THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:53

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Những quyết sách chưa có tiền lệ

Trong chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp bà Cầm Thị Mẫn -  ĐBQH Chuyên trách, đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo với cử tri huyện Như Thanh, Như Xuân những nội dung mà Kỳ họp thứ 3 tới đây Quốc hội sẽ xem xét. Theo đó, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV dự kiến được tổ chức tập trung tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 23/5 đến ngày 17/6.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc cử tri huyện Như Thanh

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc cử tri huyện Như Thanh

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng các ĐBQH tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Như Xuân

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng các ĐBQH tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Như Xuân

Tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét thông qua 5 Dự án luật; 4 Dự thảo nghị quyết luật; Cho ý kiến 6 dự án luật; Xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020. Kết quả giám sát và các vấn đề quan trọng khác…

Giải quyết các ý kiến, kiến nghị của các cử tri thấu tình, đạt lý

Tại buổi tiếp xúc, theo đánh giá của chính quyền địa phương, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Quốc hội khóa XV, của Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa và của các cấp, ngành đã giải quyết cơ bản thấu tình, đạt lý các ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của cử tri huyện Như Thanh; qua đó, góp phần giữ vững và tăng cường lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, Quốc Hội, Chính phủ, xứng đáng với niềm tin, lựa chọn của cử tri các dân tộc trên địa bàn huyện Như Thanh, Như Xuân.

Đại biểu, cử tri huyện Như Thanh (3)
Đại biểu, cử tri huyện Như Thanh

Đại biểu, cử tri huyện Như Thanh

Tại huyện Như Thanh, trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, cử tri Lương Hồng Sỹ, Phó phòng Nông nghiệp huyện Như Thanh kiến nghị: “Bộ tiêu chí về NTM giai đoạn 2021-2026 có tiêu chí về môi trường phải có hệ thống nước sạch. Do đó, cử tri mong muốn Chính phủ phải có quy định riêng cho các huyện miền núi chỉ cần dùng nước sạch đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định. Chính phủ sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021-2026, có cơ chế kích cầu xây dựng NTM cho các đơn vị đạt chuẩn NTM..” – cử tri Sỹ nói.

Cử tri Cao Văn Lương, Bí thư Đảng uỷ xã Thanh Kỳ kiến nghị: “Hiện nay Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Căn cứ vào danh sách xã Thanh Kỳ, huyện Như Thanh thuộc xã khu vực III. Tuy nhiên, đến nay Chính phủ vẫn chưa ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ đối với xã đặc biệt khó khăn. Do đó, cử tri kiến nghị Chính phủ sớm ban hành cơ chế hỗ trợ để kịp thời giải quyết chế độ cho người dân và địa phương vùng đặc biệt khó khăn”- cử tri Lương kiến nghị.

Cử tri, Nguyễn Khắc Đại, Chủ tịch UBND xã xã Xuân Thái mong muốn: “Trong thời gian tới, cử tri mong muốn và kỳ vọng các ĐBQH cần quan tâm hơn nữa, ban hành chính sách quyết định để phát triển kinh tế xã hội đặc biệt là các huyện miền núi. Đối với xã Xuân Thái, đặc thù nằm bao quanh hồ sông Mực, 76% đồng bào dân tộc thiểu số… Tuy nhiên, có một số vướng mắc khiến nhiều hộ dân chưa được cấp bìa đỏ.  Hiện xã đang về đích NTM, nếu dân được giao đất không có bìa mà muốn vay vốn làm ăn thì không được; nhiều hộ nghèo, còn ở nhà tranh tre nứa lá các tổ chức muốn hỗ trợ thì cũng phải có bìa đỏ…nên rất khó khăn cho việc phát triển của nhân dân, mục tiêu về NTM…”- cử tri Đại nói.

Đại biểu, cử tri huyện Như Xuân
Đại biểu và cử tri huyện Như Xuân

Đại biểu và cử tri huyện Như Xuân

Tại huyện Như Xuân, cử tri Đàm Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Tân Bình cho biết: “Xã Tân Bình hiện còn 3 thôn với 200 hộ nằm gọn trong vườn quốc gia Bến En, hiện bà con chưa được cấp đất ở. Các hộ muốn vay vốn phát triển kinh tế để thoát nghèo không thực hiện được. Cử tri mong muốn các ĐBQH kiến nghị lên Chính Phủ sớm có hướng hỗ trợ, cấp quyền sử dụng đất để các hộ dân yên tâm sản xuất, từng bước phát triển kinh tế để thoát nghèo…”- cử tri Thông nói.

Cử tri Đỗ Tất Hùng, Chủ tịch UBND xã Thanh Hòa kiến nghị: “Hiện nay, trên địa bàn xã Thanh Hòa có thôn Thanh sơn gồm 119 hộ dân với 430 nhân khẩu nằm trong vùng ngập của hồ chứa nước và thủy điện bản Mồng (tỉnh Nghệ An) phải di dời. Dự án di dời 119 hộ dân đã triển khai từ năm 2009, tuy nhiên, đến nay đã 13 năm nhưng người dân vẫn chưa được di dời, các chương trình dự án xây dựng cơ bản tại thôn như đường giao thông, trường học, nhà văn hóa thôn tạm thời dừng, không được đầu tư, nhân dân thì không được xây dựng nhà cửa, không được tách hộ, sản xuất mang tính manh mún nhỏ lẻ từ các loại cây ngắn ngày, không giám đầu tư trồng các loại cây công nghiệp dài ngày mang lại hiểu quả kinh tế cao, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống vật chất và sinh hoạt của người dân. Đặc biệt là những lúc ốm đau, bà con nhân dân đi lại rất khó khăn và mỗi năm đến mùa mưa bão thì 119 hộ dân trong thôn biệt lập hoàn toàn với bên ngoài do không có đường đi lại. Cử tri cũng mong muốn các ĐBQH đưa tiếng nói của cử tri đến các cơ quan, ban nghành có liên quan cần đẩy nhanh tiến độ di dời dân thôn Thanh Sơn nằm trong vùng ngập của hồ chứa nước và thủy điện bản Mồng để nhân dân yên tâm sinh sống, lao động sản xuất, phát triển kinh tế, thoát nghèo…”- cử tri Hùng thông tin.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao quà cho các gia đình chính sách, người có công huyện Như Thanh (2)
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao quà cho các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo huyện Như Thanh

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao quà cho các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo huyện Như Thanh

Cũng tại  hội nghị, cử tri các huyện cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho các hộ được sử dụng nước từ máy lọc nước hoặc xây dựng các hệ thống xử lý lắng lọc có kiểm tra, kiểm định chất lượng nước; sớm ban hành cơ chế hỗ trợ để kịp thời giải quyết chế độ cho người dân và địa phương vùng đặc biệt khó khăn; ban hành chính sách quyết định để phát triển kinh tế xã hội đặc biệt là các huyện miền núi. Đồng thời, đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh độ tuổi được hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng xuống người từ đủ 75 tuổi trở lên, để động viên và giúp người cao tuổi ổn định và nâng cao mức sống cho người cao tuổi thuộc đối tượng nêu trên; nghiên cứu nâng hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để phù hợp với thực tiễn...

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao tặng quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn huyện Như Xuân (3)
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao tặng quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn huyện Như Xuân

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao tặng quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn huyện Như Xuân

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã tiếp thu, giải trình một số ý kiến, kiến nghị của cử tri nêu ra tại hội nghị.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng cho biết: HĐND, UBND đã và đang từng bước xem xét giải quyết các vấn đề mà cử tri có ý kiến theo đúng quy định của pháp luật. Các ĐBQH trong thời gian tới sẽ bàn cụ thể và những bất cập, tồn tại, hạn chế sẽ được điều chỉnh. Đồng thời, báo cáo Chính phủ xem xét đất nông lâm trường, đất do doanh nghiệp nhà nước quản lý, tránh lãng phí…

Đặc biệt là với ý kiến của cử tri huyện Như Xuân về thực hiện dự án tái định cư cho 119 hộ dân xã Xuân Hoà  (Như Xuân  - Thanh Hoá) bị ảnh hưởng bởi dự án Hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An). Ông Đầu Thanh Tùng nhấn mạnh: “Hiện nay tỉnh Thanh Hoá đang phối kết hợp cùng với Nghệ An, các Bộ ngành Trunng ương để tìm cách tháo gỡ và giải quyết vấn đề này, đền bù, di dân, tái định cư, đảm bảo an sinh xã hội cho các hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi với các đại biểu, cử tri huyện Như Thanh

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi với các đại biểu, cử tri huyện Như Thanh

Bộ trưởng Đào ngọc dung cùng các đại biểu, cử tri huyện Như Xuân

Bộ trưởng Đào ngọc dung cùng các đại biểu, cử tri huyện Như Xuân

Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri cũng như giải trình của đại diện các ngành, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thay mặt đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tiếp thu, giải trình thêm những nội dung ý kiến của cử tri.

"Trước hết, cho phép tôi thay mặt cho các ĐBQH được bầu tại khu vực của chúng ta xin trân trọng cảm ơn cử tri huyện nhà đã dành cho chúng tôi những tình cảm và sự quan tâm. Nhiều lần cũng thông báo với cử tri, trong phạm vi trách nhiệm của mình, chắc chắn không phụ tình cảm và sự gửi gắm của cử tri. Các ĐBQH sẽ cố gắng ở mức cao nhất không chỉ đóng góp cho huyện, cho tỉnh, mà còn đóng góp vào những quyết sách chung của Quốc gia"- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trong kỳ họp thứ 3 này, với tư cách là đại biểu, Bộ trưởng cho biết sẽ có sự chuẩn bị một cách chủ động nhất, tích cực nhất để những quyết sách của Quốc hội đi vào cuộc sống, mang hơi thở cuộc sống.

Với các ý kiến của cử tri huyện Như Thanh, Như Xuân, Bộ trưởng đề nghị Văn phòng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tổng hợp, chuyển cho các cơ quan chức năng, kể cả các Bộ, ngành Trung ương xem xét, xử lý.

Đối với những kiến nghị cử tri nêu ra thuộc thẩm quyền của tỉnh, huyện, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Thanh Hóa và huyện Như Thanh, Như Xuân phải cố gắng để xử lý dứt điểm. Những gì đã hứa với dân thì phải cố gắng làm cho được.

Những quyết sách chưa có tiền lệ

Thường để ra một chính sách phải mất cả năm nghiên cứu, đánh giá tác động, tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, có những chính sách được quyết định chưa có tiền lệ, chỉ trong thời gian ngắn. Theo Bộ trưởng: “Vừa qua cú sốc về đại dịch Covid-19, trong năm 2021 để lại hậu quả vô cùng lớn. Tuy nhiên, thành công lớn nhất của chúng ta trong dịch là chuyển bại thành thắng. Trong bối cảnh khó khăn nhất, vấn đề an sinh xã hội luôn được Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương quan tâm chăm lo rất tốt. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp tham mưu Quốc hội, Chính phủ ban hành những quyết sách chưa có tiền lệ, bảo đảm an sinh cho hàng chục triệu người dân trong đại dịch Covid-19 chỉ trong vòng một thời gian ngắn, mà lẽ ra để có những quyết sách này, theo quy trình phải mất đến cả năm...”

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 5 hộ gia đình người có công huyện Như Thanh

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 5 hộ gia đình người có công huyện Như Thanh

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 5 hộ gia đình người có công huyện Như Xuân

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 5 hộ gia đình người có công huyện Như Xuân

Trong đó, phải kể đến Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 116/NQ-CP hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đến nay, đã giải ngân số tiền trên 80.000 tỷ đồng, với trên 55 triệu lượt đối tượng thụ hưởng. Ngoài ra, sáng kiến 4 triệu túi an sinh… đã thể hiện quyết tâm chính trị và cách làm sáng tạo của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

Ý kiến của cử tri về một số thông tư liên quan Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, hiện nay còn 16.000 tỷ đồng của năm 2021 chưa giải ngân, Quốc hội cho phép chuyển sang năm 2022 để giải ngân tiếp. Hiện nay, 3 chương trình thì Chính phủ đã hoàn thành tất cả các thủ tục, kể cả phân bổ vốn cho các chương trình. Trong đó, chương trình giảm nghèo 78.000 tỷ đồng, dân tộc hơn 100.000 tỷ đồng.

"Chương trình hoàn tất thủ tục rồi, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sẽ họp trong tháng 5. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Chính phủ sẽ phân bổ. Hiện còn một số thông tư, văn bản hướng dẫn, tinh thần của Ban chỉ đạo đã quyết định, chậm nhất trong tháng 5, tất cả các Bộ, ngành, các đơn vị còn thiếu thông tư hướng dẫn phải hoàn thành" - Bộ trưởng chia sẻ.

Ý kiến cử tri về cải cách tiền lương, theo Bộ trưởng, cải cách tiền lương là cần thiết và lẽ ra cải cách từ năm 2022, nhưng do dịch bệnh ảnh hưởng quá lớn, phải dành tiền đầu tư cho việc phòng, chống dịch nên Trung ương lùi lại. Tuy nhiên, vẫn tập trung cải cách cho 3 đối tượng: Bảo trợ xã hội, người có công và hưu trí. Đặc biệt quan tâm đến các đối tượng hưu trí từ những giai đoạn trước.

Nhiều vấn đề đang "nóng" trong thời gian gần đây như: Bất động sản, thao túng thị trường chứng khoán, phòng, chống tham nhũng… cũng được Bộ trưởng thông tin đến các cử tri.

Về đất đai, nông trường, lâm trường còn nhiều vấn đề phải bàn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị tỉnh Thanh Hóa mạnh dạn nói lên tiếng nói của mình khi sửa Luật đất đai. Vấn đề sửa Luật đất đai là một trong vấn đề nóng nhất hiện nay. Trong các kỳ họp tới đây sẽ tập trung bàn về vấn đề đất đai trên tinh thần tìm ra vướng mắc để tháo gỡ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ: “Với cương vị là ĐBQH, các ĐBQH cần thể hiện trách nhiệm của ĐBQH trước cử tri, trước nhân dân, trong thời gian tới các ĐBQH tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt chức năng, quyền hạn của người đại biểu nhân dân, thường xuyên lắng nghe và phản ánh đầy đủ, trung thực tâm tư, nguyện vọng của nhân dân tới các cơ quan có thẩm quyền, nhất là những vấn đề đang được nhân dân đặc biệt quan tâm, như: Nâng cao đời sống người dân, xóa đói giảm nghèo bền vững, đảm bảo cuộc sống an sinh xã hội... ”.

Tại  huyện Như Thanh và Như Xuân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trao tặng 10 căn nhà cho người có công; trao tặng 60 suất quà cho hộ gia đình chính sách, người có công; trao tặng 40 suất quà cho các hộ nghèo.

THU HƯƠNG- MỘC MIÊN

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh