vận mệnh của mình”, tôi tin rằng DN nào cũng sẽ nỗ lực để bảo vệ thành quả của mình ngay thời điểm này”. Ông Liêm kiến nghị, các địa phương nên theo điều tiết chung, không ban hành giấy phép con, quy định riêng tránh gây khó khăn cho DN. Văn bản chỉ đạo của các địa phương cần thống nhất với các giải pháp của Chính phủ, bộ, ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN hoạt động. Qua đó, góp phần giữ ồn định tăng trưởng kinh tế, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm thu ngân sách nhà nước, việc làm, chăm sóc sức khỏe, đời sống người lao động.

Để tạo điều kiện cho người dân, trong đó có công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tính đến ngày 10-10 tỉnh đã chi hỗ trợ cho 3,5 triệu lượt người với gần 2.241 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã có kế hoạch đón công nhân trở lại Bình Dương và đề nghị các DN phối hợp thực hiện với các ngành chức năng.

Để tạo điều kiện cho DN phục hồi sản xuất và người lao động, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định Bình Dương thực hiện việc mở cửa kinh tế phải đồng bộ với độ phủ về vaccine. Ngoài ra, Bình Dương xem các DN là một chủ thể trong ứng phó với dịch bệnh Covid-19, tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các DN. Để chống dịch lâu dài, DN chủ động tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ tùy theo khả năng, điều kiện, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng hỗ trợ, hướng dẫn và ban hành các quy định, chính sách phù hợp.

Giữ chân người lao động

Bên cạnh các phương án, kế hoạch phục hồi sản xuất, bảo đảm an toàn, nhiều DN trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã thực hiện các giải pháp giữ chân, hỗ trợ người lao động. Ông Nguyễn Văn Lương, Tổng Giám đốc Công ty Esquel, KCN VSIP 1 (TP.Thuận An), cho biết từ khi dịch bệnh bùng phát, công ty đã thường xuyên quan tâm, hỗ trợ kịp thời cho công nhân.

Bên cạnh đó, công ty thường xuyên thông tin kế hoạch khôi phục sản xuất trong thời gian sắp tới để công nhân yên tâm. Đồng thời, công ty phối hợp triển khai thực hiện chi trả các gói chính sách an sinh của Chính phủ và của tỉnh đến tận tay công nhân. “Khảo sát của công ty cho thấy, số lượng công nhân về quê rất ít, dưới 5%, không ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất. Để công nhân yên tâm quay lại làm việc, chúng tôi đã rất nỗ lực thực hiện chuyển đổi từ mô hình “3 tại chỗ” sang “3 xanh”, tất cả công nhân đều có việc làm, thu nhập”, ông Nguyễn Văn Lương nói.

Để công nhân yên tâm quay lại làm việc, chúng tôi đã rất nỗ lực thực hiện chuyển đổi từ mô hình “3 tại chỗ” sang “3 xanh”, tất cả công nhân đều có việc làm, thu nhập

Để công nhân yên tâm quay lại làm việc, chúng tôi đã rất nỗ lực thực hiện chuyển đổi từ mô hình “3 tại chỗ” sang “3 xanh”, tất cả công nhân đều có việc làm, thu nhập

Chủ tịch Liên đoàn DN tỉnh Bình Dương Mai Hữu Tín cho rằng: Sự hỗ trợ của Bình Dương dành cho DN trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua rất đáng trân trọng, điều đó đã làm tăng thêm niềm tin để DN tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất tại Bình Dương. Thời gian tới, tỉnh cần quan tâm đến việc giữ chân người lao động, đặc biệt là giải quyết nhu cầu nhà ở.

Ông Vũ Quốc Huy, Chủ tịch Công đoàn, Trưởng khối kỹ thuật Công ty Showa Gloves, KCN VSIP 1, cho biết: “Để giữ chân người lao động, ngay từ khi thực hiện giãn cách đến nay, công ty vẫn thực hiện hỗ trợ 40% mức lương cơ bản, không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng cho tất cả công nhân. Qua thống kê của công ty, 100% công nhân của công ty đều ở lại để làm việc”.

Hiện Bình Dương đang triển khai nhiều giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hoạt động sản xuất trở lại, đồng thời tiếp tục có các chính sách hỗ trợ người lao động. Tin tưởng rằng, khi chính quyền địa phương và mỗi DN cùng chung tay, đồng lòng thực hiện, mục tiêu khôi phục kinh tế sẽ sớm thành công.

PHA LÊ
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

 

.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh