Cả nước có hơn 64 triệu đối tượng tham gia các loại bảo hiểm
- Tra cứu phẫu thuật
- 22:17 - 15/01/2015
Tính đến năm 2014, Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý trên 64 triệu đối tượng tham gia các loại bảo hiểm, trong đó có bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHYT... với tổng số thu trên 193,8 ngàn tỉ đồng và đảm bảo chi trả cho các đối tượng thụ hưởng bảo hiểm gần 185 ngàn tỉ đồng.
Đồng thời, hệ thống BHXH Việt Nam cũng phát triển không ngừng về số lượng và chất lượng của đội ngũ cán bộ, viên chức, hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất từng bước được nâng cao và hiện đại hóa.
Tại hội thảo, bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, chính sách BHXH từ chỗ chỉ thực hiện cho đội ngũ cán bộ công nhân viên chức nhà nước đã chuyển sang thực hiện cho mọi người lao động theo hai hình thức: BHXH bắt buộc đối với NLĐ có quan hệ lao động với người sử dụng; BHXH tự nguyện đối với NLĐ tự lo việc làm, lao động nông lâm, ngư nghiệp... nhằm tiến tới thực hiện BHXH cho mọi NLĐ, đảm bảo sự bình đẳng cho mọi NLĐ trong xã hội trên cơ sở đóng- hưởng.
Cùng với sự phát triển của chế độ chính sách BHXH, BHYT thì phạm vi dân cư được bao phủ bằng mạng lưới BHXH, BHYT cũng không ngừng tăng cao trong nhiều năm qua.
Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, nhìn lại chặng đường 20 năm, BHXH Việt Nam có rất nhiều thành tựu, song chặng đường phía trước cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức.
Bộ phận “một cửa” Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội. Ảnh: CC
Với mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia BHXH đến năm 2020 đạt 50% lực lượng lao động (khoảng 29 triệu lao động) và bảo hiểm thất nghiệp đạt 35% lực lượng lao động, phấn đấu tiếp tục tăng diện bao phủ của BHYT đạt 70% dân số vào năm 2015 và 80% dân số vào năm 2020 là thách thức lớn nhất, cần phải tổ chức thực hiện Luật BHXH (sửa đổi) hiệu quả; thứ hai là vấn đề đảm bảo đóng- hưởng hợp lý, muốn thực hiện được phải giải thích chính sách rõ ràng, tạo sự đồng thuận đối với NLĐ.
Bên cạnh đó, còn đòi hỏi những thay đổi trong hệ thống như ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa trong tổ chức, quản lý BHXH, cải cách qui trình nghiệp vụ, các thủ tục để giảm thời gian của doanh nghiệp và người lao động khi tham gia và thụ hưởng BHXH.
Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, giai đoạn tới đặt ra những yêu cầu đối với việc triển khai thực hiện chính sách BHXH theo qui định của Luật BHXH (sửa đổi) năm 2014.
Trong đó, ngay khi Luật có hiệu lực (1/1/2016), những qui định mới trong triển khai thực hiện chính sách BHXH như việc cấp sổ BHXH tới từng NLĐ tham gia BHXH, qui định chế độ định kỳ cung cấp thông tin về đóng, hưởng BHXH đến NLĐ, việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp... sẽ góp phần thực hiện tốt các qui định của pháp luật về BHXH, nâng cao tính tuân thủ và hiệu quả trong thực thi chính sách pháp luật về BHXH.
Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi cơ quan BHXH cần có sự chủ động trong việc kiện toàn bộ máy tổ chức thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của ngành để đáp ứng được với những yêu cầu, đòi hỏi trong phát triển hệ thống chính sách BHXH ở nước ta.
Có thể nói, Luật Việc làm (với chính sách bảo hiểm thất nghiệp), Luật BHYT, BHXH được Quốc hội thông qua trong nhiệm kỳ khóa XIII đã tiếp tục hoàn thiện các chính sách an sinh xã hội của Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, trong thời gian tới, các chính sách này vẫn cần tiếp tục hoàn thiện để tăng độ bao phủ an sinh cho NLĐ, người dân, đặc biệt là NLĐ làm việc trong khu vực phi chính thức, nông dân.
Ông Lợi nhấn mạnh: “Cần xây dựng một chính sách hỗ trợ tài chính hợp lý cho các nhóm đối tượng nhằm khuyến khích người dân tham gia ngày càng nhiều hơn vào các cơ chế bảo hiểm.
Cùng với việc mở rộng diện bao phủ, vấn đề nâng cao chất lượng, hiệu quả của các chính sách an sinh cũng là thách thức, và là mục tiêu trọng tâm của việc hoạch định chính sách trong thời gian tới, đặt ra từng yêu cầu cụ thể với từng loại hình bảo hiểm.
Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, Việt Nam cần tiếp tục có những cải tiến mạnh mẽ hơn trong tương lai để thực hiện mục tiêu làm cho mọi người dân được tiếp cận, bảo đảm an sinh xã hội”.