THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:02

Bối cảnh Covid-19: Chủ động vượt khó khăn, tạo thêm nhiều việc làm mới

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Giúp người lao động tiếp cận cơ hội việc làm

Qua diễn biến của thị trường lao động, việc làm trên nhiều địa phương, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid – 19 cho thấy, một bộ phận không nhỏ người lao động bị thất nghiệp rất khó tìm được việc làm, còn nhà tuyển dụng lại khó tuyển được người đáp ứng yêu cầu công việc. Nguyên nhân là đa số người có nhu cầu tìm việc thuộc nhóm lao động phổ thông nên khó đáp ứng được tiêu chí của nhà tuyển dụng.

Do đó, ngoài các giải pháp “trợ lực” cho thị trường lao động đã, đang được triển khai thông qua các gói hỗ trợ an sinh xã hội, các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương còn chủ động thực hiện nhiều giải pháp khác. Giải pháp quan trọng là khuyến khích người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, tháo gỡ rào cản và tạo cơ chế thông thoáng để doanh nghiệp có thể tổ chức đào tạo, đào tạo lại cho người lao động.

Theo hướng này, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đã đề xuất 2 phương án đào tạo nguồn nhân lực. Phương án 1 là đưa 500.000 học sinh, sinh viên có kỹ năng cơ bản (năm thứ nhất hoặc thứ hai) đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; đồng thời đưa 500.000 học sinh, sinh viên thành thạo (năm thứ hai hoặc thứ ba) vào làm việc tại doanh nghiệp.

Phương án 2 là tiếp tục đẩy mạnh tuyển sinh, tổ chức đào tạo ở các trình độ của giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đang đẩy mạnh tuyển sinh lao động học nghề các trình độ.

Giải pháp quan trọng khác được các bên cùng triển khai là tăng cường kết nối cung - cầu về lao động, ưu tiên giới thiệu việc làm đối với người lao động bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19.

Để giúp người lao động có điều kiện thuận lợi tiếp cận với cơ hội việc làm, mới đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã xây dựng website với địa chỉ: https://vieclamthudo.today, kết nối liên thông giữa các sàn giao dịch việc làm tại Hà Nội với nhiều địa phương khác;

Rồi mới đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thanh Hóa tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 6 tỉnh, thành phố sẽ diễn ra vào ngày 28/10, Tuyển dụng gần 1.000 lao động, mức lương 5 - 18 triệu đồng.

Tham gia tuyển dụng lao động thông qua các phiên giao dịch việc làm, bà Nguyễn Thị Thu Hà, cán bộ quản lý nhân sự Công ty TNHH Enshu Sanko Việt Nam cho biết: “Để thu hút ứng viên, chúng tôi trả 100% lương cho những lao động mới trúng tuyển, trong khi trước đây, họ chỉ được hưởng 80% tiền lương hằng tháng”.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, trong 9 tháng năm 2021, thành phố đã giải quyết việc làm cho 116.100 lao động, đạt 72,5% kế hoạch giao trong năm. Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, ngoài những chính sách, giải pháp đã triển khai, năm 2021, Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các ngành, địa phương điều tra cung - cầu về lao động đến cấp cơ sở, từ đó đề xuất các giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm khả thi.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp thông tin đa chiều về thị trường việc làm sẽ được triển khai trên phạm vi rộng.

Nhiều giải pháp “tiếp sức”

Hay tại Tuyên Quang, trước sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho những người lao động yếu thế, không may bị mất việc làm. Trung tâm đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm đẩy mạnh công tác tư vấn việc làm, học nghề giúp người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sớm quay trở lại tham gia thị trường lao động.

Trong đó, tập trung thông tin về thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh trên trang web vieclamtuyenquang.net ; Esip.vieclamvietnam.gov.vn ; phát tờ rơi tại các xã, phường...

Từ đầu năm đến nay, đã có 312 lượt tin, bài tuyển dụng, tuyển sinh được được đăng tải; 5 phiên giao dịch việc làm trực tuyến được tổ chức với gần 4.000 lao động tham gia; có 7.039 lao động tham gia 32 buổi tư vấn việc làm trực tiếp... nhờ sự tích cực, trienr khai nhiều “kênh”, đã giúp nhiều lao động tìm được việc làm trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 nhiều khó khăn.

Anh Nguyễn Xuân Dũng, cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh là một trong những tư vấn viên giàu kinh nghiệm trong việc tư vấn, giới thiệu việc làm online. Theo anh, việc tư vấn qua điện thoại, qua mạng xã hội như Facebook, Zalo đem lại hiệu quả cao, đặc biệt trong diễn biến dịch bệnh phức tạp. Thông qua hình thức tư vấn việc làm trực tuyến, người lao động dễ dàng tìm hiểu thị trường lao động ở khu vực lân cận hoặc thuận tiện đi lại như Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên...

Cũng bằng hình thức tư vấn này, đã có 282 lao động quay trở lại nơi làm việc ban đầu ở Bắc Giang và một số tỉnh lân cận sau khi dịch bệnh được kiểm soát.  

Thông qua các kênh giao dịch việc làm, nhiều lao động đã được cập nhật thông tin tuyển dụng, được tư vấn, từ đó sớm tìm kiếm được công việc ổn định cuộc sống.

Chị Ma Thị Thúy Hạnh, xã Bình Nhân (Chiêm Hóa, Bắc Giang) tâm sự, sau một thời gian trở về địa phương do dịch bệnh, tháng 7 vừa qua, nhờ sự tư vấn, hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, chị đã nộp hồ sơ làm việc tại Công ty TNHH Luxshare - ICT Việt Nam ở Bắc Giang.

Theo chị, hình thức tư vấn trực tuyến giúp người lao động tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, dễ dàng lựa chọn nơi làm việc với mức lương phù hợp.

Dưới góc độ người lao động, anh Đỗ Văn Linh (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) phản ánh: “Thời điểm này, người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn việc làm nếu họ thực sự có nhu cầu tìm việc. Cá nhân tôi được một số doanh nghiệp gọi đến làm việc sau khi tham gia phiên phỏng vấn trực tuyến gần đây”.

Như vậy, có thể thấy, với trách nhiệm quản lý, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường nắm bắt thông tin, điều tiết cung, cầu lao động; chủ động cung cấp thông tin thị trường lao động, xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp giữa các địa phương trong việc cung ứng và tuyển dụng lao động để tạo sự kết nối, liên thông trong chuỗi cung ứng lao động giữa các địa phương.

Cùng với đó, các đơn vị, địa phương phối hợp, tạo điều kiện để người lao động quay trở lại làm việc... Có thể nói, hàng loạt các giải pháp đã được nỗ lực triển khai thời gian qua, đã giúp nhiều người lao động có việc làm trong bối cảnh dịch Covid -19.

Thanh Nhung

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

.

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh