Bùng nổ đầu tư vào du lịch
- Văn hóa - Giải trí
- 21:08 - 01/12/2015
Một tín hiệu đáng mừng, trong khi thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực du lịch dịch vụ đang có chiều hướng chững lại, thì lĩnh vực này lại thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư trong nước. Có thể kể đến một loạt dự án đầu tư du lịch đã được triển khai gần đây như dự án quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Quy Nhơn tại thành phố Quy Nhơn do Tập đoàn FLC là chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng; Khu nghỉ dưỡng cao cấp Fusion Reort và A La Carte tại Sầm Sơn - Thanh Hóa, cũng do Tập đoàn FLC hợp tác với tập đoàn Serenity Holding triển khai; Tập đoàn Mường Thanh với chiến lược “định vị thương hiệu chuỗi khách sạn” đã khai trương một loạt khách sạn tại các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Cửa Lò (Nghệ An), Cần Thơ, Hội An (Quảng Nam) và tập đoàn này đang tiếp tục triển khai các dự án đầu tư khách sạn tại nhiều địa phương trên cả nước như Hà Giang, Quảng Bình, Lào Cai, TP. Hồ Chí Minh, Đăk Lăk; Tập đoàn Royal Caribbean International (Hoa Kỳ) và Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam ký kết đầu tư 5 triệu đô la Mỹ nâng cấp cảng Chân Mây. Tập đoàn Vingroup đã tổ chức khởi công Dự án Khu vui chơi giải trí, nhà ở và công viên sinh thái trên toàn bộ diện tích đảo Vũ Yến (Hải Phòng) tổng mức đầu tư dự kiến 19.000 tỷ đồng.
Ảnh minh họa.
Đáng chú ý, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, khu nghỉ dưỡng gần đây không chỉ tập trung ở các thành phố lớn, những địa bàn trọng điểm về du lịch, mà còn được các nhà đầu tư triển khai ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có những nơi điều kiện địa lý, cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn. Đơn cử như Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) phối hợp UBND tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức động thổ khu du lịch sinh thái Sài Gòn – Ba Bể, tiêu chuẩn 4 sao, là cơ sở lưu trú quy mô nhất của tỉnh Bắc Kạn, đây cũng là dự án du lịch đầu tiên triển khai chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và Bắc Kạn.
Tỉnh Quảng Bình mới đây cũng đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 34 dự án du lịch, trong số này có các tên tuổi lớn trong lĩnh vực bất động sản như FLC, Trường Thịnh, An Việt...
Theo kế hoạch, FLC sẽ triển khai dự án đầu tư quần thể 10 sân golf và khu nghỉ dưỡng cao cấp, với diện tích lên tới trên 1.000 ha, dự kiến sẽ triển khai trong thời gian sớm nhất.
Điểm sáng trong thu hút đầu tư vào du lịch dịch vụ trong 11 tháng năm 2015, phải kể đến Đà Nẵng, với 74 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ với tổng vốn đầu tư 8,042 tỷ USD, trong đó có 17 dự án đầu tư nước ngoài, với số vốn 1,450 tỷ USD và 57 dự án đầu tư trong nước, với số vốn là 6,592 tỷ USD. Kiên Giang có 26 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, vốn đầu tư 37.348 tỷ đồng, quy mô triển khai trên 1.000ha.
Ông Lê Minh Hoàng, Giám đốc Sở VH-TT&DL Kiên Giang cho biết, hiện Phú Quốc đã quy hoạch chi tiết 22 khu du lịch, với tổng diện tích hơn 5.172ha, trong đó có 11 khu du lịch sinh thái, 2 khu du lịch hỗn hợp, 2 khu phức hợp, 3 khu du lịch ngoài chức năng khác và 4 sân golf. Đây cũng là các nội dung trong quy hoạch tổng thể phát triển đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.
Theo số liệu của Sở VH-TT&DL Kiên Giang, Phú Quốc hiện có 136 dự án đang triển khai trong số gần 200 dự án đăng ký đầu tư, với tổng diện tích 5.110 ha, tổng vốn đăng ký trên 140.000 tỷ đồng, phần lớn tập trung vào cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú du lịch, khu nghỉ dưỡng, sinh thái cao cấp.
Được biết hiện các nhà đầu tư lớn như Vingroup, Sun Group đang thi công xây dựng những chuỗi khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí cao cấp tại Phú Quốc, trong đó phải kể đến khu Vinpearl Phú Quốc tại Bãi Dài, xã Gành Dầu quy mô hơn 300 ha, tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ USD. Đây là dự án du lịch lớn nhất ở Phú Quốc tính đến thời điểm này.
Vingoup đang xúc tiến dự án vườn bách thú hoang dã diện tích 500 ha nằm trên địa bàn 2 xã Gành Dầu và Cửa Cạn quy mô lớn thứ 2 trên thế giới, với các loài động vật, thực vật đặc trưng của khắp châu lục trên thế giới cũng như ở trong nước.
Bên cạnh đó, Sun Group đầu tư dự án cáp treo từ thị trấn An Thới ra xã đảo Hòn Thơm và quần thể vui chơi, giải trí biển, khu dịch vụ nghỉ dưỡng Hòn Thơm, với tổng đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng. Dự kiến đưa vào khai thác năm 2017...
Theo nhận định của các chuyên gia du lịch, trong bối cảnh dòng khách quốc tế bắt đầu quay trở lại Việt Nam sau một thời gian dài suy giảm, thì việc các nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp... góp phần làm mới sản phẩm, đa dạng hóa dịch vụ du lịch, tạo sức hấp dẫn du khách đồng thời tạo thúc đẩy du lịch tăng trưởng.