CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:19

“Bún mắng, cháo chửi”: “Văn hóa” hay hình ảnh xấu xí?

 

Chửi vì... khách hàng khó tính (?!)

Ở Hà Nội không ít người biết đến và nếm trải những món “đặc sản” như:“bún chửi” Ngô Sĩ Liên, “cháo quát” Lý Quốc Sư; “ốc lắm mồm” cây xăng Nam Đồng, “phở xếp hàng Bát Đàn”...

Quán bún chửi của bà Thảo tại chợ Ngô Sĩ Liên vốn nổi tiếng khắp Hà thành. Chỉ là quán bún dọc mùng với chân giò, lưỡi lợn nhưng theo phản ánh của nhiều thực khách, nếu ai đó cao hứng hỏi han hay thắc mắc gì lập tức sẽ bị “ăn chửi” của chủ quán.

Quán cháo bà Mỹ có biệt danh là cháo “quát” ở 15 Lý Quốc Sư (cũ), là của bà chủ tên Mỹ chuyên bán món cháo gà ta. Quán cháo thịt gà này khá nổi tiếng vì trước kia bà chủ quán hay quát con, quát nhân viên, nhưng từ ngày con bà lên làm chủ thì chị ta quay sang quát khách.

Quán ốc đầu đường Hồ Đắc Di, gần cây xăng Nam Đồng được mệnh danh là ốc “lắm mồm” bởi vị khách nào mà lỡ miệng thắc mắc liền bị bà chủ quán nhắc nhở.

 

"Bún mắng" Ngô Sĩ Liên lên sóng CNN

Cụm từ “bún mắng, cháo chửi” cũng đã được đưa lên trang Bách khoa toàn thư mở Wikipedia tiếng Việt và được giải thích nguồn gốc của “bún mắng”, “cháo chửi” có thể là từ thời bao cấp, lúc mà các mậu dịch viên có quyền ban phát ân huệ, mắng chửi những người xếp hàng để mua gạo, dầu hay thịt. Điều đó làm người Hà Nội chấp thuận một cách vô thức. Thời kỳ bao cấp vài chục năm đã ảnh hưởng lớn đến hành vi cư xử của những người bán hàng ở Hà Nội, hơn nữa, vì cung không đủ cầu cho nên nhiều người bán hàng tự cho mình có cái quyền đối xử không có văn hóa với khách hàng.

Tuy nhiên, cách lý giải này chưa hoàn toàn đúng bởi dù thời bao cấp đã qua rất lâu, trong nền kinh tế thị trường thuận mua vừa bán thì “bún mắng, cháo chửi” vẫn tồn tại. Video về quán "bún chửi" của bà Thảo ở Ngô Sĩ Liên được phát sóng trên kênh truyền hình Mỹ CNN đã gây tranh cãi trong cộng đồng. Sau khi xuất hiện video, chủ quán "bún chửi" thừa nhận mình có thái độ chưa tốt. Tuy nhiên, sau đó bà cho rằng do nhiều khách hàng “khó tính, đến ăn cứ yêu cầu hết cái này đến cái nọ" khiến chủ quán "nóng quá không kiềm chế được”.

 Và sự đồng thuận đến khó hiểu của người tiêu dùng

Sau khi "bún chửi" ở Ngô Sĩ Liên lên sóng CNN, một cuộc tranh luận gay gắt nổ ra, trong khi nhiều người tỏ ra bất bình cho rằng quán "bún mắng" lên truyền hình Mỹ đã làm xấu đi hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế thì đáng ngạc nhiên, có những người lại  lại tỏ ra thích thú và tìm mọi cách để đến quán đó ăn thử. Nhiều người cho biết, ngay sau khi được phát sóng trên truyền hình Mỹ, lượng khách vào quán "bún mắng, cháo chửi" ngày một đông, bất chấp việc chủ quán vung lời chửi mắng khách hàng và bị số đông dư luận phản ứng.

"Cháo quát" Lý Quốc Sư


Lý giải cho hiện tượng trên, theo phó giáo sư, tiến sĩ Văn Giá (Trường ĐH Văn hóa Hà Nội), nguyên nhân chính là dân trí thấp, người dân còn nghèo, học ít nên khi kinh doanh sẵn sàng mắng chửi, gây chiến, thậm chí hành hung khách hàng. Một nguyên nhân lạ khác là sự đồng thuận đến khó hiểu của khách hàng, họ không tẩy chay các hàng quán mắng chửi mình, trái lại còn tỏ ra thích thú và tò mò đến ăn để xem chủ quán chửi thế nào. Khách hàng có thể chờ hàng giờ, tự phục vụ, đứng hay ngồi la liệt để có cái ăn.

Còn theo tiến sĩ Vũ Thế Long, Tổng Thư ký Hội Ẩm thực Hà Nội, hiện tượng “bún mắng cháo chửi” tồn tại là do lỗi của người tiêu dùng không có những phản ứng mạnh mẽ. Các cán bộ quản lý văn hóa, pháp luật ở Hà Nội chưa thực sự vào cuộc, thay vào đó chỉ là các câu tuyên truyền, khẩu hiệu, băng rôn sáo rỗng...

 Xóa sổ “bún mắng cháo chửi”: Người mua, người bán đều ủng hộ

Gần đây, TP. Hà Nội đã có nhiều chỉ đạo chấn chỉnh nếp sống văn hóa trong hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong một cuộc họp của Thành ủy, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho rằng, thời gian qua, một số trang mạng và dư luận xã hội có nhiều bài viết phản ánh, phê bình các hành vi ứng xử thiếu văn hóa của một số chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh... cần phải chấn chỉnh.

Lãnh đạo TP Hà Nội đã yêu cầu xây dựng một quy chế riêng dành cho hoạt động kinh doanh ăn uống đường phố với những nội dung cụ thể hơn, thiết thực hơn dù trước đó, thành phố đã xây dựng quy tắc ứng xử nơi công cộng trong đó có cả quy định trong kinh doanh nói chung. Đối tượng áp dụng của quy chế không đơn giản như các đối tượng của quy tắc ứng xử công chức hay quy tắc ứng xử nơi công cộng nhưng thành phố vẫn quyết tâm thực hiện nhằm cải thiện hình ảnh những người kinh doanh ăn uống đường phố trong mắt người dân và du khách.

Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, việc xây dựng quy chế được thực hiện một cách thận trọng, kỹ lưỡng, sâu rộng nhằm nhận diện chính xác thực trạng giao tiếp ứng xử trong kinh doanh đường phố, đồng thời đánh giá mức độ quan tâm và nhu cầu ban hành quy chế. Mục đích cuối cùng để xây dựng một quy chế mang tính thực tiễn cao, khi ban hành đạt hiệu quả cao trong cuộc sống.

Trong quá trình triển khai, những điều tưởng như khó nhất đã giảm khi hầu hết những đối tượng trong điều tra xã hội học đều ủng hộ. Đơn vị tư vấn đã tiến hành khảo sát điều tra đối với gần 1.000 người dân, 500 cơ sở kinh doanh với đủ mọi thành phần, từ người bán xôi, bán trà đá đến chủ cửa hàng, cửa hiệu về thói quen ăn uống, chấp hành kỷ cương, ứng xử văn hóa, nhu cầu cải thiện ứng xử...

Kết quả khảo sát thu được là rất tích cực, không chỉ người sử dụng dịch vụ mà cả người bán cũng ủng hộ với tỷ lệ cao. Hầu hết người được hỏi đều đồng thuận với những giải pháp đưa ra như lập website giám sát để chấm điểm các cửa hàng, cửa hiệu, cơ quan chức năng công bố công khai cửa hàng vi phạm theo từng quý; ban hành quy định phạt nặng, ký cam kết đầy đủ với các chủ cửa hàng...  80% người dân và gần 70% người kinh doanh đều tin tưởng vào quy chế tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố khi được ban hành và đó cũng là cơ sở tốt để quy chế có thể phát huy hiệu quả. 

 

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan:

Xóa sổ “bún mắng cháo chửi” phải có sự phối hợp liên ngành


Trong hơn 3.000 doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề dịch vụ ăn uống lưu trú, đa số chủ quán ăn đều có ý thức tự giác chấp hành quy định của pháp luật, cơ bản tạo được uy tín, sự tin tưởng của khách hàng. Những quán coi thường thực khách, chửi bới khách là bộ phận thiểu số.

Bên cạnh đó, việc xử lý những hành vi này không chỉ một ngành làm được mà phải phối hợp liên ngành. Sở Công Thương đã đề xuất giải pháp ngăn chặn tình trạng ứng xử thiếu văn hóa, văn minh trong hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống. Theo đó, đơn vị đề xuất giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp ban hành “Quy chế tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố theo hướng văn minh, hiện đại”; xác định rõ trách nhiệm của chủ cửa hàng. Nếu để xảy ra tình trạng trên thì ngoài bị xử lý vi phạm hành chính còn bị công khai trước dư luận. “Tuy nhiên, để văn hoá, văn minh kinh doanh được thực sự nâng lên, cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ...

 

TS Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học ứng dụng (đơn vị tư vấn xây dựng bộ Quy chế): 

 Hết quý III quy chế mới có thể ban hành


Khi xây dựng quy chế, chúng tôi  phải căn cứ vào tất cả các văn bản liên quan đến lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công thương, các quy định về quản lý trật tự đô thị, điều kiện kinh doanh, các quy định đặc thù của Hà Nội như Luật Thủ đô... (?)

Việc xây dựng cần phải được cộng đồng chấp nhận, hiểu và duy trì thường xuyên nên quy chế đưa ra cần sát thực tiễn, ngôn từ giản dị, gần gũi, đặc biệt quy chế được cập nhật qua các năm, không nên đóng khung. Dự thảo Quy chế không bê nguyên các thông tư, quy định của các ngành mà chỉ tinh thần của các văn bản đó. Chúng tôi nhìn từ góc độ quản lý văn hóa xã hội hay vi phạm nhiều nhất để tập trung đưa vào Quy chế. Ngoài ra, tiếp thu tinh thần mới như lấn chiếm vỉa hè lòng đường chúng tôi đưa vào: Hàng quán phải nằm trong giấy phép xây dựng, biển báo cửa hiệu  thống nhất, đảm bảo sự trong sáng của tiếng Việt... Quy chế đưa ra một số khái niệm gần gũi với kinh doanh đường phố. Chúng tôi hiểu rằng văn bản đưa ra rất dễ chồng chéo với văn bản trước, vì vậy tối giản các tiêu chí và các quy định của lĩnh vực y tế, công thương hay nông nghiệp cũng cần phải mềm hóa trong quy chế.  Phải chia sẻ kinh nghiệm từ quá trình xây dựng Quy tắc ứng xử hành chính, nếu mềm hóa ngôn ngữ thì ra đến Sở Tư pháp sẽ bị “tuýt còi” về mặt pháp quy. Giải bài toán này rất gian nan. Chúng tôi đánh giá cao cách làm việc của lãnh đạo thành phố khi xây dựng Quy tắc ứng xử hành chính.

Hiện Quy chế “Tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố theo hướng văn minh, hiện đại” đã qua 6 lần được dự thảo với nhiều cuộc làm việc giữa Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng các đơn vị liên quan. Dự thảo quy chế sẽ tiếp tục được sửa đổi sau khi lấy ý kiến của các quận, huyện, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể... trước khi trình lãnh đạo TP Hà Nội xem xét và Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký ban hành. Khả năng phải hết quý III năm nay Quy chế này mới có thể ban hành.

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh