Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không để bất cứ người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước
- Tây Y
- 11:50 - 16/07/2022
Dự lễ có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Chủ tịch UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cùng đại diện các Ban, Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương cùng 75 thân nhân liệt sĩ, đại diện 387 liệt sĩ vinh dự đón nhận Bằng Tổ quốc ghi công năm 2022.
Báo cáo về tình hình giải quyết hồ sơ công nhận người có công thời gian qua, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhắc tới những đóng góp, hy sinh của các thương binh, liệt sĩ trong các cuộc kháng chiến cứu nước, vì nền hòa bình và ấm no của dân tộc.
Bộ trưởng khẳng định những hy sinh, mất mát của các thương binh, liệt sĩ là vô cùng to lớn. Đây cũng là động lực để cán bộ, nhân viên ngành LĐ-TB&XH cần phải nỗ lực làm tốt hơn nữa nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với các thương binh, gia đình liệt sĩ.
“Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 75 năm qua Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước luôn chăm lo và thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công với cách mạng, và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống pháp luật, chính sách về người có công từng bước được hoàn thiện; đối tượng chính sách và chế độ ưu đãi người có công với cách mạng từng bước được mở rộng, nâng cao để cuộc sống của các thân nhân, gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng ngày càng đầy đủ, tốt đẹp hơn. Công tác xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực” - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thông tin thêm.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng trăn trở: “Chiến tranh đã lùi xa, hầu hết các đơn vị, cá nhân không còn lưu giữ hồ sơ, giấy tờ gốc, những người giao nhiệm vụ và người làm chứng không còn... Công tác xác nhận NCC với cách mạng nói chung, xác nhận liệt sĩ nói riêng trong thời gian qua luôn được Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng hết sức nỗ lực trong việc nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ. Nhiều trường hợp liệt sĩ hi sinh đã mấy chục năm, gia đình và người thân vẫn thầm mong, khắc khoải đợi chờ người cha, người chồng và người con của mình được vinh danh”.
Xuất phát từ tấm lòng tri ân sâu sắc, phương châm “không để bất cứ người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, sự chăm sóc của nhân dân”, Bộ LĐ-TB&XH đã báo cáo và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kết luận; Chính phủ ban hành Nghị quyết, trong đó yêu cầu tập trung giải quyết các hồ sơ xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh còn tồn đọng các bộ, ngành và các địa phương theo trình tự, thủ tục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành. Trên cơ sở đó, ngày 20/3/2017, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH với quy trình thực hiện từ quá trình phân loại hồ sơ tới các bước công việc cụ thể từ cơ quan công an, quân đội, cấp xã, huyện, tỉnh và Trung ương. Các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng Kế hoạch thực hiện, Tổ công tác Trung ương cùng với các bộ, ngành, địa phương rà soát thẩm định hồ sơ đồng thời công khai thông tin hồ sơ trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nhân dịp 75 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ, nhìn lại chặng đường 5 năm triển khai Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH tại các địa phương cho thấy mặc dù có rất nhiều khó khăn, trở ngại do đây là việc chưa từng có tiền lệ, quá trình gian nan đó bước đầu đã được đền đáp bởi những kết quả vô cùng quan trọng và thiêng liêng. Cụ thể, Bộ đã rà soát, xem xét trên 7.000 hồ sơ tồn đọng, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với trên 2.400 liệt sĩ, trên 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Đối với những hồ sơ không đủ điều kiện cũng đã kết luận và giải thích cho đối tượng, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ.
“Đáng chú ý, trong số các liệt sĩ được xác nhận phần lớn là sau khi đất nước đã hoà bình được gần 50 năm, có những trường hợp đã hy sinh 70, 80 năm về trước. Sau nhiều năm đợi chờ, hy vọng, rồi lại thất vọng, cuối cùng được đón nhận tình cảm vỡ oà trong nước mắt của hơn 2.200 gia đình thân nhân liệt sĩ. Có thể nói rằng, sự xúc động là không thể nào tả xiết khi người cha, người chồng, người con mình, hầu hết đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, là những đội viên du kích, dân quân, địch vận, là người dân tộc thiểu số, là những tín đồ tôn giáo, là những thanh niên xung phong cảm tử… chính thức được Tổ quốc vinh danh sau mấy chục năm dài” - Bộ trưởng chia sẻ.
Tại đây, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ sự biết ơn tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đối với lĩnh vực lao động, người có công và xã hội nói chung và việc thực hiện toàn diện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng: “Kết quả hôm nay chính là hành động thiết thực, ý nghĩa nhất, bày tỏ tấm lòng thành kính, nén tâm nhang của thế hệ đi sau, của chúng tôi - những người làm công tác thương binh liệt sĩ đối với 1,2 triệu liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đồng thời cũng là nghĩa cử, là hành động xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm sâu nặng của những người đang được thụ hưởng nền hoà bình, độc lập, tự do ngày hôm nay với anh linh các liệt sĩ và gia đình, thân nhân các liệt sĩ”.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, còn rất nhiều việc phải làm hơn nữa, với quyết tâm hơn nữa trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, đặc biệt đối với việc giải quyết hồ sơ tồn đọng đã được giải quyết căn bản song vẫn còn một bộ phận nhỏ đang chờ mong việc xác nhận liệt sĩ do thời gian, các hồ sơ, tài liệu, thông tin ngày càng ít ỏi, quá trình giải quyết ngày càng khó khăn và phức tạp hơn. Bộ trưởng cũng tin tưởng, công tác chăm sóc người có công với cách mạng thời gian tới sẽ tiếp tục được các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người dân hưởng ứng, tham gia tích cực để người có công với cách mạng có cuộc sống ngày càng đầy đủ, tốt đẹp hơn.
Tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cho biết: “Đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, Nghệ An có hơn 45 nghìn liệt sĩ; hơn 56 nghìn thương bệnh binh, hơn 20 nghìn người tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu bị nhiễm chất độc hóa học; hơn 2.800 Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 500 nghìn gia đình, cá nhân được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến. Cùng với nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, Nghệ An luôn quan tâm và xác định việc thực hiện các chế độ chính sách đối với Người có công là tình cảm, vinh dự và nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng. Ngoài việc triển khai thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC với cách mạng.
Từ các nguồn lực vận động được, thời gian qua, toàn tỉnh đã xây mới, sửa chữa trên 16 nghìn ngôi nhà tình nghĩa; trao tặng trên 24 nghìn sổ tiết kiệm cho người có công; 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng được nhận phụng dưỡng; đầu tư nâng cấp xây dựng, sửa chữa hơn 1.000 lượt nghĩa trang và đài tượng niệm, nhà bia ghi tên liệt sỹ; quản lý, chăm sóc chu đáo gần 24 nghìn mộ liệt sĩ. Trong thời gian qua, đã có hơn 14 nghìn hài cốt liệt sĩ thuộc các tỉnh thành trong cả nước và liệt sĩ hy sinh tại nước bạn Lào được quy tập, đưa về an táng ở các nghĩa trang trên địa bàn tỉnh".
"Ngày hôm nay, được chọn là địa phương để tổ chức buổi lễ trao bằng Tổ quốc ghi công đối với 75 liệt sĩ, đại diện cho 387 liệt sĩ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và 30 tỉnh, thành phố trong cả nước năm 2022 là một vinh dự lớn lao của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An. Nhiều liệt sĩ hy sinh sau hơn 80 năm, có liệt sĩ hy sinh đã 91 năm, nay được xác nhận qua hồ sơ tồn đọng, điều đó thể hiện trách nhiệm cao cả, nghĩa tình sâu nặng, đạo lý nhân văn, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, nhân dân đối với thế hệ cha anh đã ngã xuống vì độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc. Sự hy sinh đó mãi mãi được khắc ghi, trường tồn cùng non sông, đất nước, nhắc nhở chúng ta phải có trách nhiệm hơn, trân quý hơn giá trị của hòa bình. Tấm gương hy sinh của các liệt sỹ là động lực để Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An tiếp tục đoàn kết, vững tin, nỗ lực thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp - văn minh, thôi thúc các cấp, các ngành trong toàn tỉnh tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa trong công tác đền ơn, đáp nghĩa, thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng” - ông Thái Thanh Quý nhấn mạnh.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trao 20 căn nhà tình nghĩa tới người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ tỉnh Nghệ An. Trị giá mỗi căn nhà 70 triệu đồng.
Dịp này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình công nhận và trao Bằng Tổ quốc ghi công tới 387 liệt sĩ. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp trao bằng Tổ quốc ghi công tới 75 thân nhân liệt sĩ tại buổi lễ hôm nay. Các Bằng Tổ quốc ghi công còn lại sẽ được trao tại các địa phương trước ngày 27/7.