THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:07

Nằm nghĩa trang 75 năm không được công nhận liệt sĩ và day dứt của Bộ trưởng

Xử lý số lượng hồ sơ người có công tồn đọng như Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhiều lần chia sẻ, là một thách thức thách lớn đối với ngành, cũng là vấn đề gai góc nhất, khó khăn nhất.

Thách thức ấy đặt ra cho năm 2017 càng lớn hơn, khi năm nay là năm kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ. Và day dứt đó tiếp tục được người đứng đầu ngành đưa ra tại buổi làm việc với tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng đại diện Bộ Quốc phòng nước CHDCND Lào, Bộ Quốc phòng Việt Nam làm lễ di quan, đưa các liệt sĩ hi sinh ở nước bạn Lào về trong vòng tay Tổ Quốc ngày 12/5 tại Nghệ An vừa qua (Ảnh: Mạnh Dũng)

Cho đến nay, qua rà soát, tỷ lệ hồ sơ tồn đọng tương đối lớn. Kết quả rà soát bước đầu, có khoảng 9 triệu người có công; khoảng 28,5 ngàn trường hợp kê khai đề nghị hưởng chính sách nhưng chưa được xác lập và được công nhận - trong số kê khai này có thể có người đủ điều kiện, nhưng cũng có người chưa, và không đủ điều kiện.

“Trong số 28,5 ngàn trường hợp này, có đến 5,9 ngàn trường hợp kê khai đề nghị công nhận thương binh liệt sĩ, và người được hưởng chính sách như thương binh”, Bộ trưởng Dung cho biết.

Để giải quyết số lượng hồ sơ tồn đọng lớn như thế không phải là chuyện đơn giản. Nhưng người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH quyết tâm sẽ tập trung giải quyết căn bản số hồ sơ tồn đọng đó trong năm 2017, vì toàn ngành lấy 2017 là năm Đền ơn đáp nghĩa.

Bên cạnh việc tập trung thực hiện tốt nhất việc đền ơn đáp nghĩa, trong đó có việc tổ chức tốt nhất Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ, thì tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng người có công là 1 trong 2 đột phá được đặt ra trong lĩnh vực Đền ơn đáp nghĩa này.

Để đẩy nhanh tiến trình, tư lệnh ngành LĐ-TB&XH cho biết, Bộ đang áp dụng quy trình 408- quy trình xử lý có tính chất cụ thể. Để làm rõ thêm, Bộ trưởng cho biết, khi làm điểm ở 5 tỉnh, đã công nhận 86 trường hợp, 75 trường hợp liệt sĩ, trong đó 57 trường hợp là liệt sĩ thời kỳ chống Pháp. Liệt sĩ người cao tuổi nhất là 126 tuổi.

“Liệt sĩ này đã nằm trong nghĩa trang liệt sĩ 75 năm qua, nhưng trong danh sách không được công nhận liệt sĩ. Nếu cứ theo án tại hồ sơ, theo đúng quy trình thì không bao giờ xác nhận liệt sĩ được cho đồng chí. Vì không còn một chút hồ sơ nào, trong khi đồng đội được công nhận liệt sĩ hết rồi”, ông nói.

Vì thế, Bộ trưởng cho biết, đã phải vận dụng quy trình cá biệt, cho mời tất cả các lão thành cách mạng của tỉnh đó đến họp, hỏi lại toàn bộ thời kỳ hoạt động của đồng chí kia. Khi đó tất cả đều ngã ngửa, và tất cả các lão thành cách mạng kiến nghị công nhận liệt sĩ cho đồng chí kia.

Sau đó tiếp tục công khai trên phương tiện truyền thông đại chúng 3 số liền, báo đài, truyền hình địa phương, không ai phản đối gì. Bộ trưởng cũng cho biết, khi trao bằng Tổ Quốc ghi công, người dân, cả xã vui mừng đón nhận như đón nhận cho chính người thân của mình.

“Phấn đấu, tối thiểu khoảng 200 liệt sĩ ở đối tượng giải quyết “Hồ sơ đặc biệt” được công nhận để công bố trước ngày 27/7. Và cũng phấn đấu năm 2017 giải quyết căn bản số hồ sơ tồn đọng là thương binh liệt sĩ và người hưởng chính sách thương binh”, Bộ trưởng Dung quyết tâm.

Cùng với đó, hiện nay đang triển khai trên cả nước tập trung vào 3 đối tượng: công nhận liệt sĩ, công nhận thương binh và người hưởng tiêu chuẩn như thương binh. “Chiến tranh đã qua đi hơn 40 năm, nhưng vẫn còn khoảng 200 ngàn liệt sĩ nằm rải rác trên mọi miền Tổ Quốc chưa tìm thấy được, rồi 300 ngàn liệt sĩ chưa rõ danh tính. Đau lòng lắm chứ. Mà càng để lâu, số này càng khó có khả năng tìm kiếm”, ông cho biết thêm.

Về vấn đề giám định ADN cho 300.000 hài cốt liệt sĩ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sẽ làm quyết liệt, phải tìm cách làm mới, vì với những vướng mắc như hiện nay thì đến 2019 vẫn chưa thể xong.

Về nhà ở cho NCC, Chính phủ đã phân bổ kinh phí hỗ trợ xây dựng và sửa chữa. Bộ đã tham mưu với Chính phủ cho phép các địa phương tạm ứng kinh phí để giải quyết dứt điểm trong 2 năm 2017 và 2018.

Cùng với việc giải quyết căn bản hồ sơ tồn động người có công, thì khâu đột phá thứ hai trong chuỗi hoạt động của năm “Đền ơn đáp nghĩa” này, là tổ chức thật tốt Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ. Bộ trưởng cho biết, đến thời điểm này, toàn bộ các văn bản tham mưu và các bước triển khai đã tương đối đồng bộ.

Từ chủ trương của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư, cho đến văn bản của Ban tuyên giáo Trung ương hướng dẫn...  Ban Tổ chức Kỷ niệm Quốc Gia cũng đã ban hành kế hoạch toàn quốc, với 18 nhiệm vụ lớn, nhỏ khác nhau. Tất cả 18 nhiệm vụ này đều đã có phân công người chủ trì, người phối hợp, thực hiện. Việc gặp mặt 700 gương mặt tiêu biểu người có công cũng đã được lên kế hoạch.

“Ngay sau khi Thủ tướng ban hành chỉ thị, Bộ sẽ phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo, công bố toàn bộ các nội dung, phối hợp triển khai từng việc, từng việc một. Từ 1/7 - hết 31/7 mỗi ngày ít nhất 1 hoạt động lớn diễn ra”, Tư lệnh ngành thông tin.

Có thể thấy, chưa bao giờ người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH đặt xuống khỏi vai những bộn bề, day dứt về xử lý sao cho dứt điểm, hợp tình hợp lý số lượng hồ sơ tồn đọng người có công. Vì tất cả cho những người đã ngã xuống cũng như người thân, người vợ, người mẹ mấy chục năm qua, đã mỏi mòn chờ trông chồng, con, anh em họ được nhận tấm bằng “Tổ quốc ghi công”…

“Vừa rồi, đón 107 liệt sĩ từ Lào về, tôi cũng như tất cả những ai có mặt buổi hôm đó, rất xúc động. Nhìn các anh nằm, trùm cờ Tổ Quốc, xót xa lắm. Mấy năm vừa rồi tìm được 12 ngàn liệt sĩ từ nước bạn về, nhưng giờ còn khoảng 200 ngàn nữa đang nằm rải rác trên mọi miền Tổ Quốc chưa tìm kiếm hết, rồi còn 300 ngàn liệt sĩ chưa rõ danh tính. Day dứt lắm”, cũng tại buổi làm việc với tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.

Còn nhớ, cách đây chưa lâu, ngày 12/5/2017 vừa qua, tràn ngập trên các mặt báo, trên mạng xã hội, người dân chia sẻ những hình ảnh trang trọng, linh thiêng lễ đón nhận 107 liệt sĩ từ nước bạn Lào trở về Tổ quốc sau bao năm trời xa cách.

Sự trở về của các anh đã khiến người dân tràn đầy cảm xúc. Không chỉ thế, những giọt nước mắt mỏi mòn của người thân; những vất vả, mồ hôi, cực nhọc âm thầm bao ngày của những cuộc tìm kiếm phối hợp giữa hai nước Việt- Lào… đã hòa chung vào những bức hình, đủ sức lay động, trên những trang báo, chia sẻ mạnh mẽ trong cộng đồng mạng xã hội, đã thay cho ngàn lời nói, đón các anh về trong một ngày nắng tháng 5 miền trung đổ lửa… 

NGUYỄN THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh