Bỏ sổ hộ khẩu là đúng nhưng đừng mừng vội
- Dược liệu
- 21:26 - 08/11/2017
Bộ Công an khẳng định, theo quy định mới, chuyển từ phương thức quản lý hộ khẩu bằng giấy chuyển sang quản lý bằng công nghệ thông tin. Không thể bỏ việc quản lý con người, quản lý cư trú được.
Theo đó, người dân từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ không phải dùng CMND nữa, mà sẽ chỉ còn thẻ căn cước công dân. Trong đó, số thẻ căn cước cũng đồng thời là số định danh cá nhân. Số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.
Bộ Công an khẳng định, từ năm 2020 sẽ chuyển từ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu giấy sang quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân.
Thông tin chứa đựng trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm: Số định danh cá nhân, ảnh, họ và tên, tên thường gọi, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi sinh, quê quán, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, số CMND, nơi thường trú, nơi ở hiện tại, nhóm máu, số hộ chiếu, họ tên cha, họ tên mẹ, tình trạng hôn nhân, họ tên vợ hoặc chồng, họ tên con, ngày tháng năm mất. Như vậy, với 22 nội dung này, cơ sở số về dữ liệu cá nhân sẽ cung cấp mọi thông tin về một cá nhân từ khi họ chào đời cho tới khi mất.
Dự kiến, đến năm 2020, mỗi công dân đi đâu làm gì chỉ cần cung cấp mã số định danh cho chính quyền thì sẽ có hết thông tin chứ không cần phải cầm theo sổ hổ khẩu để xác nhận. Đó là một ưu điểm của việc bãi bỏ hộ khẩu giấy của Chính phủ.
Bộ Công an khẳng định, trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2020, tất cả thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu hay chứng minh thư nhân dân vẫn tiến hành như cũ. Kể cả đến năm 2020 khi có thẻ căn cước công dân rồi thì chứng minh nhân dân vẫn có hiệu lực, vì theo quy định của pháp luật thì chứng minh nhân dân có giá trị sử dụng 15 năm. Nếu người dân không có nhu cầu đổi thì được sử dụng chứng minh nhân dân tới khi hết thời hạn mới phải đi làm thủ tục đổi sang thẻ căn cước.
Từ nay đến năm 2020, tất cả thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu hay chứng minh thư nhân dân vẫn tiến hành như cũ.
Mặc dù người dân rất phấn khởi khi Chính phủ quyết định giảm các thủ tục hành chính theo hướng chuyển sang công nghệ thông tin. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn lo lắng sẽ bị “rườm rà” khi quản lý dân cư theo hình thức mới.
Chị Nguyễn Thùy Dung (Tây Hồ, Hà Nội) lo ngại, sẽ "mọc" ra sổ khác tương tự sổ hộ khẩu. Vì từ lâu, nhiều thứ định mức như điện, nước phải dựa vào sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Trẻ em đi học phải đúng tuyến theo sổ hộ khẩu. Đến mùa tuyển sinh đầu cấp, các trường top đầu luôn thừa lượng lớn chỉ tiêu nhưng trường top sau lại thiếu học sinh.
Đã có giáo viên đề nghị, nên lấy căn cứ là chỗ ở của học sinh để tuyển sinh các lớp đầu cấp là công bằng nhất. Kể cả những trường hợp phụ huynh học sinh không phải là chủ sở hữu ngôi nhà mà ở nhờ hoặc thuê mướn. Chỉ cần UBND phường, xã hoặc công an khu vực xác nhận học sinh có sinh sống trên địa bàn là được tuyển vào học. Riêng đối với những trường nổi tiếng, chắc chắn sẽ có nhiều phụ huynh muốn cho con em mình vào học. Trường hợp này nên xem xét các yếu tố như: Cha mẹ học sinh có làm việc ở gần trường không, bán kính là bao nhiêu thì có thể nhận vào… Tuyển sinh theo cách này có thể sẽ gây khó khăn, phiền phức cho các cơ quan chức năng nhưng đổi lại quyền lợi được học tập ở gần nhà của học sinh sẽ được bảo đảm.
Anh Phạm Đình Thế (Long Biên, Hà Nội) cho rằng, quy định mới quản lý người dân bằng mã số định danh cá nhân thì nhân dân lẫn cơ quan quản lý nhà nước đều vui mừng. Tuy nhiên, anh Thế cũng lo ngại triển khai thực hiện như thế nào trong khi quá nhiều ngành "ăn theo" sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, CMND làm tài liệu trong hồ sơ như ngân hàng, bảo hiểm y tế, các công ty bảo hiểm và cả công ty bán nhà thu nhập thấp… Chẳng hạn nhập học cho con, mua bán nhà đất, xin visa đi nước ngoài... đều yêu cầu phải có sổ hộ khẩu phô tô công chứng. Hiện tại, để đáp ứng các yêu cầu này, bất cứ lúc nào người dân cũng có thể mang sổ hộ khẩu đi công chứng được. Khi bỏ sổ hộ khẩu, nếu có sự liên thông về dữ liệu một cách đồng bộ ở tất cả các ngành, các cơ quan thì người dân sẽ thuận lợi hơn khi làm thủ tục nhưng nếu không liên thông được cơ sở dữ liệu giữa các ngành, các cơ quan thì người dân sẽ phải trải qua "đoạn trường" vất vả" nhiều hơn - sẽ phải tới cơ quan quản lý mã định danh để xin xác nhận rồi mới đi làm được các thủ tục tiếp theo.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Pha cho rằng, việc quản lý về thường trú, tạm trú qua mã số định danh cá nhân cần thực hiện theo cách thức trên cơ sở chỉ xoay quanh cái trục đã cải tiến là mã số định danh để người dân khi di chuyển từ nơi này đến nơi khác thì chỉ cần thủ tục khai báo thật đơn giản để cơ quan quản lý nắm được thôi. Đó phải là cách thức thực sự thông thoáng để không gây phiền hà cho người dân. Và khi bỏ sổ hộ khẩu rồi thì các cơ quan tổ chức, các yêu cầu phải làm hồ sơ giấy tờ cũng lập tức phải chuyển đổi theo hướng đó để không buộc người dân phải trình bày quá nhiều vấn đề về nhân thân như vẫn phải làm trước nay với những việc liên quan đến hộ khẩu.
“Vấn đề thường trú, tạm trú, tạm vắng vẫn phải quản lý nhưng những việc khác như xin việc, xin học, đăng ký xe… thì rõ ràng phải thay đổi. Đã không còn sổ hộ khẩu rồi thì không được phép đòi hòi người ta phải lo hộ khẩu nữa. Khi đó, không thể có chuyện có hộ khẩu thì được học trường này, không có hộ khẩu thì phải học trường kia, không có chuyện hộ khẩu thường trú hay chỉ là KT3, KT4…”, ông Pha nhấn mạnh.