CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:13

Xã Lộc Vĩnh (Thừa Thiên Huế) có buông lỏng quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản?

Một xe tải vào "ăn" cát tại khu nuôi tôm cao triều thuộc thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh

Lộc Vĩnh là 1 trong 4 xã, thị trấn nằm trong vùng quy hoạch và là “trái tim” của Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế). Vì vậy, phần lớn diện tích đất của địa phương này đã nằm trong chỉ giới từ vàng – đỏ để xây dựng, phát triển Khu kinh tế. Tuy nhiên, với thực tế phát triển “rùa bò” của khu kinh tế này, nên nhiều diện tích đất trước đó đã được thu hồi, giao cho doanh nghiệp nhưng giờ đây biến thành những vùng hoang hóa, nhường chỗ cho cả cây trồng và cây dại, làm nơi khai thác cát lậu cho nhiều cá nhân, tổ chức tại địa phương.

Theo phản ánh của người dân, việc khai thác cát lậu tại những vùng đất như nói trên ở xã Lộc Vĩnh nhiều khi diễn ra công khai ngay giữa ban ngày. Xe chở cát ngang nhiên chạy trên các tuyến đường nội bộ Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, trong khi điểm khai thác cát cũng chẳng cách trụ sở UBND xã bao xa. Chẳng hạn như tại khu nuôi tôm cao triều thuộc thôn Cảnh Dương là một ví dụ. Các cá nhân, tổ chức khai thác cát ngang nhiên mang xe tải vào đây xúc cát rồi chở đi đổ cho những người có nhu cầu trên địa bàn. Việc khai thác tồn tại âm ỉ suốt thời gian dài đến nỗi vùng đất này đã bị tan hoang, tại hiền trường xuất hiện nhiều điểm lấy cát lộ thiên, những hố sâu do việc đào lấy tài nguyên khoáng sản tạo nên.

Sau khi "ăn" cát, chiếc xe tải vô tư chạy trên một tuyến đường nội bộ Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô rồi ra trục đường chính của khu này và về đổ cát tại địa điểm cách trụ sở UBND xã Lộc Vĩnh không bao xa

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Bảo – Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh cho biết: khu đất này trước đây là của người dân địa phương và từng nằm trong dự án trồng mía do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế hợp tác với một doanh nghiệp Ấn Độ thực hiện trước những năm 2000. Sau đó, tỉnh Thừa Thiên Huế thu hồi diện tích đất này nhưng không đền bù mà chỉ hỗ trợ cho người dân. Sau khi thu hồi, tỉnh giao cho một doanh nghiệp trên địa bàn để nuôi tôm cao triều. Tuy nhiên, việc nuôi tôm thua lỗ, doanh nghiệp này cũng bỏ của chạy lấy người.

Cũng theo ông Bảo, khi thấy đất bị bỏ không, người dân địa phương vào tái lấn chiếm để trồng cây công nghiệp. Ở đây, chủ yếu là cây keo, tràm.

Xuất phát từ sự nhập nhèm trong quản lý, quản lý lỏng lẻo của chính quyền các cấp, nhiều cá nhân, tổ chức đã lợi dụng để biến nơi này thành một vùng để khai thác lậu, khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản. “Việc khai thác này xã có nắm và đã xử lý. Nhưng những người khai thác chủ yếu là người dân địa phương, họ xin lấy mang về bồi nhà, bồi lăng mộ và chủ yếu là khai thác nhỏ lẻ”, ông Bảo lý giải.

Việc khai thác cát lậu diễn ra âm ỉ trong thời gian dài tại các vùng đất được quản lý có phần nhập nhèm, khiến những nơi này bị ta hoang

Tuy nhiên, việc khai thác này liệu chỉ là nhỏ lẻ, lấy mang về bồi nhà, bồi lăng mộ như ông Bảo nói? Trong những ngày đi tìm hiểu thực tế tại đây, phóng viên phát hiện dấu hiệu có tổ chức trong việc khai thác cát lậu tại địa bàn xã Lộc Vĩnh. Chiều 29/10, khi phóng viên đang theo dõi, quay phim, chụp hình một chiếc xe tải vào khu nuôi tôm cao triều ở thôn Cảnh Dương để “ăn” cát thì lập tức xuất hiện những đối tượng lạ mặt lởn vởn tại đây để cảnh giới. Mặt khác, điểm khai thác cát lậu này nằm cách trụ sở UBND xã Lộc Vĩnh chỉ hơn 1Km, nhưng tại sao chính quyền không biết, không có biện pháp xử lý nào?

Nằm kế khu nuôi tôm cao triều như nói trên, có một khu đất mà trong trí nhớ theo kiểu hình như của hộ ông Võ Văn Vũ mà ông Bảo cho biết, xuất hiện 4  hố cát sâu, rộng. Ông Bảo cho biết, qua nắm bắt tình hình, lý do có các hố cát này là vì gia đình ông Vũ cải tạo hồ nuôi cá nhưng không xin phép chính quyền. “Việc vận chuyển vật liệu dôi dư cũng không xin phép và Công an xã đã đến ngăn chặn, yêu cầu không được chuyển ra ngoài”, ông Bảo nói. Theo ông Bảo, việc vận chuyển cát dôi dư trước đó là “ông anh nhà ông Vũ xin vài xe mang về bồi vườn”?

Theo phản ánh của người dân địa phương, thì việc vận chuyển cát dôi dư do cải tạo “hồ nuôi cá” của nhà ông Vũ thực tế là để phục vụ công tác san ủi mặt bằng cho một kho nhiên liệu đang được xây dựng tại địa bàn thôn Cảnh Dương. Tuy nhiên, ông Bảo cho rằng: “Đó chỉ là phản ánh của người dân thôi vì khi xã phát hiện đã giao lực lượng Công an đến ngăn chặn, không cho họ vận chuyển ra khỏi khu vực này nữa. Việc bồi lấp mặt bằng của dự án kho xăng dầu không thể khẳng định là lấy đất ở chỗ này, bởi diện tích cần bồi lấp là rất lớn nên cát từ những hồ nhỏ kia không thể đủ. Nguồn đất, cát thì họ hợp đồng với các doanh nghiệp, nên sẽ lấy ở những nơi khác.” Khi phóng viên hỏi xã có nắm được nguồn đất, cát dùng để bồi lấp kho nhiên liệu nói trên hay không, ông Bảo cho biết: “doanh nghiệp thì họ hợp đồng với doanh nghiệp để làm; còn dự án do Khu kinh tế cấp phép, xã chỉ quản lý trên hồ sơ thiết kế của họ chứ không quản lý nguồn đất, cát san ủi mặt bằng”.

Cát từ những cái hố sâu và rộng này đã biến đi đâu?

Không chỉ tại khu nuôi tôm cao triều hay tại diện tích nhà ông Vũ, một cánh đồng bỏ hoang, địa điểm giáp ranh giữa thôn Đông An và thôn Cảnh Dương, nằm đối diện với nhà ông Vũ cũng xuất hiện những hố sâu, rộng. Tại đây cũng có nhiều dấu vết vận chuyển tài nguyên khoáng sản mang đi nơi khác. Vậy, một khối lượng lớn tài nguyên khoáng sản đã bay đi đâu? Liệu chỉ ở trong vườn của ông anh ông Vũ, ở các lăng mộ trong địa bàn xã Lộc Vĩnh? Công tác quản lý của chính quyền địa phương trong thời gian qua đã thật sự chặt chẽ hay còn buông lỏng, còn “làm ngơ”, để các cá nhân, tổ chức khai thác lậu, khai thác trái phép?

Đường đi của cát lậu

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh