THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:35

Cả nước có hơn 5,86 triệu đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp

Số đơn vị kinh tế hành chính sự nghiệp tăng 13,9%, lao động tăng 19,9% so với năm 2012

Theo kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017, số lượng đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp, tôn giáo tiếp tục tăng, tập trung ở khu vực dịch vụ, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

Tính đến thời điểm 01/7/2017 cả nước có hơn 5,86 triệu đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp (KTHCSN), tăng 13,7% tương đương 0,7 triệu đơn vị và thu hút 26,9 triệu lao động, tăng 18,6% tương đương 4,2 triệu lao động so với năm 2012. Bình quân mỗi năm tăng 2,6% về đơn vị, 3,5% về lao động. Tăng thấp hơn giai đoạn 2007 – 2012 tương ứng 5% và 6,7%.

Số lượng đơn vị và lao động trong khu vực kinh tế tăng nhanh hơn khu vực hành chính, sự nghiệp thể hiện xu hướng tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Năm 2017, số đơn vị kinh tế tăng 13,9%, lao động tăng 19,9% so với năm 2012; bình quân mỗi năm số đơn vị kinh tế tăng 2,6%, lao động tăng 3,7%. Số đơn vị hành chính sự nghiệp năm 2017 tăng 2,3% và lao động tăng 11,3% so với năm 2012; bình quân mỗi năm tăng 0,4% về số đơn vị và 2,2% về lao động, trong đó các đơn vị hành chính tăng không đáng kể, chủ yếu là các đơn vị sự nghiệp (mức tăng tương ứng là 2,4% và 14,7%, bình quân năm tăng tương ứng là 0,5% và 2,8%).

Doanh nghiệp có tốc độ tăng cao nhất cả về số lượng đơn vị và lao động, với gần 517,9 nghìn doanh nghiệp đang tồn tại, tăng 176,3 nghìn doanh nghiệp - tăng 51,6% so với năm 2012. Khối doanh nghiệp thu hút hơn 14 triệu lao động, tăng 28,2% (tương đương 3,1 triệu người) so với năm 2012.

Đơn vị kinh tế tập thể (Hợp tác xã) hiện có 13,6 nghìn, giảm 0,1% về số lượng và giảm 15,6% về lao động so với năm 2012. Số lượng các hợp tác xã thuộc ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm chủ yếu với 51,1%, ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 19,5%, dịch vụ chiếm 29,4%.

Cơ sở SXKD cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản có 5,1 triệu cơ sở với 8,7 triệu lao động, tăng 11,2% về số lượng cơ sở và 9,5% về lao động so với năm 2012. Bình quân mỗi năm tăng tương ứng 2,1% và 1,8%, thấp hơn so với giai đoạn 2007 - 2012 (4,3% và 3,8%).

Đơn vị hành chính, sự nghiệp phát triển theo hướng tăng nhanh khu vực sự nghiệp. So với năm 2012, số đơn vị hành chính, sự nghiệp tăng 2,3% và lao động tăng 11,3%. Trong khi, các đơn vị hành chính tăng nhẹ với 0,1% về số lượng và 5,8% về lao động thì các đơn vị sự nghiệp tăng khá hơn với mức tăng 2,4% về số đơn vị và 14,7% về lao động.

Cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng tiếp tục phát triển. Tại thời điểm 01/7/2017 cả nước có 42,7 nghìn cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, tăng 19,5%, với 140,2 nghìn chức sắc, nhà tu hành và người trông coi làm việc thường xuyên tại các cơ sở này, tăng 7,9% so với năm 2012.

Họp báo công bố Kết quả chính thức Tổng điều tra kinh tế năm 2017 do Tổng cục Thống kê tổ chức sáng 19/9


Theo vùng kinh tế, vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn là nơi tập trung đông nhất số đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp với trên 1,5 triệu đơn vị và thu hút 8,04 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 26,4% về số đơn vị và 29,9% về lao động. Tiếp theo vùng Đông Nam Bộ chiếm tỷ trọng 19,4% về số đơn vị và 27,9% về lao động. Vùng Đông Nam Bộ có quy mô lớn nhất cả nước về số doanh nghiệp với 216,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 41,7% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, thu hút 5,3 triệu lao động, chiếm 37,7%.

Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển nhanh, tính đến 01/7/2017, số lượng các đơn vị hoạt động trong khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất tới 81,1% và cao hơi mức 78,7% của năm 2012.

Trình độ chuyên môn của lao động trong các đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp được nâng lên

Cũng theo kết quả cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2017, trình độ lao động hiện đang làm việc trong các đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp và tôn giáo tại thời điểm 01/7/2017 đã có sự thay đổi tích cực. Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo giảm từ 34,7% năm 2012 giảm xuống còn 29,7% của năm 2017, tỷ lệ lao động được đào tạo từ sơ cấp trở lên đều tăng hơn so với năm 2012. Trong đó, tỷ lệ lao động có trình độ đại học tăng từ 17,9% năm 2012 lên 18,4% năm 2017; tương tự tỷ lệ lao động có trình độ cao đẳng tăng từ 4,9% lên 6,7%; tỷ lệ lao động có trình độ trung cấp tăng từ 9,7% lên 10,7% và tỷ lệ lao động có trình độ sơ cấp tăng từ 6,8% lên 8,8%.

Khu vực hành chính, sự nghiệp: tỷ lệ lao động có trình độ đại học là 49,7%, trên đại học 7,2%, cao hơn so với năm 2012 (năm 2012 trình độ đại học chiếm 43,1%, trên đại học 4,9%).

Đối với khu vực doanh nghiệp, các ngành có lao động ở trình độ đại học và trên đại học chiếm trên 50% gồm: hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin truyền thông, giáo dục và đào tạo, hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ… Điều này phản ánh thực tế về nhu cầu lao động có trình độ cao ở các ngành này.

Trong các cơ sở SXKD cá thể, tỷ lệ lao động chưa được đào tạo còn khá cao chiếm 59,9% tổng số lao động của khu vực này và tỷ lệ này cũng đã giảm hơn so với các kỳ tổng điều tra trước đây (năm 2012 chiếm 67,2%, năm 2007 chiếm 85%).

Theo nhóm tuổi, lực lượng lao động từ 31 đến 45 tuổi chiếm tỷ trọng cao nhất với 42,7%, nhóm từ 30 tuổi trở xuống chiếm 35,2%. Trong khu vực doanh nghiệp, lao động chiếm tỷ trọng lớn nhất ở nhóm từ 16 đến 30 tuổi với 47,7%, đơn vị hành chính, sự nghiệp nhóm lao động có độ tuổi 31 đến 45 tuổi chiếm tỷ trọng cao nhất với 49,8%. Lao động của khu vực hợp tác xã và cá thể tập trung chủ yếu ở nhóm từ 31 đến 45 tuổi. Số lao động có độ tuổi trên 60 chiếm 2,8%, tăng hơn so với mức 0,5% của kỳ tổng điều tra 2012, chủ yếu làm việc ở các cơ sở tôn giáo và một số ở các cơ sở SXKD cá thể và hợp tác xã.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh