THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:27

“Bứt phá” hay “tụt hậu” phụ thuộc nhiều vào cải thiện năng suất lao động

 

Tăng năng suất lao động đểlàm giàu 

Theo bà Sandra Polaski, Phó tổng giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), việc tăng trưởng năng suất lao động thường bị hiểu nhầm. Suy nghĩ đơn giản là năng suất lao động phản ánh một người làm việc chăm chỉ như thế nào là không đúng. Ví dụ, rất nhiều nông dân làm việc chăm chỉ hơn nhiều so với những người có năng suất lao động cao hơn. Nhưng họ có năng suất lao động thấp là bởi họ không có các công cụ, trang thiết bị, đầu vào hay kỹ thuật để năng suất cao hơn.

Báo cáo của ILO và ADB (2014) gần đây cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 đạt 5.440 USD/lao động, bằng 1/18 năng suất lao động của Singapore, bằng 1/6,5 so sánh với Malaysia, 1/3 Thái Lan và Trung Quốc. Trong khu vực ASEAN, hiện tại năng suất lao động Việt Nam chỉ cao hơn Myanmar, Campuchia và đang xấp xỉ với Lào. Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng thừa nhận các con số trên khi nói về năng suất lao động của Việt Nam.

Nâng cao năng suất lao động sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam thời gian tới. Bứt phá hay bị tụt lại phía sau phụ thuộc rất nhiều vào những nỗ lực cải thiện năng suất lao động của Việt Nam trong chặng đường phía trước. Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê từng đánh giá: Để cạnh tranh được, năng suất lao động phải tốt. Nói cách khác, năng suất lao động là phương thức quan trọng nhất để chúng ta nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong thời gian qua, năng suất lao động đã được cải thiện tốt, nhưng vẫn thấp hơn các nước trong khu vực và trên thế giới. Đó là thách thức rất lớn với nền kinh tế trong năm 2015 và các năm tiếp theo.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới và OECD, Việt Nam đang ở ngã ba đường, nơi có một con đường hướng tới tốc độ tăng trưởng cao liên tục, tương ứng với tốc độ tăng trưởng đầy ấn tượng 7- 8%/năm trong hai thập kỷ vừa qua. Con đường kia là tăng trưởng chậm và kéo dài.

Nghiên cứu của GS.TS Trần Thọ Đạt và Ths Nguyễn Thị Cẩm Vân (Đại học Kinh tế quốc dân) cho thấy: Yếu tố quyết định con đường tăng trưởng của Việt Nam chính là tăng trưởng về năng suất lao động. Trên con đường này, thách thức đặt ra là năng suất lao động của Việt Nam phải liên tục tăng với tốc độ 6,3-7,3%, tức là tăng khoảng 1,5-1,7 lần so với hiện nay (tốc độ tăng năng suất lao động Việt Nam năm 2014, là 4,35%). Đây là một mục tiêu đầy tham vọng nhưng không phải chưa có tiền lệ. Năm 1996 năng suất lao động Việt Nam đã từng tăng với tốc độ 6,96% năm 1996.

Dịch chuyển lao động từng ngành

Theo thống kê của WB từ những năm 1990, tăng trưởng năng suất của Việt Nam đã trên đà giảm xuống. Nếu tính trung bình trong 3 năm liên tiếp, từ năm 2010 trở lại đây năng suất lao động chỉ đạt mức tăng trưởng 3% so với mức tăng 7% của giai đoạn những năm 1990. Nguyên nhân là do năng suất lao động của khu vực nhà nước và tư nhân đều kém hiệu quả.

Chia sẻ sâu hơn về nghiên cứu trên, GS.TS Trần Thọ Đạt nhận định, động lực cốt lõi thúc đẩy tăng trưởng năng suất lao động Việt Nam thời kỳ 2000-2010 là sự dịch chuyển lao động từ ngành có năng suất thấp sang các ngành có năng suất cao hơn.

Sự dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ đã có đóng góp to lớn cho sự gia tăng năng suất lao động ở Việt Nam. Tuy nhiên nhân tố chủ đạo dẫn dắt và tạo nội lực này cho tăng trưởng năng suất lao động trong thời gian qua đã bộc lộ xu hướng “hụt hơi”, đây là vấn đề đã nhìn thấy từ trước. Các nền kinh tế thành công ở châu Á cũng cho thấy tăng năng suất lao động của nội bộ các ngành là nguồn chính của tăng trưởng năng suất lao động nền kinh tế. Do đó để tiếp tục đạt được mức tăng trưởng cao hơn, Việt Nam cần dựa vào các nhân tố khởi nguồn tăng trưởng mới thay thế cho sự “hụt hơi” của những động lực tăng trưởng cốt lõi trước đây.

GS.TS Trần Thọ Đạt cho rằng: "Trong giai đoạn tới, dường như Việt Nam không thể tiếp tục nâng cao tỷ trọng đóng góp của tăng trưởng năng suất lao động cho tăng trưởng kinh tế, nhờ dịch chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ như trước đây. Với biên độ tăng trưởng năng suất lao động của các ngành và nền kinh tế chỉ dao động trong ngưỡng 4% như trong những năm gần đây, Việt Nam khó có thể tránh được bẫy thu nhập trung bình trong tương lai gần, thậm chí có thể còn bị tụt hậu xa hơn nữa so với các quốc gia trong khu vực”.

Vì thế, tăng năng suất lao động nội bộ ngành đang là con đường tăng trưởng năng suất cơ bản trong nền kinh tế hiện nay, đặc biệt là ngành công nghiệp (bằng cách áp dụng công nghệ mới, nâng cấp máy móc thiết bị…)

 

Theo báo cáo tổng quan Việt Nam 2035, do Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, đến năm 2035, Việt Nam sẽ là một nước có thu nhập trung bình (GDP đầu người đạt 22.000 USD), tiến tới một xã hội thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ.

Mặc dù vậy, theo ông Sandeep Mahaijan, Chuyên gia kinh tế trưởng WB, tăng trưởng năng suất giảm là thách thức lớn nhất đối với khát vọng tăng thu nhập của Việt Nam đến năm 2035.

Nguyễn Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh