“Hành trình tìm con” hàng chục năm của người phụ nữ hiếm muộn
- Chia sẻ
- 13:59 - 17/06/2021
Xuất hiện trong chương trình Điều con muốn nói, cô bé Hà Linh mang đến một tấm thiệp với dòng chữ: “Ba ơi!”. Cô bé thổ lộ mẹ đã nuôi nấng, dành cho em những điều tốt đẹp. Vì thế, em muốn tìm một người người ba chăm sóc, đỡ đần mẹ và người đó cũng thương em.
Cô bé 8 tuổi, hiện đang lớp 2 thổ lộ: “Trong nhà chỉ có mẹ và con, ông bà, cậu mợ… đều sống riêng. Lúc sinh ra, con đã không có ba. Để mang thai con, mẹ thụ tinh ống nghiệm. Mẹ chưa bao giờ kể với con về ba, chỉ nói mẹ và chồng đã chia tay từ rất lâu”.
Hà Linh kể về cuộc sống hằng ngày, mỗi sáng mẹ chuẩn bị bữa sáng, đưa cô bé đến lớp, sau đó mẹ đến công ty. Cuối tuần mẹ đưa em đi chơi, em cũng phụ giúp mẹ trong công việc nhà. Bé kể: “Mẹ mua quần áo, ủi thẳng cho con trong khi mẹ mặc đồ nhăn vì mẹ không có nhiều thời gian dành cho bản thân. Một lần, mẹ cầm điện thoại, nhắn tin với ai đó, con thấy mẹ khóc. Những lần mẹ bệnh, con nói mẹ đi ngủ sớm, con rửa chén, lau nhà, xếp quần áo giúp mẹ. Đôi khi, mẹ la con vì muốn con ngoan, chăm học, hoàn thành tốt mọi công việc. Con muốn mẹ không còn buồn, giữ gìn sức khỏe hơn”.
Lắng nghe những điều con gái tâm sự, chị Thu Hà kể trước đây chị kết hôn nhưng ở với nhau 7 năm vẫn không có con. Chồng hơn chị 10 tuổi, là con trường, gia đình chồng mong ngóng cháu. Cả hai chữa trị đủ phương thuốc nhưng vẫn không có con. Chị Hà chủ động ly hôn để anh có một gia đình mới. Chị Hà khát khao một đứa con nên sau 6 năm dành dụm, chị đi thụ tinh trong ống nghiệm.
Lúc mang thai, bác sĩ cảnh báo thai yếu, khuyên chị nghỉ làm ở nhà, hạn chế đi lại. Chị ráng làm đến tháng thứ 3 và xin nghỉ ở nhà để dưỡng thai. Chị ở nhà, mọi sinh hoạt đều ở nhà dưới, đồng nghiệp công ty mua đồ ăn đến giúp chị nấu. Thời gian đó, chị đọc sách, xem phim tìm hiểu tâm lý, cách chăm con, tâm sự cùng con mỗi ngày. Con gái như một món quà tuyệt vời mà chị được ban tặng: “Một tháng tuổi, con dường như hiểu được những điều mẹ nói, tháng thứ 9 con đã biết gọi mẹ. Khi lớn lên con ngoan ngoãn, quan tâm và luôn phụ giúp mẹ, những ngày mẹ bệnh, con nói mẹ ngủ, chăm sóc mẹ, lấy nước cho mẹ uống. Con gái chủ động, nói chuyện và suy nghĩ trưởng thành. Dù không may mắn, nhưng tôi cảm thấy bản thân quá may mắn khi có bé Hà Linh”.
Chị Hà kể khi con gái 3 tuổi có hỏi về ba, sao các bạn có mà con không có. Bé còn nhỏ, chị hứa con lớn hơn sẽ kể bé nghe. Hiện tại, chị chỉ muốn một cuộc sống có hai mẹ con, không nghĩ đến việc đi bước nữa bởi tìm được người đàn ông phù hợp rất khó. Chị bộc bạch: “Chồng cũ của tôi rất tốt. Sau này, tôi có tìm hiểu thêm người này, người nọ nhưng không cảm nhận được sự chân thành. Tôi có một đứa con gái nên càng dè chừng hơn. Dù con luôn muốn một người ba đưa đi chơi các trò cảm giác mạnh như bạn, có thêm người đỡ đần công việc cho mẹ”.
Lắng nghe câu chuyện, Ốc Thanh Vân nhận xét người phụ nữ vừa làm mẹ, vừa làm cha sẽ có nhiều lo toan, thời gian mỗi ngày như cạn kiệt. Chị Thu Hà may mắn có con gái hiểu chuyện, luôn nghĩ cho mẹ, nhận ra những điều khiến mẹ buồn. Nữ MC nói: “Hà Linh đặc biệt như cách con đến với thế giới này, con luôn lạc quan, hồn nhiên. Riêng chị Hà, hành trình tìm con của chị quá dài: 7 năm tìm con, 6 năm để bắt đầu có Hà Linh, cộng với số tuổi của Hà Linh hiện là 8 tuổi là một đoạn đường đời rất dài. Chúng ta có thể hình dung sự nỗ lực, ý chí của một người mẹ qua từng giai đoạn”.
Thạc sĩ tâm lý Vũ Kim Ngọc đánh giá tầm quan trọng của việc mẹ trò chuyện với thai nhi để chuyển tải, giúp con tiếp thu mọi cung bật cảm xúc, vì thế bé sẽ vui khi mẹ vui, buồn khi mẹ buồn. Khi con ra đời sẽ gắn kết và thấu hiểu cho cảm xúc của mẹ hơn. Với nguyện vọng có một người ba của Hà Linh, mẹ hãy ngồi xuống với con như hai người phụ nữ, trao đổi cho bé hiểu hơn hoàn cảnh, đưa ra giải pháp để con thỏa mong muốn. Con cũng hiểu hơn về cuộc sống sau này, nhìn đời trưởng thành hơn.