THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:15

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Bắc Kạn phải đẩy mạnh XKLĐ, giải quyết việc làm, nâng cao mức sống người dân

Tạo việc làm mới cho gần 3.500 lao động

 Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Ma Xuân Thu  đã báo cáo  về  các công tác như quản lý lao động việc làm trong 6 tháng đầu năm, công tác quản lý dạy nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; việc thực hiện điều chỉnh trợ cấp ưu đãi hàng tháng cho người có công cách mạng của các huyện, thành phố theo Nghị định số 20/2015/NĐ-CP; công tác bảo trợ xã hội, giảm nghèo,  mua thẻ bảo hiểm y tế  cho các đối tượng chính sách xã hội, điều dưỡng người có công...

Toàn cảnh buổi làm việc

Theo đó trong 6 tháng đầu năm Bắc Kạn tạo việc làm mới cho 3.421 lao động (trong đó xuất khẩu lao động là 115 người, lao động làm việc trong các doanh nghiệp là 3.306 người). Đào tạo trung cấp nghề và sơ cấp nghề cho hơn 1.200 lao động. Năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo là 14,24%, hộ cận nghèo là 9,38%. Tính đến nay đã có  là 201.003 đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế.

Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014 -2015. Ban rà soát, tổ giúp việc các cấp trong toàn tỉnh đã tiến hành rà soát được 8/8 huyện, thành phố; 122/122 xã, phường thị trấn trong tỉnh đã thực hiện rà soát tình hình thực hiện chính sách người có công với cách mạng với 1.421 thôn bản được rà soát với 6.500 đối tượng. Qua đó, các địa phương đã rà soát được 2.000 đối tượng là liệt sỹ, 1 đối tượng là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 500 đối tượng là thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 319 bệnh binh, trên 1.520 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 12 người có công giúp đỡ cách mạng, trên 2.200 thanh niên xung phong đang hưởng trợ cấp, gần 2.200 người là thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp tuất. Qua rà soát các đối tượng cho thấy,  100% đối tượng người có công đã được hưởng đầy đủ chính sách, không có đối tượng hưởng sai chính sách.

Trong năm 2014, ngành LĐ-TB&XH đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà các đối tượng người có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán, ngày Thương binh liệt sỹ được 9.675 suất quà, trị giá trên 2 tỷ đồng; tặng quà nhân dịp Chiến thắng Điện Biên Phủ với 1.596 phần quà, trị giá 798 triệu đồng; tổ chức điều dưỡng cho 1.722 đối tượng người có công với cách mạng; xây dựng 3 nhà ở cho người có công với cách mạng từ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, trị giá 40 triệu đồng/nhà; trao 5 sổ tiết kiệm cho 5 đối tượng thân nhân liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn, trị giá 5 triệu đồng/sổ…Triển khai chương trình làm nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh Bắc Kạn đã có 227 ngôi nhà được xây dựng mới và 176 nhà được sửa chữa.

Chủ tịch UBND tỉnh Lý Thái Hải thông tin về tình phát triển kinh tế của Bắc Kạn

Tăng cường công tác xuất khẩu lao động

Sở LĐ-TB&XH cũng kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 28/NQ-CP ngày 12/3/2025 quy định chi tiết về thực hiện Luật Việc làm đối với lĩnh vực Bảo hiểm thất nghiệp; ; Ban hành Thông tư hướng dẫn về chế độ ưu đãi giáo dục vì Thông tư 16 đã hết hiệu lực; Hướng dẫn về truy thu điều chỉnh theo Nghị định số 31/2013/NQ-CP; hướng dẫn thăm, tặng quà đối tượng có công nên ban hành sớm và ổn định theo giai đoạn; sớm ban hành tiêu chí giảm nghèo đa chiều và hướng dẫn thực hiện ngay từ cuối năm 2015; bổ sung đối tượng người khuyết tật nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống được tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội; Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản các công trình phục vụ công tác người có công....

Ghi nhận những nỗ lực của tỉnh Bắc Kạn  trong phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, việc tạo điều kiện cho người dân đi xuất khẩu lao động theo chương trình của Chính phủ giúp thay đổi nhận thức, tăng thu nhập cho người dân, tạo điều kiện cho người dân nâng cao mức sống.

Tuy nhiên, tỷ lệ nghèo ở Bắc Kạn còn cao so với mặt bằng chung, chính vì vậy ngành lao động cần lưu ý về vấn đề  quản lý về lao động, tăng cường công tác xuất khẩu lao động vào thị trường Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan.  Cần thực hiện tốt đối công tác giảm nghèo đặc biệt là hai huyện 30A Ba Bể và Pác Nặm. Chú trọng thực hiện công tác hỗ trợ cho người nghèo. Cần có hướng dẫn đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tăng cường công tác hướng  dẫn đào tạo cộng với giải quyết việc làm và chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo giúp cho người lao động có những việc làm tại chỗ.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền phát biểu tại buổi làm việc

Về chính sách người có công, tỉnh cần rà soát theo đúng hướng dẫn, những trường hợp tồn đọng  ban chỉ đạo liên ngành từ xã, huyện, tỉnh cần phân tích xem trường hợp nào hợp lý. Đây là nội dung phải đôn đốc thực hiện phấn đấu đến cuối 2015 cơ bản những đối tượng được hưởng trợ cấp theo đúng chế độ.

Bộ trưởng đề nghị tỉnh làm tốt công tác chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, để các Mẹ được chăm sóc cả về vật chất và tinh thần. Ngành LĐ-TB&XH phải rà soát và lập danh sách và đưa vào kế hoạch hằng năm xây dựng nhà ở cho người có công. Sở LĐ-TB&XH cần đánh giá hoạt động nhiệm kỳ theo từng chuyên đề, phối hợp với các ngành chức năng thực hiện tốt các vấn đề về lao động, giải quyết việc làm, thực hiện các chính sách về người có công và bảo trợ xã hội.

Nguyễn Síu

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh