THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:16

Bóng đá Việt đang mất phương hướng?

Cụ thể, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với các mục tiêu: Giai đoạn 2012 - 2020, đội tuyển quốc gia nam và U23 nam đoạt chức vô địch Đông Nam Á hoặc SEA Games (từ 1 - 2 lần); bóng đá nam đứng trong nhóm 15 quốc gia có nền bóng đá hàng đầu châu Á; bóng đá nữ đứng trong nhóm 6 quốc gia mạnh khu vực châu Á. Đồng thời hoàn thiện hệ thống thi đấu bóng đá quốc gia, bao gồm: Giải Vô địch quốc gia (V- League), Giải hạng Nhất, Giải Cúp quốc gia, Giải siêu Cúp quốc gia, Cúp Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF).

 

Niềm khát khao của người hâm mộ Việt.

Bản chiến lược xuyên hai nhiệm kỳ

Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam được Tổng cục Thể dục -Thể thao, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) soạn thảo và trình Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn. Đã là chiến lược, đương nhiên phải có tầm nhìn dài hơi, với những mục tiêu cụ thể, và VFF đã rất tự tin khi đề ra mục tiêu: Sẽ vô địch SEA Games môn bóng đá nam và vô địch AFF Cup (vô địch bóng đá khu vực Đông Nam Á), tiến và vượt Thái Lan - đội tuyển quốc gia vốn luôn đứng ở vị trí hàng đầu bóng đá khu vực. Thời điểm đó, 5 năm sau khi đội tuyển bóng đá nam đoạt ngôi vô địch AFF Suzuki Cup 2008, đội tuyển bóng đá nam (cả U23 dự SEA Games) vẫn còn trong đội hình những tài năng: Tài Em, Công Vinh, Hồng Sơn (thủ môn), Quang Hải, Việt Thắng... đã một vài lần ngấp nghé tiếp cận ngôi vương SEA Games, AFF. Cũng chỉ ngấp nghé mà thôi, “Giấc mơ vàng” lên đỉnh khu vực của bóng đá Việt vẫn phải nhường cho Singapore, Malaysia... dù có thời điểm bóng đá Thái Lan sa sút.

Việc đặt chỉ tiêu để phấn đấu, điều chỉnh bóng đá Việt đi đúng hướng, thời điểm đó dù có nhiều ý kiến, dư luận bình luận, tranh cãi. Nhưng thực tế mà nói, nếu không phấn đấu lên “đỉnh” khu vực, thì làm sao chúng ta có thể mơ mộng thi đấu tốt tại vòng loại ASIAN Cup, hoặc xa hơn là mơ lọt qua vòng loại World Cup? Bản Chiến lược bóng đá Việt được thông qua với sự kỳ vọng vào sự chỉ đạo của Tổng cục Thể dục - Thể thao và lãnh đạo VFF. Hơn nữa, VFF khóa VI cũng sắp mãn nhiệm kỳ, đành chờ và hy vọng vào những gương mặt mới của khóa VII.

 

HLV Toshiya Miura đang chịu sức ép khi dẫn dắt đội tuyển bóng đá quốc gia.

 Sau đó, đại hội VII của VFF (nhiệm kỳ 2014 - 2018) đã bầu ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch VFF khóa VI vào chiếc ghế Chủ tịch khóa VII, với định hướng: Đội tuyển U23 nam vào chung kết SEA Games 2015; Đội tuyển Quốc gia nam lọt vào chung kết Suzuki Cup 2014 và 2016, thứ nhì vòng đấu loại ở bảng trong khu vực. Vòng loại World Cup 2018; Đội tuyển Quốc gia nữ lọt vào vòng chung kết FIFA World Cup nữ năm 2015; giành HCV SEA Games 2015.

Kết quả như thế nào thì người hâm mộ đã rõ: Tại SEA Games 28 tổ chức ở Singapore, đội tuyển U23 đã thất bại trước Myanmar ở bán kết, bóng đá nữ thì không được đưa vào thi đấu tại kỳ SEA Games này.

 

 

Chủ tịch VFF khóa VII Lê Hùng Dũng chưa đủ tầm để thay đổi bóng đá Việt?


Quả bóng trách nhiệm:  VFF hay Tổng cục Thể dục - Thể thao?

Chưa đến giữa nhiệm kỳ khóa VII để “soi” khả năng dẫn dắt, điều hành bóng đá Việt Nam của VFF, nhưng chuyện thi đấu của đội tuyển quốc gia, đặc biệt với đội U23 quốc gia dưới sự dẫn dắt của HLV người Nhật Bản, ông Toshiya Miura, đang khiến dư luận xã hội và cả quan chức của VFF nghi ngờ: Nào chuyện vị HLV Nhật Bản cầm quân thay đổi đội hình xoay tua chẳng giống ai ở SEA Games 28, khiến U23 Việt Nam thất bại; việc ông có thời điểm không sử dụng (hoặc không thể giúp) cầu thủ những tài năng trẻ được đào tạo bài bản tại CLB Hoàng Anh Gia Lai thi đấu tốt hơn; nào là bóng đá Việt đang có dấu hiệu tụt xa so với Thái Lan, thậm chí lối chơi không hiệu quả bằng Myanmar. Sức ép thành tích luôn luôn có với mỗi vị HLV dẫn dắt bóng đá Việt. Ông Miura cũng chỉ mới có 2 năm dẫn dắt đội tuyển quốc gia và U23, nhưng cũng kịp có những trải nghiệm dẫn dắt đội tuyển bóng đá nam thi đấu ở vài giải đấu lớn khu vực, quốc tế. Như vậy là quá đủ. Điều khiến người hâm mộ sốt ruột khi thấy đội tuyển quốc gia có quá ít dấu hiệu để có thể khẳng định lối chơi, bản sắc riêng tại các đấu trường lớn. Vậy, dấu ấn của HLV Miura trong tương lai gần là gì?

Với V-League mùa 2015 kết thúc trong ngổn ngang những chuyện bán độ, cầu thủ thi đấu bạo lực, CLB xin bỏ giải giữa chừng, khan hiếm tài năng trẻ… trách nhiệm chắc chắn trực tiếp là Ban Chấp hành VFF khóa VII. Trước những bức xúc như vậy, VFF đã hạ nhiệt dư luận bằng tuyên bố: Sẽ có “Hội nghị Diên Hồng” bàn hướng tháo gỡ khó khăn và tồn tại, thúc đẩy bóng đá phát triển. Đã hơn 2 tháng trôi qua, “Hội nghị Diên Hồng” vẫn chưa diễn ra. Mới đây, nhân sự kiện Ban Chấp hành VFF khóa VII tổ chức đại hội thường niên, cựu Phó Chủ tịch VFF khóa V, ông Lê Thế Thọ đã huỵch toẹt: “ VFF khóa VII đang khiến bóng đá Việt Nam tụt hậu”. Ông này còn chỉ trích: “ Vừa qua các vị quan chức của VFF, VPF (Cty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam) sang Nhật Bản, Hàn Quốc học hỏi mô hình điều hành bóng đá chuyên nghiệp, nhưng tôi e không học hỏi được gì…”. Thậm chí một quan chức của VFF, ông Đoàn Nguyên Đức bày tỏ bất đồng về việc VFF lựa chọn HLV Miura dẫn dắt các đội tuyển bóng đá nam, ông coi đó là một sai lầm.

Niềm vui sau khi ghi bàn vào lưới đối phương.

Thật kỳ lạ, giữa những ầm ì của dư luận xã hội, Tổng cục Thể dục - Thể thao vẫn gần như không có một động thái nào để chỉ đạo VFF điều chỉnh phương hướng hoạt động của bóng đá Việt, thậm chí tổ chức xã hội nghề nghiệp này vẫn cho rằng bóng đá Việt đang đi đúng hướng??? Dường như trong bộ máy thượng tầng của VFF vẫn thiếu một vị chủ tịch đủ tầm thay đổi bóng đá Việt với tư duy cũ là ngại thay đổi, cải tổ cách điều hành. Nhìn sang nước láng giềng, bóng đá Thái Lan đã tiếp cận trình độ châu lục và tiến sát khả năng lọt vào vòng loại World Cup 2018… 

THANH PHÚC/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh