Bộ Y tế chấn chỉnh việc giám định phơi nhiễm dioxin
- Dược liệu
- 00:33 - 27/11/2019
Trước phản ánh của báo chí về những chuyện khó tin trong việc giám định y khoa (GĐYK) để thực hiện chế độ cho người bị phơi nhiễm chất độc hóa học (CĐHH)/dioxin, ngày 25/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn có văn bản gửi giám đốc Sở Y tế trên cả nước; giám đốc bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; cơ quan thường trực Hội đồng Giám định y khoa Trung ương I, II, III và thủ trưởng y tế các bộ, ngành về việc tăng cường công tác khám, giám định y khoa.
Theo PLO, văn bản Bộ Y tế nêu: Gần đây Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH phát hiện một số sai phạm, bất cập và thực hiện chưa đúng với quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Y tế tại một số Hội đồng Giám định y khoa trong việc thực hiện khám, giám định y khoa bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với CĐHH/dioxin.
Bộ Y tế yêu cầu những ca bệnh, tật còn nghi ngờ hoặc khó chẩn đoán cần tổ chức hội chẩn chuyên môn để xác định từng bệnh, từng trường hợp cụ thể. Bác sĩ chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả chẩn đoán bệnh, tật và kết quả điều trị của mình.
Việc thực hiện chẩn đoán một số bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với CĐHH/dioxin cần thực hiện nghiêm theo quyết định của bộ trưởng Bộ Y tế (Quyết định 3201/2016)… "Thủ trưởng hoặc cấp phó của đơn vị không ủy quyền cho cấp dưới ký bản tóm tắt bệnh án và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cấp giấy ra viện hoặc bản tóm tắt bệnh án điều trị nội trú hoặc ngoại trú của đơn vị mình…" - Bộ Y tế nêu rõ.
Cũng theo văn bản này, Bộ Y tế yêu cầu đối với các trường hợp có giấy ra viện hoặc bản tóm tắt bệnh án điều trị với chẩn đoán mắc bệnh tâm thần có liên quan đến phơi nhiễm với CĐHH, Hội đồng Giám định y khoa cần nghiên cứu kỹ hồ sơ, khai thác kỹ tiền sử, bệnh sử của đối tượng. Hội đồng Giám định y khoa chỉ kết luận bị bệnh tâm thần có liên quan đến phơi nhiễm với CĐHH/dioxin khi đối tượng có giấy tờ ghi nhận quá trình điều trị về bệnh tâm thần nêu trên liên tục trong ba năm gần đây của các cơ sở y tế.
Căn cứ hồ sơ điều trị của đối tượng và tình trạng bệnh, tật hiện có của đối tượng, giám định viên khám, xác định đúng bệnh, tật và đúng mức độ bệnh, tật cũng như tỉ lệ phần trăm tổn thương cơ thể (suy giảm khả năng lao động) của đối tượng theo đúng quy định. Mục đích đảm bảo công bằng, chính xác, khách quan và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả khám, giám định của mình.
Bộ Y tế cũng giao chủ tịch Hội đồng Giám định y khoa phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận khám, giám định của hội đồng do mình làm chủ tịch.
Bộ cũng yêu cầu phối hợp chặt chẽ với công an địa phương kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công trên địa bàn, kịp thời phát hiện những việc làm sai nhằm mục đích trục lợi. "Kiên quyết đưa ra ánh sáng và xử lý nghiêm minh trước pháp luật những trường hợp cố tình làm sai quy định, vi phạm pháp luật trong việc khám, giám định để trục lợi…" - Bộ Y tế nhấn mạnh.