THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:58

Bước ngoặt đánh dấu hội nhập toàn diện các nền kinh tế Đông Nam Á

 

Năm 2015 là năm hội nhập sâu rộng của Việt Nam với hàng loạt các FTA đã, đang được kết thúc đàm phán và ký kết. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký hai FTA với Hàn Quốc (ngày 5/5) và Liên minh kinh tế Á-Âu (ngày 29/5) và dự kiến trong tháng 6 này sẽ ký FTA với Liên minh EU. Tại khu vực Đông Nam Á, theo lộ trình, Việt Nam sẽ cùng với các quốc gia ASEAN hình thành Cộng đồng kinh tế (AEC) ngày 31/12/2015.

Đây là một bước ngoặt đánh dấu sự hội nhập toàn diện các nền kinh tế khu vực Đông Nam Á, tiến tới hình thành một cộng đồng chung, dựa trên 3 trụ cột là kinh tế- chính trị, an ninh- văn hóa, xã hội.

 

Chính phủ Việt Nam đã sớm nhận thức sâu sắc cơ hội cũng như thách thức của AEC đối với nền kinh tế đất nước nói chung và với cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, nhiều quyết sách và chương trình hành động đã được ban hành và triển khai trên quy mô lớn nhằm chủ động hội nhập kinh tế quốc tế (KTQT) thành công.

Ông Phan Đức Tú - Tổng Giám đốc BIDV cho rằng: Hội nhập KTQT là một xu thế tất yếu và tác động của hội nhập được đánh giá là rất sâu, rộng. Đối với nền kinh tế, hội nhập tạo cơ hội mở rộng thị trường, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, tạo động lực thúc đẩy thu hút nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam cũng như đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài.

 Hội nhập cũng tạo cơ hội tìm kiếm đối tác, liên kết kinh doanh, giao lưu, học hỏi, chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý giữa các nước tham gia.

Tuy nhiên, hội nhập KTQT cũng đặt ra những thách thức không nhỏ, đó là: Nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải chịu sức ép cạnh tranh lớn hơn trong khi quy mô nền kinh tế, doanh nghiệp còn nhỏ bé và năng lực cạnh tranh còn thấp; Tham gia các hiệp định chung (nhất là cộng đồng kinh tế chung) sẽ ảnh hưởng đến quyền tự quyết của mỗi nước trong việc ban hành một số chính sách phát triển kinh tế; và những thách thức về nguồn nhân lực (rủi ro chảy máu chất xám), tranh chấp thương mại-đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ….cũng là những rủi ro cần tính đến. 

Do đó, để có một cái nhìn toàn diện, nâng cao nhận thức về AEC cũng như tạo một diễn đàn để các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách… cần chủ động xây dựng kế hoạch, chiến lược hoạt động phù hợp và hiệu quả nhằm tận dụng cơ hội cũng như xoay chuyển thách thức.

Với tham luận: “Việt Nam và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế”, Ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng nước CHXHCN VN đã phân tích những lý do và thực trạng hội nhập tại Việt Nam thời gian qua. Theo ông Khoan, sở dĩ Việt Nam quyết định hội nhập kinh tế quốc tế là để mở rộng thị trường, tranh thủ vốn, công nghệ từ bên ngoài và cùng với quá trình đổi mới về mọi mặt, Việt Nam đã có sự đổi mới tư duy về thế giới bên ngoài.

 

Song song, ông Pirie, Giám đốc điều hành Deloitte Singapore có bài tham luận giúp người nghe hiểu hơn về Vị thế cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập. Ông cho rằng việc thành lập AEC hàm ý: Một nền kinh tế trở nên kết nối hơn bao giờ hết với hàng hóa trong khu vực; Việc hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên gần hơn và chắc chắn hơn… Tất cả là để nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn nữa..

Thanh Nhung - Mạnh Dũng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh