Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động
- Tây Y
- 22:55 - 31/12/2014
Bà Trần Thị Thúy Nga. Luật BHXH sửa đổi gồm 9 Chương, 125 Điều, quy định chế độ, chính sách BHXH; quyền và trách nhiệm của NLĐ, người sử dụng lao động; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến BHXH, tổ chức đại diện tập thể lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động; cơ quan BHXH; Quỹ BHXH; thủ tục thực hiện BHXH và quản lý nhà nước về BHXH. |
* Luật BHXH 2014 về cơ bản đã bổ sung nhiều quyền lợi cho NLĐ, bà có thể cho biết về những điểm mới này?
- So với Luật BHXH hiện hành, Luật BHXH năm 2014 đã bổ sung một số điểm mới, theo hướng có lợi hơn cho NLĐ. Cụ thể, đối với những người tham gia BHXH bắt buộc: Người làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc và sẽ được thực hiện từ ngày 1/1/2018.
Cán bộ hoạt động không chuyên trách ở cơ sở xã, phường, thị trấn cũng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc với 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Lao động nữ được hưởng BHYT trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, và trong thời gian hưởng chế độ ốm đau khi NLĐ mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày...
Luật BHXH sửa đổi quy định mức hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 24 ngày (hiện hành chia cho 26 ngày); tăng mức trợ cấp ốm đau đối với NLĐ mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày từ 45% lên 50% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; bổ sung quy định lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản; quy định trợ cấp một lần khi sinh con đối với trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH...
Đối với lao động nữ là cán bộ chuyên trách hoặc không chuyên trách ở cơ sở được hưởng lương hưu khi đủ 55 tuổi nếu đã có đủ 15 năm đóng BHXH trở lên...
Đối với những người tham gia BHXH tự nguyện: Luật sửa đổi không quy định tuổi trần tham gia BHXH tự nguyện. Thay đổi phương thức đóng BHXH tự nguyên theo hướng linh hoạt hơn, như cho phép đóng mỗi năm một lần, một lần cho nhiều năm trong quá khứ hoặc trong lương lai; Nhà nước có chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH, mức hỗ trợ do Chính phủ quy định phù hợp với khả năng ngân sách từng thời kỳ.
Lao động đến làm thủ tục đăng ký thất nghiệp.
* Nếu NLĐ về hưu trước ngày 1/1/2016 - ngày Luật BHXH 2014 có hiệu lực, thì lương hưu của họ có tính theo quy định mới không, thưa bà?
- Để đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng và khả năng cân đối quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn, Luật BHXH năm 2014 đã quy định tăng dần thời gian đóng BHXH để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75% khi có đủ 30 năm đối với nữ và 35 năm đối với nam.
Cụ thể: NLĐ nghỉ việc hưởng lương hưu trước ngày 1/1/2018 thì cách tính lương hưu vẫn thực hiện như quy định của Luật BHXH hiện hành. NLĐ nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2018 trở đi, thì mức lương hưu được tính: Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm, sẽ được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi thì 15 năm đóng BHXH được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, NLĐ (cả nam và nữ) được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%. Đối với NLĐ nghỉ hưu trước tuổi quy định do suy giảm khả năng lao động, mức lương hưu hằng tháng giảm trừ 2% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định.
* Với NLĐ làm việc trong khu vực Nhà nước, cách tính lương hưu có gì thay đổi không, thưa bà?
- Ngoài sửa đổi về cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu như đã nêu ở trên, Luật BHXH năm 2014 còn có một số sửa đổi hướng tới bảo đảm sự công bằng, bình đẳng trong tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH giữa NLĐ trong khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước, cũng như bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng, hướng tới mục tiêu bảo đảm khả năng cân đối quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn.
Cụ thể: Sửa đổi cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu đối với NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định theo hướng có lộ trình tiến tới tính bình quân toàn bộ thời gian đóng như NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
Trong đó, đối với người bắt đầu tham gia BHXH trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì vẫn tính bình quân 5 năm, 6 năm, 8 năm hoặc 10 năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu như Luật BHXH năm 2006. Đối với người bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2019, thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
Đối với người bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu. Đối với người bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.
Như vậy, người sớm nhất có thể áp dụng cách tính toàn bộ quá trình phải là người nghỉ hưu từ năm 2045 trở đi.
Luật BHXH sửa đổi cũng quy định điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH theo hướng: Đối với người tham gia BHXH từ trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì việc điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH vẫn thực hiện như quy định hiện hành (điều chỉnh theo mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí).
Đối với người bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, tiền lương đã đóng BHXH được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt của từng thời kỳ áp dụng cho mọi NLĐ, không phân biệt NLĐ thuộc khu vực Nhà nước hay ngoài Nhà nước (người sớm nhất có thể áp dụng cách điều chỉnh này phải là người nghỉ hưu từ năm 2036 trở đi).
* Luật BHXH năm 2014 giao quyền thanh tra cho cơ quan BHXH, điều này có khắc phục được tình trạng trốn đóng và nợ đóng BHXH không, thưa bà?
- Thời gian qua, tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH diễn ra khá phổ biến, nhiều doanh nghiệp cố tình chiếm dụng tiền đóng BHXH của NLĐ, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ.
Do vậy, việc bổ sung quyền thanh tra việc đóng BHXH cho cơ quan BHXH để cùng với thanh tra chuyên ngành LĐ-TB&XH, theo tôi sẽ thực hiện có hiệu quả hơn nhiệm vụ thu tiền đóng BHXH.
Bên cạnh đó, Luật BHXH năm 2014 cũng đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm tăng tính tuân thủ pháp luật về BHXH để hạn chế tình trạng nợ đóng BHXH, như: Bổ sung quyền của tổ chức công đoàn khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ; tăng mức lãi đối với số tiền chậm đóng BHXH lên bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền chậm đóng...
* Có đại biểu Quốc hội lo ngại việc trao quyền thanh tra cho BHXH Việt Nam, liệu có xảy ra hiện tượng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”?
- Trước hết, phải khẳng định Luật BHXH năm 2014 chỉ giao cho tổ chức BHXH quyền thanh tra việc đóng BHXH. Việc thanh tra chuyên ngành về thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, về quản lý tài chính BHXH vẫn thuộc thẩm quyền của Thanh tra LĐ-TB&XH và Thanh tra tài chính thực hiện.
Việc này sẽ mang lại hiệu quả hơn nhiệm vụ thu BHXH, nhằm đảm bảo quyền thụ hưởng chế độ BHXH của NLĐ.
* Xin bà cho biết, hiện đã có cơ chế theo dõi việc thực thi Luật BHXH 2014 chưa? Khả năng thực thi như thế nào?
- Ngay sau khi được Quốc hội thông qua, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện Luật BHXH, tập trung vào việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành và công tác tuyên truyền, phố biến Luật BHXH.
Với sự chủ động và phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương trong các công tác chuẩn bị, Luật BHXH năm 2014 sẽ được triển khai thực hiện theo đúng hiệu lực thi hành đã được Quốc hội thông qua là từ ngày 1/1/2016.