Các chính sách giữ chân người lao động sau Tết
- Bài thuốc hay
- 17:44 - 03/02/2020
Theo Người lao động, tình trạng người lao động nghỉ việc, chuyển việc sau Tết luôn là bài toán khó đối với người quản lý của mỗi doanh nghiệp.
Theo khoản 1, điều 23 Bộ Luật Lao động 2012, hợp đồng lao động phải đảm bảo được những nội dung cơ bản như công việc, địa điểm làm việc; mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác; chế độ nâng bậc, nâng lương; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi…
Đây chắc chắn là những vấn đề mà mọi lao động đều quan tâm khi bắt đầu một công việc. Chính vì vậy, để có được lợi ích lâu dài mà thỏa mãn nhu cầu của người lao động, doanh nghiệp nên bảo đảm cả 2 yếu tố vật chất và tinh thần. Trong đó, trả lương xứng đáng với trình độ cũng như công sức mà người lao động đã bỏ ra. Chắc chắn một mức lương quá thấp sẽ không đủ sức giữ chân người lao động. Việc đưa ra chính sách lương công bằng, phù hợp sẽ tạo động lực cho người lao động làm việc tích cực và hiệu quả hơn. Đồng thời, xây dựng một môi trường làm việc vui vẻ, thân thiện cùng với việc đáp ứng đầy đủ các chế độ đãi ngộ như hỗ trợ xăng xe, nhà ở, điện thoại; thăm hỏi khi ốm đau, bệnh tật, đám hiếu, đám hỉ; thưởng lễ, Tết: Tết Dương lịch, Âm lịch, 8-3, 2-9, 20-10…
Song song với đó là sự động viên, khích lệ kịp thời bằng việc tăng lương theo năng lực, hiệu quả công việc; tạo điều kiện để người lao động học tập, nâng cao nghiệp vụ thuận lợi cho việc thăng tiến.
Lương, thưởng luôn là vấn đề nhạy cảm và ảnh hưởng lớn đến quyết định đi hay ở của người lao động, nhất là vào dịp Tết. Khoản 1, điều 103 Bộ Luật Lao động 2012 nêu rõ: Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Điều này đồng nghĩa, pháp luật không bắt buộc doanh nghiệp phải thưởng cho người lao động, mà việc thưởng hay không sẽ do doanh nghiệp quyết định. Tuy nhiên, sẽ không có người lao động nào chịu làm việc lâu dài với doanh nghiệp khi cả năm cống hiến mà không được một đồng thưởng Tết nào hoặc có nhưng rất ít, không như mong đợi. Khi người lao động nghỉ việc vì thưởng Tết không xứng đáng, doanh nghiệp nên nhận ra vấn đề của mình và xem xét, cân nhắc lại chính sách cho những năm sau, ít nhất nên chia sẻ lợi nhuận với người lao động và trả thưởng xứng đáng với những gì họ đã đóng góp.
Còn theo Quân đội nhân dân, để không xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các ban, ngành chức năng và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ chân người lao động và bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ở miền Trung, anh Nguyễn Thanh Hoàng, công nhân tại Công ty TNHH Pouchen (phường Hóa An, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), đã quay lại công ty làm việc sớm hai ngày. Anh Hoàng cho biết: “Năm nay, tôi và gia đình rất vui vì công ty tặng quà, vé xe và tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa đón Tết cho công nhân. Tôi cũng như nhiều anh em khác chủ động lên sớm để không bị kẹt xe và trở lại làm việc theo đúng kế hoạch của công ty”.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều công ty tại Đồng Nai cho công nhân nghỉ Tết đến hết ngày mồng 6 tháng Giêng (30/1/2020) và bắt đầu đi làm lại vào ngày mồng 7 tháng Giêng. Hiện rất đông công nhân làm việc tại các khu công nghiệp và khu chế xuất về đón Tết ở các tỉnh xa đã chủ động lên sớm để bước vào làm việc.
Thời điểm sau Tết Nguyên đán, tại nhiều địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó có Đồng Nai, thường xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn. Để công nhân trở lại làm việc đầy đủ, các công ty đã có nhiều chính sách giữ chân người lao động, bắt đầu từ việc chăm lo chu đáo Tết cho người lao động.
Bên cạnh việc trao quà Tết, tặng vé tàu xe, các doanh nghiệp còn tổ chức nhiều chương trình văn hóa, thể thao để người lao động vui Tết… Nhiều doanh nghiệp còn công bố khoản tiền mừng tuổi dành cho những lao động trở lại làm việc đúng lịch sau kỳ nghỉ Tết; hỗ trợ tiền tàu, xe cho các công nhân ở xa trở lại làm việc; tạo điều kiện cho lao động xa quê có thể đến làm việc muộn hơn thời gian quy định để bù lại khoảng thời gian đi đường…
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 700.000 đoàn viên công đoàn. Năm nay, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm chăm lo Tết; đồng thời động viên người lao động quay trở lại làm việc sớm. Tại các doanh nghiệp, công đoàn cơ sở phối hợp với ban giám đốc doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, ấm áp nhằm chăm lo, sẻ chia với người lao động dịp Tết.
Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động tỉnh đã lưu ý các cấp công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở chủ động tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch trả lương, thưởng và các khoản phúc lợi khác cho người lao động trong những dịp lễ, Tết; tạo điều kiện để người lao động yên tâm làm việc lâu dài tại doanh nghiệp. Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, các doanh nghiệp trong tỉnh thưởng Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 cho người lao động trung bình cao hơn 5% so với năm 2019 (khoảng 300.000 đồng/người).
Những ngày này, lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Đồng Nai cũng tích cực giúp đỡ người dân trở lại nơi làm việc sau kỳ nghỉ Tết. Giữa trời nắng nóng, nhiều cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động đã phát tận tay những chai nước suối, khăn lạnh tới người dân tham gia giao thông trên Quốc lộ 1A và Quốc lộ 20.
Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Đồng Nai, ngoài huy động tối đa lực lượng, tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, địa bàn trọng điểm, bảo đảm giao thông được thông suốt, lực lượng Cảnh sát giao thông còn tiến hành tặng nước suối, khăn lạnh cho người tham gia giao thông bằng xe gắn máy, giúp người lao động trở lại làm việc sau đợt nghỉ Tết an toàn, đồng thời để người dân tự giác chấp hành luật lệ giao thông tốt hơn.
Để người lao động yên tâm gắn bó lâu dài, tránh tình trạng “nhảy” việc hay nghỉ việc sau Tết, các chủ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã quan tâm chăm lo đời sống, từng bước nâng cao thu nhập cho công nhân trong cả năm chứ không chỉ có dịp Tết. Nhiều doanh nghiệp đã có các hoạt động thể hiện sự quan tâm, thực hiện tốt chế độ lương, thưởng hằng tháng, quý; phối hợp với công đoàn cơ sở tổ chức hoạt động tham quan, nghỉ mát, tặng quà sinh nhật, tri ân người lao động...
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, một số doanh nghiệp sản xuất gốm sứ, dệt may đã tăng tốc sản xuất ngay từ đầu năm 2020, một số doanh nghiệp đã có đơn hàng đến quý II, quý III/2020. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngay từ trước Tết đã lên kế hoạch chi tiết tuyển gấp lao động và đưa ra nhiều chế độ hấp dẫn về lương, thưởng, phụ cấp để thu hút người lao động. Với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, người lao động cảm thấy hài lòng, phấn khởi yên tâm lao động, sản xuất.