Thừa Thiên Huế:
Bỏ quên dịch bệnh, ngàn người chen chân xem chọi gà, đua chải tại cầu ngói Thanh Toàn
- Văn hóa - Giải trí
- 19:19 - 22/02/2022
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Trần Duy Việt, Chủ tịch UBND xã Thuỷ Thanh cho biết, “Chợ quê ngày hội” - Cầu ngói Thanh Toàn năm 2022 là một lễ hội văn hoá truyền thống, được tổ chức bên chiếc cầu mái ngói lịch sử, di sản văn hoá Quốc gia. Sự kiện đã đồng hành, góp phần vào sự thành công của các kỳ Festival Huế và Festival nghề truyền thống Huế; đồng thời góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như các sự kiện trọng đại của TX. Hương Thuỷ. Đặc biệt, lễ hội “Chợ quê ngày hội” năm nay là sự kiện chào mừng TX. Hương Thủy được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới năm 2020 và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba (lễ công bố sẽ diễn ra vào ngày thứ 5, 24/2/2022).
Đây cũng là một trong những sự kiện nằm trong chuỗi chương trình của Festival Huế bốn mùa năm 2022. Lễ hội sẽ diễn trong 5 ngày (từ ngày 21 - 25/2/2022) với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, mộc mạc mang đậm chất vùng quê nông thôn xứ cầu ngói Thanh Toàn.
Với tính chất là một lễ hội nhằm giúp quảng bá du lịch cộng đồng, “Chợ quê ngày hội” năm nay tiếp tục giới thiệu đến người dân, du khách các hoạt động gắn với đời sống, sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân nông thôn, về một miền quê yên bình nằm bên bờ sông Như Ý.
Ngoài các chương trình nghệ thuật khai mạc, trong suốt 5 ngày diễn ra lễ hội, người tham gia còn được sống trong không khi sôi nổi của lễ đua chải truyền thống trên sông Như Ý, chèo thuyền trên sông, tham quan các di tích, điểm du lịch; đặc biệt được trải nghiệm các hoạt động, như: chằm nón, làm bánh, nấu rượu, xay lúa, giã gạo, bắt vịt trên hói Thanh Toàn; các trò chơi dân gian: đập om, bài chòi; thưởng thức các món ăn đậm chất dân dã, chân quê,…Du khách cũng có thể mua, trao đổi những sản vật từ lao động nông thôn, các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của TX. Hương Thuỷ và các đơn vị bạn.
Bên cạnh các mặt tích cực, chào đón sự kiện trọng đại của TX. Hương Thuỷ, lễ hội “Chợ quê ngày hội” - Cầu ngói Thanh Toàn năm 2022 cũng diễn ra trong thời điểm dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang có nhiều diễn biến phức tạp. Trong suốt thời gian từ cuối năm 2021 đến nay, số ca dương tính với SARS-CoV-2 được Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế công bố hàng ngày đều ở mức 3 con số, với rất nhiều ca F0 cộng đồng.
Tháng 10/2021, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có Hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, trong đó có nội dung: “Tại khu vực cửa vào của địa điểm tổ chức sự kiện, hoạt động dịch vụ: tổ chức đo thân nhiệt, yêu cầu người lao động, người tham dự phải khai báo y tế, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách theo quy định; bố trí biển báo quy định phòng, chống dịch; bố trí đầy đủ dung dịch sát khuẩn tay; bố trí khu vực vào đơn vị có kẻ vạch giãn cách theo quy định; kiểm soát và quản lý người vào; có biện pháp kiểm soát mật độ người vào đảm bảo quy định phòng, chống dịch.
Yêu cầu toàn bộ người tham gia tổ chức phải thực hiện “Thông điệp 5K.Yêu cầu đối với người tham dự: Thực hiện “Thông điệp 5K”, chấp hành các quy định của pháp luật về biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, các quy định của chính quyền địa phương, cơ quan y tế và Ban tổ chức; sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định để khai báo y tế theo quy định.”
Tại cuộc họp giao ban trực tuyến toàn tỉnh của Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 diễn ra ngày 21/2/2022, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã yêu cầu chính quyền địa phương các cấp tiếp tục vận hành và triển khai có hiệu quả các biện pháp chống dịch từ trước đến nay. Đặc biệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền, không để người dân chủ quan trong công tác phòng chống và điều trị dịch bệnh.
Theo quan sát của phóng viên, ngay trong sáng 22/2, hàng ngàn lượt người đã đổ về khu vực tổ chức lễ hội “Chợ quê ngày hội” - Cầu ngói Thanh Toàn năm 2022 để tham gia các hoạt động ở đây. Đặc biệt, dọc 2 bên bờ sông Như Ý, nơi diễn ra lễ đua chải truyền thống, có hàng ngàn người tập trung để theo dõi. Bên cạnh đó, tại địa điểm diễn ra lễ hội truyền thống chọi gà, trong một không gian nhỏ hẹp nhưng có tới 3 sới gà có lượng người đông đúc, đó là chưa kể một số sới còn để trống, chưa có gà đá. Những người tham gia thoải mái chen chân, đứng sát nhau, thậm chí có người không đeo khẩu trang. Họ không tuân thủ “Thông điệp 5K” như thể đang trong thời điểm không có dịch bệnh.
Có thể nói, việc tổ chức các lễ hội nhằm quảng bá du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội là nên làm. Tuy nhiên, các địa phương, Ban tổ chức cũng cần có các biện pháp phòng, chống dịch tuân theo đúng Nghị quyết của Chính phủ về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.