THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:01

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Phải có trách nhiệm với các kiến nghị của cử tri

Tham dự Hội nghị có Ủy viên Ban chấp hành Trung ương đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; Bà Cầm Thị Mẫn -  ĐBQH Chuyên trách; Ông Lại Thế Nguyên - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa; Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo các Sở, ban,  ngành, các đại biểu, cử tri thị xã Nghi Sơn và huyện Quảng Xương.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc cử tri ở thị xã Nghi Sơn

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc cử tri ở thị xã Nghi Sơn

Tại hội nghị tiếp xúc với cử tri ở thị xã Nghi Sơn và huyện Quảng Xương, bà Cầm Thị Mẫn, Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo với cử tri thị xã Nghi Sơn và huyện Quảng Xương những nội dung quan trọng tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Theo đó, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 23/5 đến ngày 16/6. Sau 19 ngày làm việc sôi nổi, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét một khối lượng công việc lớn, quyết định nhiều nội dung quan trọng không chỉ cho năm 2022 mà cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Qua 6 phiên thảo luận tổ, 23 phiên thảo luận toàn thể tại hội trường, 5 phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thông qua 5 Luật, 17 Nghị quyết; cho ý kiến về 6 dự án luật và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác…

 Các đại biểu, cử tri tham dự hội nghị tại thị xã Nghi Sơn

Các đại biểu, cử tri tham dự hội nghị tại thị xã Nghi Sơn

 Các đại biểu, cử tri tham dự hội nghị tại huyện Quảng Xương

Các đại biểu, cử tri tham dự hội nghị tại huyện Quảng Xương

Đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, cử tri Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn kiến nghị: “Với pháp lệnh ưu đãi người có công về công nhận liệt sĩ, không có biên bản kiểm thảo tử vong tại bệnh viện, đề nghị Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu điều chỉnh; Cơ sở vật chất trường Cao đẳng nghề Nghi Sơn còn khó khăn, thiếu thốn, đề nghị Bộ LĐ-TB&XH quan tâm đầu tư, bổ sung trang thiết bị cho nhà trường. Việc giải phóng mặt bằng tại thị xã Nghi Sơn phải di chuyển trên 14 nghìn ngôi mộ, trong khi đó địa phương không có kinh phí đầu tư nghĩa trang, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ đầu tư các nghĩa trang tập trung được xem là hạ tầng trong đầu tư…” .

Với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, cử tri Hoàng Bá Viết ở phường Trúc Lâm kiến nghị: “Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cần xem xét đối với trường hợp ông Lê Bá Hoành ở phường Hải Châu để công nhận liệt sĩ, đây là trường hợp xứng đáng. Ngày 20/5/2022, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa đã có thông báo số 74/TB-TB-SLĐTBXH sau khi xem xét nội dung đơn khiếu nại của ông Lê Bá Hoài, Sở nhận thấy đơn khiếu nại của ông có đủ điều kiện thụ lý. Cần xem xét có chính sách hỗ trợ đối với các trường hợp phụ nữ cô đơn không chồng con; các trường hợp đi bộ đội về mất hết giấy tờ…”.

IMG_5442
 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao tặng quà cho các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ bảo trợ trợ xã hội thị xã Nghi Sơn

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao tặng quà cho các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ bảo trợ trợ xã hội thị xã Nghi Sơn

Cử tri Nguyễn Đăng Nhiên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Xương kiến nghị: Sau 2 năm phòng chống dịch bệnh Covid-19, việc khám chữa bệnh bằng BHYT còn nhiều bất cập khiến cho công tác tự chủ tại các bệnh viện gặp nhiều khó khăn. Việc đấu thầu thuốc cấp cơ sở khó kể từ sau đại án Việt Á. Chính phủ cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất máy móc, thiết bị y tế cấp huyện, xã, chế độ đãi ngộ với cán bộ cấp cơ sở…

Cử tri Nguyễn Thị Loan, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Quảng Xương kiến nghị: “Việc giải mã phiên hiệu để bổ sung chứng cứ cho người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học gặp khó khăn do giấy tờ thất lạc, yêu cầu phải đến Bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Trong khi đó đa số tuổi cao, sức yếu đi lại khó khăn nên nhiều người thật, việc thật đến nay vẫn chưa được hưởng chế độ. Việc hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ đối với người được ủy quyền thì không được hỗ trợ kinh phí, do đó đề nghị Bộ xem xét trình Chính phủ có thêm chính sách ưu đãi với người có công và thân nhân. Có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn cho những năm tiếp theo. Việc xác định mức độ tàn tật cho các đối tượng bảo trợ tuyến cơ sở khó khăn, do đó Bộ cần xem xét, trình Chính phủ và các bộ nghành liên quan có quy định danh sách các bệnh cụ thể để địa phương làm cơ sở trong việc xác định dạng tật và mức độ khuyết tật cho các đối tượng…”.

Cũng tại hội nghị ở thị xã Nghi Sơn và huyện Quảng Xương, các cử tri cũng kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tái định cư, đấu giá đất, môi trường, phát triển kinh tế nông thôn, giảm giá phân bón…

IMG_5542
 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao tặng quà cho các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ bảo trợ trợ xã hội huyện Quảng Xương

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao tặng quà cho các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ bảo trợ trợ xã hội huyện Quảng Xương

Tiếp thu kiến nghị của các cử tri, ông Lê Đức Giang và Đầu Thanh Tùng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, với tất cả các kiến nghị được cử tri quan tâm, tỉnh Thanh Hóa sẽ xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Các trường hợp vượt quá thẩm quyền, tỉnh Thanh Hóa sẽ có kiến nghị để sớm giải quyết cho người dân.

Trên cơ sở kiến nghị của cử tri cũng như giải trình của đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thay mặt đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tiếp thu, giải trình thêm những nội dung ý kiến của cử tri quan tâm. Bộ trưởng cũng cảm ơn cử tri thị xã Nghi Sơn và huyện Quảng Xương đã dành tình cảm, sự quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất giúp các ĐBQH hoàn thành tốt nhiệm vụ.

“Cùng với các thành viên trong đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, trong cương vị và công việc của mình, tôi luôn luôn nỗ lực, phấn đấu, cũng như cố gắng để hoàn thành tốt trách nhiệm được giao. Đặc biệt là lời hứa với cử tri. Trong phiên tiếp xúc cử tri lần này, các ý kiến của cử tri rất sâu sắc, tâm huyết, trí tuệ và rất xác đáng”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp nhận các kiến nghị của cử tri huyện Quảng Xương

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp nhận các kiến nghị của cử tri huyện Quảng Xương

“Với các kiến nghị của cử tri, đoàn ĐBQH, văn phòng tổng hợp xem xét, kiến nghị nào thuộc trách nhiệm thì phải tập trung giải quyết dứt điểm, không nên để một kiến nghị cứ kéo dài mãi được. Nguyên tắc làm việc của cơ quan hành pháp đã kiến nghị thì phải xử lý rốt ráo, đến nơi, đến chốn. Phân công trách nhiệm ai là người theo dõi, ai là người giải quyết và có trách nhiệm báo cáo lại kỳ sau với nhân dân. Nội dung nào thuộc trách nhiệm của huyện, huyện giải quyết; của tỉnh, tỉnh giải quyết; liên quan đến Bộ nào, ngành nào thì đoàn ĐBQH và UBND tỉnh Thanh Hóa có trách nhiệm tổng hợp báo cáo về Chính phủ; còn đối với kiến nghị chung của Chính phủ thì trách nhiệm là thành viên Chính phủ, chúng tôi lắng nghe và sẽ cố gắng trong phạm vi, trách nhiệm của mình phối hợp với các Bộ để đề xuất, giải quyết sớm những kiến nghị của cử tri’ - Bộ trưởng nhấn mạnh.

“Thời gian vừa qua, những vấn đề liên quan đến chính sách xã hội, Chính phủ nói chung, cá nhân Bộ trưởng cũng như Bộ LĐ-TB&XH cực kỳ quan tâm vấn đề này. Phương châm của chúng ta là không đánh đổi tiến bộ, công bằng xã hội lấy việc tăng trưởng đơn thuần. Phát triển kinh tế thì phải đi đôi với hài hòa, với tiến bộ, công bằng xã hội, để làm sao mọi người dân được có cơ hội tham gia vào sự phát triển, nhưng cũng có cơ hội để thụ hưởng những thành tựu do chính mình làm ra. Trong bối cảnh dịch Covid-19 như vừa qua, chúng ta ban hành những chủ trương, chính sách chưa từng có tiền lệ. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 30, Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 đã đi vào cuộc sống. Trước đây, một năm trợ cấp khoảng 1 triệu người, nhưng năm 2021, 2022, với các Nghị quyết chưa có tiền lệ đã hỗ trợ tới 55 triệu lượt người, 81 nghìn tỷ tiền đến người dân. Chúng ta xuất một lúc 200 nghìn tấn gạo, gần như 2/3 quỹ dự trữ quốc gia đúng nguyên tắc, quy định. Đây là việc chưa có tiền lệ. Khi người dân cần, không để dân đói, không để dân thiếu ăn.”- Bộ trưởng thông tin.

 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi cùng các đại biểu, cử tri thị xã Nghi Sơn

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi cùng các đại biểu, cử tri thị xã Nghi Sơn

“Không phải ai cũng đồng cảm, thông cảm cho những người làm chính sách lúc bấy giờ. Có những quyết định phải họp bàn hết sức căng thẳng, cân nhắc rất kỹ, không đơn giản. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 mới thấy được những quyết định của Đảng, Nhà nước, Chính phủ là xác đáng. Trong khó khăn như vậy, nhưng chính sách trợ giúp xã hội vẫn được ban hành, trong đó có nâng lương và chế độ đối với người có công với cách mạng; lương cho người nghỉ hưu, điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng cho người lao động vẫn được ban hành bình thường. Để chấp nhận được chuyện đó là một cuộc đấu tranh về tư tưởng, không phải ai cũng đồng tình. Khi ra Trung ương, đề xuất dừng nâng lương cho cán bộ công chức, viên chức lại để lo cho các đối tượng yếu thế. Bây giờ, tất cả các đối tượng yếu thế đều có chính sách. Đây là câu chuyện rất mừng.” - Bộ trưởng chia sẻ.

Về một số ý kiến đối với chuyện công nhận, giải quyết các hồ sơ tồn đọng sau chiến tranh. Theo Bộ trưởng đây là một câu chuyện rất khó khăn. “7 năm qua, chúng tôi kiên trì, bản thân Bộ trưởng 3 lần xin ý kiến của Thường vụ Quốc hội, xin ý kiến 3 phiên họp Chính phủ cho phép Bộ trưởng ban hành một quyết định cá biệt để giải quyết hồ sơ tồn đọng. Qua sàng lọc ra còn 7.000 hồ sơ, trong 7.000 hồ sơ đó có khoảng 2.700 trường hợp được công nhận là liệt sĩ, hơn 2.000 trường hợp là thương binh, còn lại kết luận không đủ điều kiện. Trong 7.000 hồ sơ nêu trên, không có một đơn thư nào khiếu nại, chúng ta phải minh bạch.” - Bộ trưởng cho biết.

Riêng về trường Cao đẳng nghề Nghi Sơn, theo Bộ trưởng chưa xứng đáng, chưa tốt, xây dựng, hoạt động chưa tốt. Bộ trưởng đề nghị tỉnh Thanh Hóa cùng thị xã Nghi Sơn đầu tư trường nghề cho ra trường nghề, hoạt động thực sự hiệu quả, làm sao thu hút con em vào học nghề, nâng cao chất lượng. Về phía Bộ sẽ quan tâm vấn đề này. Về trường hợp cụ Lê Bá Hoành có nêu ra mấy năm rồi, trường hợp này hồ sơ thiết lập ban đầu khác nhau, thông tin khác nhau, Sở đang giải quyết khiếu nại lần đầu, đủ điều kiện thụ lý, tỉnh Thanh Hóa cũng cần phải xem xét để có cách xử lý thấu tình, đạt lý. Chia sẻ khó khăn với Ngành Y tế, nhất là tuyến y tế cơ sở, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ, Quốc hội sẽ xem xét và có hỗ trợ thích đáng cho cán bộ y tế trong giai đoạn Covid-19 khó khăn vừa qua.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trao tặng 100 suất quà cho các gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh, hộ nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn thị xã Nghi Sơn và huyện Quảng Xương.

MỘC MIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh