Bước qua mùa thi
- Chia sẻ
- 16:13 - 18/06/2021
Kì thi đầy thử thách
Bước vào mùa thi năm nay, các thầy cô, cha mẹ đều có phần lo lắng hơn mọi năm. Sau một thời gian học online đáng kể trong bối cảnh bóng đen của dịch bệnh vẫn chưa tan biến, việc thi cử hẳn sẽ ít nhiều bị tác động.
Dù việc học online có thể giúp các bạn học sinh không bị quên kiến thức, nhưng để bổ sung kiến thức mới thì không hề nhanh chóng và dễ dàng. Bạn Bảo Linh (quận Ba Đình, Hà Nội) vừa ôn thi vào lớp mười chia sẻ: "Trong giờ học mạng yếu nên em thường bị "văng" ra khỏi phòng, ngoài ra lớp đông nên cô giáo rất vất vả điểm danh nên không phải lúc nào các bạn cũng học online đúng giờ, đầy đủ".
Như vậy việc tổ chức các lớp học online đều đặn không có nghĩa là học sinh sẽ tham gia học đều đặn và có ý thức tự giác học tập. Có lẽ, tự giác học tập chưa phải là thói quen của đa số các bạn học sinh chăng? Vậy là về mặt kiến thức, sẽ có không ít bạn bước vào kì thi trong trạng thái chưa hoàn toàn tự tin hoặc không đủ kiến thức để tự tin.
Để phần nào giảm bớt áp lực, đề thi vào lớp mười năm nay đã được rút ngắn lại so với mọi năm, thời gian làm bài ngắn hơn. Tưởng chừng phụ huynh và thí sinh sẽ thở phào nhẹ nhõm, ngờ đâu khi mới hay tin này thì không ít người lại thêm lao xao: Mừng thì có mừng, nhưng bối rối thì cũng rõ ràng không kém.
Trước ngày thi, mọi sự "thay đổi", "điều chỉnh" dù bởi yếu tố khách quan cũng ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý thí sinh và người nhà. Với thói quen học gì thì phải thi theo vậy của không ít bạn học sinh bấy lâu nay, người trong cuộc lại càng bồn chồn khi nghe tin đề thi có sự điều chỉnh - dù là điều chỉnh theo hướng nhẹ nhàng, có lợi cho thí sinh dự thi.
Đến ngày thi, không khí được nén lại trong các điểm thi dưới sức nóng của ngày hè sau những cơn mưa rào vội vã. Dù thi cử là việc lớn, nhưng phòng dịch cũng là việc hệ trọng không kém. Trước khi vào điểm thi, thí sinh được các anh, chị thanh niên tình nguyện hỗ trợ đo nhiệt độ, phát khẩu trang miễn phí và nước rửa tay sát khuẩn. Để hạn chế tối đa tập trung đông người, phụ huynh đưa con đi thi không được tụ tập ở xung quanh điểm thi. Do đó, nếu có tình huống phát sinh cần hỗ trợ từ cha mẹ thì các em cũng không có cách nào kịp thời liên hệ. Vậy nên những trường hợp thí sinh đến nhầm địa điểm, thì ngay lập tức các bạn thanh niên tình nguyện phải nhanh chóng thay người nhà hỗ trợ.
Có lẽ, mùa thi năm này sẽ tồn tại lâu dài trong kí ức của các bậc phụ huynh và các bạn thí sinh. Bởi không chỉ là một cuộc thi về kiến thức, đó còn là cuộc thi về ý chí và ý thức của mọi người.
Bài học quý giá trên đường đời
Đi thi ai cũng cầu đỗ đạt, tùy theo kết quả thi mà quyết định vui buồn. Tuy nhiên, người viết bài nghĩ rằng ngoài việc chú tâm vào kết quả, thi cử để lại nhiều bài học quý giá hơn, cụ thể.
Thành tích học tập đến từ quá trình học tập
Sẽ có không ít thí sinh lao vào ôn thi quyết liệt trong những ngày gần kề thi cử. Trong đó, có những bạn quyết tâm đạt điểm cao song cũng có những bạn thì đến giai đoạn này mới thực sự bắt đầu học.
Các bạn gắng học trong giai đoạn sắp thi là bởi ý thức đột nhiên bừng tỉnh sau những tháng ngày lơ là hoặc cũng có thể vì một động lực rất ngây thơ là bố mẹ hứa sẽ trao cho những phần thưởng hấp dẫn nếu thi đỗ. Với động lực có hạn và kiến thức nông cạn ấy, thì kết quả thi theo đó cũng mang tính ngẫu nhiên đầy may rủi.
Mong sao các bạn học sinh đừng đợi đến lúc thi mới bắt đầu học.
Tự tin và tự chủ là bí quyết
Ngoài vấn đề kiến thức thì tâm lý trong thi cử là vô cùng quan trọng. Đi thi, người làm bài sẽ mang theo áp lực nhất định, bởi thi gắn liền với kết quả và kết quả gắn liền với lời khen, tiếng chê đến từ những người xung quanh.
Những áp lực ấy nếu biết cách điều hướng sẽ trở thành động lực, ngược lại sẽ trở thành chướng ngại triệt tiêu sự thông minh của các bạn trẻ. Vốn theo nghề dạy học, tôi đã từng chứng kiến có những bạn trẻ cảm thấy hồi hộp, lúng túng đến nỗi mất kiểm soát trước mỗi mùa thi- dù rằng các bạn ấy đã chăm chỉ học tập và có kiến thức căn bản vững vàng. Hệ quả của trạng thái ấy là vòng luẩn quẩn của việc bị áp lực, cố gắng học, bị áp lực, đi thi, kết quả thấp rồi lại bị áp lực, lại cố gắng học.
Dường như ngoài kiến thức, cha mẹ và thầy cô giáo nên quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần của các bạn học sinh trước mỗi mùa thi. Bởi những kì thi quan trọng lại thường hay trùng vào những giai đoạn biến động trong quá trình phát triển tâm – sinh lý của các bạn trẻ. Các bạn trẻ sẽ cần sự tham vấn, giúp đỡ từ người lớn để tự tin, tự chủ trong khi đương đầu với những thử thách căng thẳng của mùa thi.
Biết rút kinh nghiệm từ trong trải nghiệm
Sớm muộn cũng sẽ có kết quả tuyển sinh vào lớp mười. Đó cũng chính là lúc tiếng khóc, tiếng cười đan xen. Chuyện của con trẻ cũng kéo theo chuyện của người lớn, khó tránh khỏi cảnh một vài gia đình "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" sau khi biết kết quả thi của con. Thế nhưng điều có giá trị nhất sẽ không hoàn toàn nằm ở kết quả mà nằm ở chỗ con trẻ biết tự soi xét lại bản thân để hiểu được vì sao mình thành công hay chưa thành công với kì thi.
Chúng ta không nên kì vọng các bạn trẻ luôn đạt được thành tựu ngay từ lần đầu tiên cố gắng. Nếu đạt thành tựu nhanh chóng, dễ dàng, rất có thể các bạn trẻ sẽ bỏ lỡ mất cơ hội rút ra nhiều bài học kinh nghiệm có ích trên hành trình hoàn thiện và phát triển nhân cách sau này.
Con em thi đỗ ai cũng mừng, cũng tự hào. Bạn trẻ nào thi đỗ cũng hãnh diện, sung sướng vì được khen, được quà. Thế nhưng không phải bạn trẻ nào chưa thi đỗ ngay cũng là điều đáng buồn, đáng trách. Đây là thời điểm vàng để cha mẹ ngồi lại cùng con, tiếp tục giáo dục, định hướng lại con bằng sự thấu hiểu, yêu thương thay vì chỉ trích, quát mắng con để giải tỏa sự thất vọng.
Các con sẽ còn phải học nhiều và thi nhiều, không chỉ ở trong trường lớp mà còn trong thực tế. Do đó, càng trải nghiệm đầy đủ, càng biết rút ra kinh nghiệm bổ ích từ trải nghiệm, càng nhận được sự tin tưởng, đồng hành từ cha mẹ, thì các con sẽ càng trưởng thành, hiểu biết hơn.
Chuyển hóa ngày thi thành ngày hội của việc học
Thi cử là đề tài tốn nhiều giấy mực. Cá nhân người viết bài chỉ mong thêm một góc nhìn nhỏ để mở rộng tầm nhìn lớn hơn về chuyện đi học và đi thi. Bởi thi đi liền với học. Nếu chúng ta học hành nghiêm chỉnh thì thi cử là phần thưởng cho quá trình học tập ấy. Ngược lại, nếu chúng ta học hành chểnh mảng thì thi cử là hình phạt nặng nề không thể tránh khỏi.
Dẫu sao học hành là việc gắn bó với con người từ khi sinh ra cho đến lúc mất đi, cho nên biến việc học trở thành gánh nặng thì đúng là mang gánh nặng theo suốt cuộc đời, tự biến đời mình thành "bể khổ". Học tập có lẽ nên là sự tự giác, thích thú.
Muốn được như vậy, có lẽ mỗi chúng ta nên hiểu rằng mục đích của học tập còn có ý nghĩa trên tầm so với việc thi cử, để lấy làm tự hào, vui vẻ khi được học. Dù biết rằng ở không ít nơi, trước mùa thi, cha mẹ vẫn đang chồng chất áp lực thành tích, thầy cô thi nhau nhồi nhét kiến thức và học sinh dù quá tải vẫn cố gắng mang gương mặt đăm chiêu lê lết tới vạch đích mà đôi khi chính các em chưa thực sự mong muốn.
Vẫn còn đó những mùa thi, chúc các bạn học sinh, cha mẹ, thầy cô luôn đồng hành, thấu hiểu lẫn nhau để chuyển hóa ngày thi thành ngày hội của việc học.