CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:48

“Bún mắng cháo chửi”: Chỉ là cá biệt, không phải văn hóa Thăng Long

 

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Ông đã từng thưởng thức món “đặc sản” “bún chửi” đó chưa?  Và ông nghĩ sao?

 Về quán “bún chửi” ở Ngô Sỹ Liên, tôi đã ăn rồi. Gọi là “bún chửi” nhưng thực ra bà chủ quán chỉ nói tục thôi chứ có chửi bới ai đâu. Có điều bún của bà ấy ngon lắm, phải nói là rất ngon. Về chuyện nói tục,  nói chung là dân mình cũng quen với cái đó rồi. Truyện tiếu lâm là một di sản của văn hoá Việt Nam, bạn bè thế giới rất thích. Bản thân cụ Nguyễn Tuân là một nhà văn hoá lớn, một ông “thợ chữ” bậc siêu phàm cũng ngả mũ nể phục. Tôi cũng có một ông bạn thân, ông ấy là một nhà văn, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, nhưng rất hay nói tục. Tôi phàn nàn thì ông ấy bảo, không nói tục chua chân răng và nhạt mồm lắm, mà đời nó cũng mất thi vị. Nhiều khi ngồi với ông ấy trong hàng quán, tôi cũng rất ngại, chỉ sợ có khi ông ấy nói tục, người ta quay lại thấy cái mặt mình, mà cái mặt mình thì chẳng biết giấu vào đâu được. Ngượng lắm. Ông bạn tôi đâu phải người xấu. Cũng đừng nghĩ ông ấy bậy bạ, thậm chí rất đứng đắn, đầy nhân văn. Thế nhưng ông ấy cứ hay nói tục. Khổ thế chứ. Có lần, chúng tôi tới một tỉnh miền núi. Người tiếp cơm chúng tôi là một vị  quan trọng, một đồng chí phó chủ tịch tỉnh, lại là một phụ nữ rất xinh đẹp, từng là cô giáo vô cùng đoan trang. Tôi đã có một đề nghị là “thôi, ông nói tục ở chỗ nào cũng được nhưng chỉ có điều trước người đẹp thì xin ông lịch sự giúp tôi cái. Ông hãy giữ gìn giúp tôi khoảng 3  tiếng đồng hồ không nói tục tôi sẽ trả ông 1000 euro”.

Quả thật, lúc đó tôi đang có trong tay 1000 euro, giá euro lúc đấy là khoảng 30 triệu đồng. Và tôi trả thật chứ không phải là chuyện đùa. Nói thật,  không có nghề nào được trả giá cao như thế, trung bình một tiếng 10 triệu đồng. Thế nhưng ông ấy giữ được khoảng chừng 2 tiếng sau đó ông ấy lại văng vung tí mẹt lên. Thế nhưng bảo ông ấy vô văn hóa thì không phải, đó là một người cực kỳ tử tế, thậm chí tinh tế và nhạy cảm, còn tốt hơn rất nhiều người ăn nói văn hoa. Tôi không cổ súy cho việc nói tục, thế nhưng có những người, nói tục như sự giải tỏa. Nó lạ lắm. Tôi nói thế không có nghĩa là tôi ủng hộ việc nói tục, nhưng thực sự đời sống nó thế.

Giờ quay lại với bà chủ quán bún chửi, bà ấy rất hay văng tục và nói rất phũ. Ngược lại bún của bà ấy lại ngon cực kỳ. Bà ấy nói tục nhưng không hề có ác ý, chứ nếu như ác ý thật thì chả có ai đến đấy làm gì. Nói tục chỉ để cười với nhau thôi. Cố nhiên, theo tôi đó chỉ là sự cá biệt chứ không phải là văn hóa Thăng Long. Qua đó, chúng ta cũng thấy cuộc sống đúng là muôn màu muôn vẻ. Mình đánh giá thế nào cho đúng là cả một vấn đề.

* Thực tế là sau khi quán “bún chửi” lên sóng CNN thì quán lại càng đông khách đến ăn. Theo ông vì sao, vì sự tò mò hay vì dân ta đã quá quen với việc nói tục và họ thấy chuyện đó là bình thường?

- Theo tôi, người ta đến ăn thì trước hết là phải ngon cái đã, nếu không ngon thì người ta đến làm gì. Mười CNN quảng cáo cũng bằng không, thậm chí người ta còn chửi báo chí nói bậy. Thứ hai nữa là nó phải sạch. Tuy bà chủ quán văng tục nhưng quán của bà ấy sạch, ăn uống rất vệ sinh. Chỉ có điều là bà ấy cứ thích nói tục. Nó như một kiểu giải tỏa, như nói ra thì bao nhiêu bí bách, bực dọc, có khi cả khí độc trong người đều phả ra hết. Cố nhiên tôi vẫn phải nhắc lại là tôi không cổ súy cho việc nói tục nhưng đời sống nó không đơn giản. Có phải ai cũng nói như kiểu ngồi họp chi bộ đâu, ngôn ngữ bên ngoài đôi khi suồng sã. Trong khi người ăn trong quán, rất nhiều người lịch sự, có người là giáo sư tiến sĩ, nhiều người có học hàm học vị, có người là cán bộ cao cấp của nhà nước, nhiều nhà văn, nhà thơ  nổi tiếng...

 

Nhà thơ Trần Đăng Khoa thừa nhận, mặc dù bà chủ quán "bún mắng" hay nói tục nhưng bún của bà thì rất ngon

 * Quan điểm của ông thế nào khi Hà Nội đang lấy ý kiến rộng rãi nhằm xây dựng quy chế về văn hóa kinh doanh?

- Tôi cho rằng văn hóa kinh doanh thì cái quan trọng nhất là hàng hóa, hàng hóa phải tử tế, trước hết nó phải là hàng tốt, không lừa lọc. Chứ còn nói toàn những lời ngọt ngào nhưng sau đó lừa người ta thì đâu phải là văn hóa kinh doanh. Ngôn ngữ lời nói chỉ là một mặt thôi, cái chính vẫn phải là hàng hóa. Có rất nhiều người nói toàn lời hoa mỹ nhưng lại bán thực phẩm bẩn, bán hàng hóa độc hại. Văn hóa kinh doanh trước hết phải trung thực trong buôn bán. Điều này cụ Nguyễn Trãi nói hay lắm, cụ tổng kết về người Việt Nam mình chỉ có mấy chữ thôi, nhưng chuẩn lắm, cụ dặn: “mạnh gắng, khôn ngay, khéo đầy”, tức là với người Việt mình muốn mạnh thì phải cố gắng, sức người Việt mỏng, khôn là sống cho ngay thẳng, khéo là ăn ở đầy đặn. Văn hóa Hà Nội nó phải thế, đất Thăng long vốn có gốc văn hóa lịch thiệp, trang nhã, đó phải là thứ văn hóa tiêu biểu nhất của cả nước.

* Vậy việc chấn chỉnh lời ăn tiếng nói theo ông có cần thiết không?

- Cần lắm chứ. Tôi ủng hộ chủ trương của Hà Nội, làm sao để Hà Nội thanh sạch không chỉ là đường phố mà thanh sạch trong cả văn hóa ứng xử. Nhưng cái quan trọng hơn cả lời ăn tiếng nói là phải tử tế, trung thực, đừng có lừa lọc. Ví dụ như ở Hội An, tôi rất thích. Chứ ở Hà Nội ô hợp lắm, nhiều khi sớm ra, vào hỏi hàng mà không mua là bị chửi ngay, thậm chí người ta còn đốt vía. Coi như xua tà. Muốn bán hàng mà lại coi khách hàng như ma tà thì bán làm sao? Nhưng ở Hội An thì không như thế. Có lần vào đó tôi mua một cái quần bò, bà bán hàng hỏi, thế chú mặc một lần hay chú muốn mặc bền. Tôi bảo, tất nhiên là tôi mặc bền chứ, có phải áo giấy đâu mà mặc một lần. Thế là bà ấy bảo, nếu chú muốn đồ tốt để mặc lâu dài thì chú phải sang cửa hàng bên kia. Thế là bà ấy chỉ cho tôi cửa hàng có đồ tốt hơn hàng của bà ấy. Đấy, có ai như vậy không, Hà Nội chả có ai buôn bán theo kiểu như vậy cả. Nhưng Hội An là thế đấy, tôi đã gặp. Đấy mới là văn hóa kinh doanh và văn hóa đó mới là thứ văn hóa cao nhất. Cho nên đến Hội An người ta rất thích là vì thế. Ở Hội An, hàng hóa chỉ có một giá thôi, nhưng nhà mình thì “trông mặt mà đặt giá”, thấy người ngờ nghệch, đặc biệt gặp khách Tây là tăng giá vót lên ngay. Cái đó có phải là văn hóa không, mặc dù ăn nói có thể rất lịch sự. Cho nên, đi cùng với lời ăn tiếng nói còn nhiều vấn đề khác nữa.

* Theo ông, bản quy chế cần phải lưu ý điều gì để  khả thi?

- Quy chế đừng cứng nhắc, nếu ai cũng nói với nhau như kiểu họp chi bộ thì không phải là ngoài đời. Do đó, Quy chế đòi hỏi phải rất mềm dẻo. Đó mới là văn hóa ứng xử của người Việt. Nên nhớ, đứng trước bão lốc, thì toàn những cây cứng bị gẫy đổ chứ cỏ có gẫy đâu, cây lúa cũng vậy, gặp gió là lướt. Cho nên vấn đề  làm sao phải phù hợp. Tuỳ theo tình thế mà ứng xử...

* Xin trân trọng cảm ơn ông!

NGUYỆT HÀ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh