THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:24

Độc đáo cầu ngói 500 tuổi, đẹp nhất Việt Nam

Cầu “thượng gia hạ kiều”

Cầu Ngói được Nhà nước công nhận là Di tích kiến trúc lịch sử từ năm 1990. Khách các nơi về cầu Ngói đều rất thích vẻ đẹp vừa cổ kính lại sang trọng ấy. Các cao niên bảo, thời mới xây dựng cầu lợp bằng rơm rạ, sau mới lợp ngói nam. Cầu Ngói là một biểu tượng, từng được chọn in trên tem bưu chính. Cụ Vũ Hữu Đô, nhà gần cầu Ngói, một người am hiểu chuyện xưa bảo, xã Hải Anh xưa thuộc Quần Phương xã. Ở đây chia làm 10 giáp, từ giáp nhất đến giáp 9 chỉ dựng cầu bằng đá, kiến trúc đơn giản. Giáp thứ mười ở gần chùa, gần chợ, là chốn đô hội của tổng Quần Anh thì dựng cầu Ngói khác biệt với cầu của 9 giáp kia. Cầu ấy không chỉ phục vụ đi lại mà còn là một công trình kiến trúc đặc sắc nhất của trấn Sơn Nam Hạ xưa, mà câu ca còn nhắc: Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài.

Ngoài 4 chữ nho “Quần Phương xã kiều”, còn có các hàng câu đối.

Theo như hàng câu đối ghi trên cổng cầu, ngay từ những ngày vùng đất này được khẩn hoang, người ta đã tiến hành xây dựng cây cầu: Lê Hồng Thuận tứ tính thuỷ mưu giá ốc biệt thành giang thượng lộ/Hoàng Khải Định thất niên trùng tấp dư lương y cựu kính trung đề. Cụ Đô tạm dịch là: Đời Hồng Thuận (1509 - 1515) bốn họ tính kế dựng nhà trên cầu thành đường trên nước. Đời Khải Định thứ bảy (1922) tu sửa như cũ, từng bậc xếp nên gương. Như vậy, 500 năm trước, cây cầu Ngói nổi tiếng Nam Định đã được kỳ công xây dựng theo dáng “Thượng gia hạ kiều” - trên nhà dưới cầu. Những bậc cao niên cố lão bản địa thì gọi dáng ấy là “Thượng hạ trì” theo nghĩa nôm: Trên là nhà, dưới là sông nước.

Trải qua 500 năm tồn tại, cầu Ngói vẫn giữ nguyên dáng vẻ ban đầu. Sự cổ kính hiện diện giữa một vùng quê đang đà phát triển khiến khách lạ vừa ngạc nhiên lẫn tò mò về một vùng đất ven biển. Tại sao người xưa lại làm được cây cầu đẹp với sự tỉ mỉ, chắc chắn đến như vậy?

Cầu tựa rồng bay

Ngày nay, cầu Ngói đã trở thành một di tích đặc sắc của Nam Định. Để tránh cho cây cầu bị hư hại thời công nghiệp hóa, người ta đã dựng ở bên cạnh một cây cầu đá để mọi người đi lại. Nhưng, những người đi bộ, hầu hết không qua cây cầu mới mà muốn mình bước trên cầu cổ.

Cầu Ngói xây vào đầu thế kỷ 16.

Theo đo đạc của chúng tôi, cầu Ngói dựng trên 18 cột đá vuông mỗi cạnh 35cm xếp thành 6 hàng để gánh 6 vì và đỡ toàn bộ 9 gian nhà cầu. Trên các cột đá cắm sâu xuống lòng sông là hệ thống xà ngang, xà dọc bằng gỗ lim to chắc để đỡ các dầm và nâng sàn cầu, nhà cầu. Sàn cầu được thiết kế làm hai phần rõ rệt. Phần sàn của lòng cầu rộng 2m, gồm 66 thanh gỗ lim ghép lại nằm trên hàng dầm uốn cong, đồng thời có nhiều thanh gỗ ngắn hơn vuốt tròn cạnh tạo thành nhiều gờ nổi để khách bộ hành lên xuống đỡ bị trượt chân.  Hai bên lòng cầu là hai dãy hành lang và cũng uốn cong theo thành cầu. Phía trong hành lang cũng được ghép ván. Phía ngoài hành lang là lan can với các đố thượng, đố hạ và 162 con song. Hành lang là nơi khách bộ hành có thể dừng chân ngồi nghỉ ngơi ngắm cảnh sông nước.

Để tạo thành 9 gian nhà cầu, tất nhiên phải cần 10 vì xà cột làm theo lối kiến trúc cổ. Hệ thống xà dầm nâng chọn 40 cột cái, cột quân và cấu kiện chủ lực của nhà cầu. Các vì kèo, 36 xà dọc, thượng lương, xà ngang, xà máng trên, máng dưới, hệ thống hoành rui đều được gia công tỉ mỉ khiến bộ khung vừa cong, vừa uốn lượn, khít xà ăn mộng.

 Mái ngói nam được lợp rất khéo không bị xô, bị hở. Người thợ tài hoa xưa đã đạt yêu cầu này nhờ sáng tạo ra kỹ thuật nửa lợp, nửa xây làm cho dáng mái rất đẹp tựa con rồng đang bay. Tuy các mảng trạm khắc không nhiều và có phần đơn giản chỉ bằng các hàng soi, đường chỉ ở các vì kèo, các con bảy, hàng xà, ván bưng tạo hình con bướm. Đầu con song tạo dáng lá đề cũng thể hiện tài hoa của người thợ mộc, thợ ngõa đất Quần Anh.

Ở mỗi đầu cầu là hình đầu rồng ứng với câu ca: Nhị đầu - vô vĩ.

Đáng chú ý nhất là hình tượng cuốn thư trên hàng trụ, dưới là cửa cuốn. Cuốn thư tạo dáng mềm, lại đề 4 chữ “Quần Phương xã kiều”, tức cầu xã Quần Phương. Mỗi đầu cầu đều có 4 con nghê chầu, dáng vẻ vừa thân thuộc vừa lộ vẻ uy nghiêm, ý nghĩa ấy được dân gian hé mở trong câu: Bốn con nghê đực chầu về tổ tông.

Nho sĩ vịnh thơ

Cụ Vũ Hữu Đô ngồi bên cầu Ngói ngẫm ngợi những hàng chữ nho theo lối triện thư hai bên cổng cầu mà thấy tự hào. Trong số ấy có đôi câu đối: “Hoàng lộ phong thanh quá thử kỷ đa đề trụ khách/Giang thành dạ tĩnh du phương ứng hữu thu thư tiên”. Nghĩa là: Trên đường gió mát nhiều khách qua đây lưu lại văn thơ ca ngợi/Đi trên cầu trong đêm vắng như có nhận được sách tiên. Cụ Đô hút thêm hơi thuốc rồi gặng hỏi khách: “Anh có chịu hai câu đối ấy là hay không? “Phong thanh” đối với “dạ tĩnh”, “trụ khách” đối với “thư tiên” chữ nào chữ ấy chọi nhau chan chát. Tôi tưởng thơ đối mà đến như thế thì thật là tuyệt bút, đúng là thần cú”.

Hệ thống kèo cột bên trong nhà cầu.

Cụ Trần Phúc Khiêm, nho sĩ thời Nguyễn, người ở xã Quần Anh thì tự hào vịnh về cầu Ngói: “Ba ngả dòng sông Ngói lợp cầu/Công lao từ trước một mai đâu/Quần Anh non nước xem như vẽ/Đề cột nhà thơ cảm hứng sâu”. Còn theo ông Trần Văn Thích, Chủ tịch UBND xã Hải Anh: “Nhiều bài thơ, bài hát rất hay có viết về cầu Ngói. Ví như bài thơ “Đợi” của nhà thơ Vũ Quần Phương - người con quê hương được nhạc sĩ Huy Thục phổ nhạc rất tài tình”.

Cầu Ngói hiện nay cách chùa và chợ Lương khoảng trăm thước ta, nằm ngay trên con đường cái quan thành một cụm di tích. Khách đến cầu Ngói không chỉ để ngắm đến cái đẹp thuần khiết bên ngoài kia nữa, mà ngẫm đến cả thời xửa xưa khi cái đẹp đã hiện diện trong đời sống thôn dã những kiến trúc vốn rất mộc mạc mà sao cũng quý tộc làm vậy!. 

HẠNH NGUYÊN - THANH NGỌC/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh