Bộ Xây dựng: Chỉ ra nhiều bất cập trong quy định quản lý nhà chung cư
- Huyệt vị
- 18:27 - 04/06/2019
Mô hình chung cư cao tầng đang là xu thế tất yếu trong phát triển nhà ở đô thị tại Việt Nam với quy mô ngày càng lớn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc quản lý, vận hành chung cư đang xảy ra nhiều bất cập dù cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm vận hành an toàn và bảo vệ quyền lợi của các chủ thể có liên quan.
Đây cũng là một trong những nội dung quan tâm và đưa vào chương trình chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng trong Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Tại báo cáo gửi Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhận định mặc dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành tương đối đầy đủ để điều chỉnh hầu hết các hoạt động có liên quan đến quản lý, vận hành nhà chung cư nhưng trong thời gian qua, tại một số địa phương, vẫn còn xảy ra tranh chấp, khiếu nại trong quá trình quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Tình trạng này xảy ra chủ yếu tại các đô thị lớn. Theo báo cáo của các địa phương, kết thúc quý 1/2019, vẫn có 458 nhà chung cư tồn tại tranh chấp trên tổng số 4.422 chung cư (kể cả chung cư cũ và mới). Các tồn tại, tranh chấp, khiếu nại liên quan đến một số vấn đề như chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư, thành lập Ban quản trị; đóng góp, bàn giao, quản lý và sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, kinh phí quản lý vận hành; xác định sở hữu chung - riêng; thu chi tài chính, quy chế hoạt động của Ban quản trị; giá dịch vụ nhà chung cư; không thống nhất lựa chọn đơn vị quản lý vận hành; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; chất lượng công trình; chủ đầu tư vi phạm trật tự xây dựng, quy hoạch...
Lý giải về nguyên nhân, Bộ Xây dựng cho rằng một số quy định pháp lý về quản lý, sử dụng nhà chung cư như cách tính diện tích căn hộ, diện tích logia, hộp kỹ thuật, diện tích chung-riêng... chưa rõ. Có những nội dung lại chưa phù hợp với tình hình thực tế.
Đơn cử như quy định về phương thức họp hội nghị nhà chung cư lần đầu hay quy định về số người tham dự Hội nghị lần đầu và lần thứ 2 quá cao (lần lượt là 75% và 50% chủ sở hữu). Điều này dẫn tới tình trạng chậm tổ chức Hội nghị nhà chung cư. Mặt khác, quy định các chế tài xử phạt một số hành vi vi phạm chưa phù hợp với yêu cầu quản lý.
Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư chưa đủ năng lực thực hiện dự án, chuyển nhượng không đúng quy định, vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, phòng cháy chữa cháy và các pháp luật khác có liên quan… chưa quan tâm thích đáng đến nghĩa vụ sau bán; không công khai đầy đủ các thông tin về dự án và những thay đổi của dự án trong quá trình thực hiện đầu tư theo quy định...