THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:11

Những tục lệ đầu năm của người Việt

 

Đã gọi là tục lệ thì có phong tục đẹp cần giữ gìn và cũng có không ít những hủ tục, những việc gắn với mê tín, dị đoan cần bỏ. Người Việt có câu tục ngữ: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Sao lại vậy? Đơn giản vì người ta nghĩ rằng đầu năm mua muối là mua lấy sự mặn mà, thủy chung cho cả năm, còn vôi là bạc bẽo – bạc như vôi, nên chỉ mua vào những ngày cuối năm. Ngoài ra, người Việt có tục vẽ vôi đêm giao thừa nên cuối năm càng phải mua. Vào đêm trừ tịch, người ta dùng vôi rắc thành hình cây cung hướng ra cổng là để đuổi ma quỷ.

                                                               Du xuân đầu năm

Cũng đêm 30 vào lúc giao thừa, người ta có tục đi xông nhà. Thường thì từ trước đó, gia chủ đã hẹn một người – là đàn ông, nhanh nhẹn, tính tình cởi mở, hợp tuổi... đến xông nhà. Khi đi xông nhà người ta thường xách theo một lọ nước – ý là mong cho gia chủ năm mới tiền vào như nước. Khi đến người xông nhà nói câu chúc sau đó gia chủ sẽ mừng tuổi và chúc lại rồi về. Nếu chưa có người xông nhà mà sáng mùng một tết, có cô gái nào dại dột đến đầu tiên, gia chủ sẽ không vui lắm. Sáng mùng một người Việt cũng có nhiều phung tục đẹp như không to tiếng, kiêng làm vỡ đồ, không ngồi quay lưng vào trong nhà, không nói những từ, những câu được cho là gở như buồn, chết chóc, mất mát... Nhưng cũng không ít tục lệ hơi khó hiểu như không ăn rau cải vì sợ cãi nhau, không ăn rau mùng tơi vì sợ nghèo rớt mùng tơi, không ăn rau bí vì sẽ bị dồn vào thế bí, không quét nhà vì sợ quét hết lộc và làm như vậy là hành động đuổi ông bà, người thân đã khuất ra khỏi nhà.

          Lại có nhưng tục lệ cũng hơi khó hiểu, chẳng hạn như nhiều nhà dùng một cái chảo không để lên bếp đun, sau đó nhờ một người nào đó hỏi: Đang rang cái gì đấy? Người rang sẽ bảo: Đang rang kiến. Người ta không muốn giết hại kiến nhưng tin rằng nói vậy thì kiến sẽ sợ mà bỏ đi hết. Thực tế kiến vẫn đầy nhà dù có rang cả ngày mùng một.

          Người Việt cũng thường kiêng không cho mèo vào nhà ngày đầu năm còn chó thì lại không sao. Nên mới có câu: Mèo đến nhà thì khó, chó đến cửa thì giàu. Chẳng có cơ sở nào về điều này cả.

Phong tục xin chữ đầu năm

  Thành ngữ Việt Nam có câu: Tắt lửa tối đèn, ý là nói về sự sẻ chia, đùm bọc giúp đỡ nhau. Nhưng riêng ngày mùng một tết người ta tuyệt đối kiêng không cho lửa, không cho vay tiền. Ngày mùng một còn rất nhiều sự kiêng cứ khác như không mặc quần áo rách, cũ, tối màu, không cắt tóc, cắt móng tay, móng chân, không ăn thịt chó, thịt vịt, cá mè... Thậm chí khi ra khỏi cổng người ta cũng phải xem giờ, chọn hướng và tính toán để sao cho chân phải bước ra đầu tiên. Ngay cả mừng tuổi (lì xì) người ta cũng không mừng số tiền chẵn mà phải lẻ - chẳng hạn 110 ngàn, 51 ngàn hay 11 ngàn vì tin rằng số lẻ sẽ sinh sôi thêm...

Ngày đầu năm, người Việt kiêng nhất là có ai vác cuốc, cầm cái mai, cái xẻng đào đất vào nhà vì người ta tin rằng đó là diều đại kị vì giống như mang sự chết chóc đến cho gia chủ. Vì vậy lỡ có cầm những vật dụng này đi qua nhà ai, muốn vào chơi, người ta cũng phải giấu kín ở ngoài đường.

Đầu năm người Việt còn có tục khai bút. Người ta chọn ngày hợp với mình để viết những chữ đầu tiên trong năm. Khi khai bút cũng kiêng viết những chuyện không vui, những điều cấm kị.

Người Việt có câu: Có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Kiêng cữ luôn có mặt tốt, nhưng kiêng quá, kiêng không có cơ sở đôi khi lại thành sự ràng buộc, sự làm khó mình làm khó nhau trong cuộc sống./.

Nguyễn Kim Tuấn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh