Cả nước bắt đầu kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020
- Giáo dục nghề nghiệp
- 17:59 - 08/08/2020
Kỳ thi tốt nghiệp THPT bắt đầu từ ngày 8 đến ngày 10/8
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, từ 8h00, cán bộ làm công tác coi thi họp tại điểm thi; buổi chiều cùng ngày từ 14h00 thí sinh đến phòng thi làm thủ tục và đính chính sai sót (nếu có) đồng thời nghe phổ biến quy chế, lịch thi.
Khi làm thủ tục, thí sinh sẽ nhận thẻ dự thi và đối chiếu các thông tin cá nhân như họ, tên đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh, đối tượng ưu tiên… Nếu phát hiện có sai sót thí sinh phải báo ngay cho cán bộ coi thi hoặc người làm nhiệm vụ tại điểm thi để được xử lý.
Khi làm thủ tục dự thi, thí sinh phải mang chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cuớc công dân (còn hạn). Trong trường hợp mất chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ cần thiết khác, thí sinh phải báo cáo ngay cho giám thị hoặc cán bộ coi thi để xử lý.
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 (như Thành phố Đà Nẵng và một số huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam) lùi thời gian tổ chức kỳ thi vào thời điểm thích hợp; thời gian tổ chức thi do các địa phương đề xuất sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, bảo đảm an toàn cho công tác tổ chức thi.
Các địa phương còn lại tổ chức kỳ thi theo kế hoạch (từ ngày 8 đến ngày 10/8/2020) khi bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT.
Để đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh trong quá trình tổ chức kỳ thi (từ ngày 8 đến ngày 10/8/2020), các thí sinh thuộc diện F1, F2 cả nước (nếu có) sẽ dự thi cùng thời gian với thí sinh của các địa phương phải lùi thời gian tổ chức kỳ thi do phải thực hiện giãn cách xã hội.
Thí sinh dự kỳ thi tổ chức sau ngày 10/8/2020 nếu có nguyện vọng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển sinh vào đại học, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học xem xét bố trí tỉ lệ chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, trên tinh thần tự chủ đại học.
Theo ghi nhận của Vtv.vn trong sáng nay, tại Hà Nội, 143 điểm thi trên địa bàn thành phố đã cơ bản hoàn tất, sẵn sàng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 với quyết tâm cao để bảo đảm an toàn về mọi mặt cho các thí sinh.
Để chủ động ứng phó, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh khi có thí sinh ho, sốt, khó thở, tại mỗi điểm thi đều bố trí thêm tối thiểu 2 phòng thi dự phòng. Tại mỗi điểm thi sẽ có 5 cán bộ y tế trực tiếp kiểm tra nhiệt độ, sức khỏe cho thí sinh ngay từ cổng vào. Nếu có biểu hiện thân nhiệt cao, ho, sốt, thí sinh sẽ được đưa vào phòng thi dự phòng. Lực lượng cán bộ coi thi cũng được dự phòng từ 6 - 8 người.
Việc điều động cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ được thực hiện theo đúng quy chế thi của Bộ GD&ĐT, không có yếu tố dịch tễ; trong đó cùng với gần 9.500 người đã được điều động theo kế hoạch, Sở GD&ĐT Hà Nội đã bổ sung tại mỗi điểm từ 6 đến 7 cán bộ, giáo viên, sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
Huy động máy bay, xuồng máy, ô tô vận chuyển đề về các điểm thi
Sáng nay, các địa phương bắt đầu vận chuyển đề thi về các điểm thi với sự bảo vệ chặt chẽ của lực lượng an ninh. Do địa hình của từng địa phương khác nhau nên việc bố trí phương tiện vận chuyển đề thi cũng được linh hoạt. Những điểm thi ở xa, đề thi được chuyển về điểm thi sớm nhất 1 ngày trước kỳ thi. Còn những điểm thi ở gần, đề thi được giao theo ngày.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng phòng quản lý chất lượng (Sở GD&ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, địa phương có 1 điểm thi chỉ có khoảng 4 phòng thi ở Côn Đảo. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho thí sinh, kỳ thi được tổ chức tại chỗ. Trước kỳ thi, địa phương lên 2 phương án vận chuyển đề thi, bài thi bằng máy bay và tàu cao tốc tùy vào điều kiện thời tiết.
Sau đó, đề thi được vận chuyển bằng máy bay cùng sự bảo vệ của lực lượng an ninh ra đảo. Ở những nơi khác, bài thi được đưa về 1 điểm sau khi kết thúc một ngày thi, riêng điểm thi ở đảo, sau khi kết thúc kỳ thi, bài thi được đưa về đất liền 1 lần.
Cũng theo ông Trung, đến thời điểm này, địa phương đã rà soát, không có thí sinh thuộc diện F1, F2. Các điểm thi được chuẩn bị tất cả mọi điều kiện phòng dịch. Thí sinh được nhắc nhở chuẩn bị khẩu trang y tế và các điểm thi đều chuẩn bị sẵn khẩu trang y tế để phát cho thí sinh.
Tại các địa phương có địa bàn rộng lớn như: Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Thuận… lãnh đạo các Sở GD&ĐT cho biết, trong ngày 8/8 đề thi cũng được vận chuyển đến điểm thi để đảm bảo ngày 9/8 thí sinh thực hiện bài thi.
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, địa phương có 61 điểm thi, điểm thi xa nhất cách trung tâm TP Vinh 200 cây số. Do đó, từ sáng sớm, đề thi phải được vận chuyển tới điểm thi dưới sự giám sát của lực lượng công an.
Cũng chia sẻ với Tiền phong, Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Thuận Phan Đoàn Thái cho biết, điểm thi xa trung tâm nhất là 140km. Do đó, trước kỳ thi 1 ngày, địa phương tổ chức giao đề thi về các điểm thi. Bình Thuận cũng là địa phương duy nhất hiện nay cho học sinh ở đảo Phú Quý vào đất liền dự thi.
Trong khi đó, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết, ngoài chuẩn bị ứng phó với các tình huống lũ lụt, sạt lở; phương án phòng chống dịch, địa phương còn tính đến phương án dùng xuồng cao tốc vận chuyển đề thi đến 2 điểm thi THPT Mường Chiềng và THPT Yên Hòa, huyện Đà Bắc. Những thí sinh ở cách xa điểm thi được thông báo đến gần điểm thi ở ký túc xá, ở trọ và có kế hoạch hỗ trợ ăn ở trong suốt thời gian thi.