Bóc gỡ đường dây buôn bán nội tạng người xuyên quốc gia quy mô lớn
- Pháp luật
- 02:08 - 01/02/2019
Vụ án do Cục Cảnh sát hình sự (phía Nam) phối hợp các cục nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an TP.HCM điều tra.
Với phương thức tìm kiếm người mua bán thận trên mạng internet, mạng xã hội... và liên kết với các môi giới người Việt tại nước ngoài, Tôn Nữ Thị Huyền đóng vai trò cầm đầu cùng với 4 đồng phạm Hoàng Đức Tùng, Huỳnh Linh Tâm, Phạm Quang Cảnh, Nguyễn Minh Tâm đã thực hiện thành công gần 100 vụ buôn bán nội tạng người, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng chỉ trong vòng hơn 18 tháng qua (từ tháng 5/2017).
Tôn Nữ Thị Huyền cùng 2 đồng phạm bị bắt giữ
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, các nạn nhân chấp nhận bán thận cho đường dây này chủ yếu trong độ tuổi từ 18-32, đều là trụ cột của các gia đình nghèo khó. Tuy nhiên, sau khi bán thận thì sức khỏe suy giảm ít nhất 45-65%, không còn khả năng lao động, thậm chí không thể tự phục vụ sinh hoạt cho bản thân. Các nạn nhân chủ yếu là những người vướng vào nợ nần, những gia đình nghèo khó, những người sinh sống ở vùng cao, ít hiểu biết về y học, chưa ý thức rõ những nguy hại đối với sức khỏe nếu bán thận. Trước khi thực hiện việc bán thận, họ đều được các thành viên trong đường dây tuyển chọn và đưa đi xét nghiệm kỹ càng.
Sau khi tuyển chọn, đường dây này đưa những người đồng ý bán thận ra nước ngoài, bố trí chỗ ăn ở để chờ mổ lấy thận. Sau khi mổ xong, họ còn phải lưu lại nước ngoài một thời gian cho đến khi vết thương lành hẳn mới được đưa trở về gia đình nhằm tránh bị phát hiện. Mỗi ca lấy thận như vậy có thể kéo dài trong khoảng thời gian hơn 1 tuần.
Một nạn nhân bị suy kiệt sức khỏe sau khi bán thận
Mỗi ca bán thận, nhóm này lấy với giá khoảng 400 triệu đồng, trả cho nạn nhân khoảng 200 triệu đồng. Những người môi giới thành công sẽ được trả từ 20 - 25 triệu đồng.
Cơ quan chức năng cũng khẳng định, đường dây buôn bán nội tạng người nói trên là “có yếu tố nước ngoài”, do các đối tượng là người Việt câu kết với người nước ngoài. Bản thân đối tượng Huyền – kẻ cầm đầu đường dây, trước đây cũng từng ghép thận nên khá am tường về “đường đi nước bước” trong quy trình cũng như các quy định khi thực hiện một ca ghép nội tạng – bao gồm cả điều khoản giữ bí mật thông tin người “hiến tặng” lẫn người nhận.
Ngày 21/1/2019, khi các đối tượng chuyển nạn nhân về Việt Nam, Cục CSHS (Bộ Công an) đã cử lực lượng trinh sát mật phục, bắt giữ người cầm đầu và 4 người trợ giúp, môi giới ngay tại cửa khẩu biên giới. Tại cơ quan công, các nghi can khai nhận hành vi mua bán thận của các nạn nhân từ Việt Nam đưa qua nước ngoài. Thời điểm bắt giữ, lực lượng chức năng còn tạm giữ gần 2 tỉ đồng (tiền trả cho những người bán thận).
Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục mở rộng điều tra, phối hợp với lực lượng quốc tế để xử lý nghiêm minh.