CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:18

'Bỏ sổ hộ khẩu, chúng tôi bớt... gánh nặng'

 

Sau khi có thông tin Chính phủ đồng ý bãi bỏ quản lý dân cư theo sổ hộ khẩu, chị Nguyễn Hồng Vân, quê Hưng Yên hiện đang trú tại Khu đô thị Sài Đồng, Phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội cũng như nhiều người dân ngoại tỉnh đang sinh sống tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh trút được “gánh nặng” bấy lâu nay lo lắng: Hộ khẩu!

Chị Vân cho biết, hai vợ chồng chị cùng là dân ngoại tỉnh về Hà Nội học tập rồi ở lại Hà Nội làm việc, sinh sống. Vì là dân ngoại tỉnh nên các thủ tục hành chính ở nơi đất khách quê người của gia đình gặp không ít khó khăn.

Ra trường đi làm, gom góp hai vợ chồng mua được cái xe máy muốn đăng ký luôn ở Hà Nội cho tiện nhưng không được. Bắt buộc phải là sổ hộ khẩu ở đâu về đăng ký xe ở đó nên vòng cả đi lẫn về 200km mới đăng ký được xe.

 Sắp tới sẽ không còn hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân. 

 

 

Mặc dù hai bố mẹ tạm trú tại Hà Nội nhưng sinh con ra muốn khai sinh con tại Hà Nội thì không được. Gia đình chị Vân đành quyết định về quê nội để sinh. Ông bà muốn đăng ký khai sinh cho cháu theo hộ khẩu của bố nhưng ra xã không được chính quyền đồng ý lại phải về quê mẹ để đăng ký khai sinh cho con.

Khi con đi học, gia đình chị Vân tiếp tục gặp không ít khó khăn để con được vào học trường công. “Điều kiện gia đình không đủ để cho con học trường tư thục còn học trường ưu tiên học sinh có hộ khẩu trên địa bàn trong khi gia đình tôi chỉ có sổ tạm trú. Chờ đến lượt con mình được xét thì chỉ tiêu tuyển sinh đã hết nên gia đình “vận dụng” đủ cách để con được đến trường”, chị Vân than thở.

Con vào được trường công nhưng gia đình chị vẫn tiếp tục chịu sự “phân biệt đối xử” vì không có hộ khẩu. Gia đình phải đóng thêm khoản tự nguyện vì học trái tuyến!

Năm 2010, Hà Nội có chủ trương xây nhà xã hội bán cho người thu nhập thấp chưa có nhà ở, gia đình chị Vân nằm trong nhóm này nhưng yêu cầu bắt buộc phải có sổ hộ khẩu thường trú tại các quận nội thành của Hà Nội. Chị Vân cho hay: “Để có chỗ an cư, bắt buộc phải tìm đủ cách để có thể nhập được hộ khẩu nội thành. Tất cả các thủ tục hành chính đều cần sổ hộ khẩu nên hai vợ chồng quyết mất tiền cũng quyết nhập bằng được hộ khẩu Hà Nội. Nay bỏ quản lý dân cư theo sổ hộ khẩu, người dân bớt được gánh nặng thủ tục hành chính bấy lâu nay vẫn đề nặng chúng tôi”.

Cùng chung cảnh ngộ dân ngoại tỉnh sống tại Hà Nội, anh Nguyễn Mạnh Quỳnh quê Nam Định, sống tại phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng: “Việc quản lý người dân theo sổ hộ khẩu và chứng minh thư khiến người dân gặp nhiều khó khăn khi làm một số thủ tục hành chính. Vì thế, quản lý người dân theo mã số định danh cá nhân là phù hợp với thời đại công nghệ 4.0 và giảm phiền hà cho người dân. Tôi đi khai sinh cho con nhưng không được ghi luôn vào sổ hộ khẩu, lại phải mất công đến công an phường để vào sổ. Vì không biết thủ tục này nên khi đi làm thủ tục vào sổ hộ khẩu bị quá ngày. Công an Phường phạt tôi vì vào sổ hộ khẩu muộn, ra kho bạc nộp rồi mới được vào sổ hộ khẩu cho con, rất phiền phức”.

Việc Chính phủ quyết định bãi bỏ quy định quản lý dân cư theo sổ hộ khẩu nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân. Tuy nhiên, người dân kỳ vọng ngay sau khi bãi bỏ quyết định này thì các bộ ngành phải cùng đồng loạt vào cuộc cải cách các thủ tục hành chính phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Anh Nguyễn Đức Thân, quê ở Tuyên Quang hiện đang sinh sống tại Hà Nội cho biết, gia đình anh đã sống tại Hà Nội 10 năm nay nhưng vẫn chưa có hộ khẩu Thủ đô vì năm lần bảy lượt đi đăng ký hộ khẩu đều gặp khó khăn.

“Bao năm phấn đấu để trở thành công dân Thủ đô không được nay Chính phủ bỏ quyết định quản lý dân cư theo sổ hộ khẩu thì mừng quá. Nhưng để sổ hộ khẩu không còn hiệu lực, cần phải có sự đồng bộ về đơn giản hóa thủ tục hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước khác như: Bộ Tư pháp, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải… để người dân được đơn giản hóa các thủ tục hành chính và được hưởng các quyền lợi chính đáng mà không gặp khó khăn nào”, anh Thân chia sẻ.

Việc Chính phủ quyết định bãi bỏ quản lý công dân theo sổ hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân nhận được sự ủng hộ tích cực từ người dân. Đây là một trong những cải cách hành chính mang tính đột phá nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho người dân.

 

Theo tính toán của Bộ Công an, đầu năm 2019, dự án cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ đi vào vận hành, đảm bảo phục vụ cho công tác quản lý nhà nước. Đặc biệt, đây là căn cứ quan trọng để thực hiện lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, khắc phục tình trạng một công dân phải dùng nhiều loại giấy tờ như hiện nay. Công dân khi đến các cơ quan nhà nước để giải quyết thủ tục hành chính chỉ cần đưa ra 3 thông tin cơ bản, gồm: Họ, tên; mã số định danh và chỗ ở. Khi đó, công dân không cần xuất trình các loại giấy tờ như sổ hộ khẩu, giấy khai sinh... không phải đi chứng thực hay xác nhận của xã, phường như trước đây.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh