Bố mẹ bé nhỏ, có “vỗ” được con cao lớn?
- Y học 360
- 00:04 - 24/09/2016
Khoa học đã chứng minh, dinh dưỡng đầy đủ và phù hợp trong 1.000 ngày đầu đời sẽ tác động sâu sắc đến sự phát triển, giúp định hình sức khỏe lâu dài của trẻ. Ảnh: P.V
Giai đoạn 1.000 ngày đầu đời
Những năm gần đây, kinh tế phát triển, chế độ dinh dưỡng cho trẻ được bố mẹ đầu tư nhiều hơn. Trẻ trong những gia đình có kinh tế khá giả được ăn nhiều thịt, cá, trứng, sữa… nhiều hơn những thế hệ trước. Nhưng rõ ràng, bằng cảm quan và bằng cả thực tế, vẫn có nhiều trẻ bé hơn so với các bạn cùng lứa tuổi của mình.
Nhiều ông bố, bà mẹ tìm đủ mọi cách để ép con ăn nhưng cân nặng và chiều cao của “cục cưng” vẫn “lẹt đẹt”. Anh Minh Tuấn (ở quận Đống Đa, Hà Nội) thì tự trào: “Mình đã phải “hy sinh đời bố để củng cố đời con”, cố gắng cày cuốc cho con ăn ngon, mặc ấm không kém ai mà con vẫn như cái kẹo. Đưa con đến trường, không chỉ con tôi mà còn gặp vài cháu kéo cái cặp mà xiêu xiêu vẹo vẹo..." Thực tế cho thấy, không chỉ con của anh Minh Tuấn nói trên có vóc dáng còi cọc hơn so với tuổi, mà nhiều trẻ còn có sức khỏe kém và tiếp thu bài thua các bạn có thể lực và trí tuệ tốt hơn.
Ước tính hiện nay, chiều cao trung bình của nam là 164,4cm, nữ là 153,4cm, thấp hơn tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 13,1cm và 10,7cm. Nghe thì có vẻ đáng giật mình nhưng rõ ràng, chiều cao của người Việt có sự liên quan mật thiết đến việc chăm sóc trẻ trong giai đoạn đầu đời, từ lúc trong bụng mẹ đến khi tròn 2 tuổi. Nhiều cha mẹ chủ quan, bỏ qua việc chăm sóc con kỹ lưỡng trong giai đoạn này đã khá chật vật với tầm vóc và sức khỏe của con sau giai đoạn 2 tuổi đến khi trưởng thành
TS. BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) cho rằng, để cải thiện tầm vóc, thể lực của thế hệ tương lai, giai đoạn 1.000 ngày đầu đời có ý nghĩa quyết định. Khoa học đã chỉ ra rằng, những năm đầu đời (0 - 5 tuổi) là ưu tiên số một. Trong đó, giai đoạn 1.000 ngày đầu đời tính từ lúc người mẹ thụ thai đến lúc trẻ 2 tuổi là giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất. Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy, về mặt phát triển trí tuệ thì đến 80% bộ não phát triển trong những năm đầu đời và nếu không được sớm "lập trình" để phát triển ngay từ giai đoạn này thì việc tác động vào những giai đoạn sau sẽ mất thời gian và tốn kém hơn rất nhiều.
Về mặt thể lực, khoa học cũng chứng minh, toàn bộ nguyên nhân thấp còi ảnh hưởng trực tiếp đến chiều cao, cân nặng của trẻ chủ yếu xảy ra ở giai đoạn trong 2 năm đầu và thậm chí ngay cả trong thời gian bào thai. “Vì vậy, muốn giải quyết được vấn đề tầm vóc, thể lực cho thế hệ tương lai, chúng ta phải tác động đặc biệt trong 9 tháng mang thai và 2 năm sau khi ra đời”, TS.BS Trần Tuấn nhấn mạnh.
Cơ hội quan trọng và duy nhất
Khoa học đã chứng minh, dinh dưỡng phù hợp trong 1.000 ngày đầu đời có ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe, khả năng học tập và tương lai của bé sau này mà không giai đoạn nào khác thay thế được.
Lúc mới sinh, thể tích não của trẻ đạt 25% so với người trưởng thành và nặng khoảng 350g. Trong 3 năm đầu đời, thể tích não phát triển đến 85% và tăng 1g trọng lượng mỗi ngày. Không chỉ não bộ, thể chất cũng có sự tăng trưởng vượt bậc. Từ một tế bào lúc thụ thai đến 500.000 tỷ tế bào, đạt gấp 5 lần cân nặng và gấp 2 lần chiều cao, so với lúc mới sinh, khi bé được 3 tuổi. Với tốc độ phát triển này, các chất dinh dưỡng cần thiết rất quan trọng để tạo thuận lợi cho sự tăng trưởng đặc biệt này.
BS Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Nhi Đồng 2) cho biết, 1.000 ngày đầu đời là giai đoạn phát triển kì diệu nhất của mỗi đứa trẻ: Phát triển đến 85% thể tích não so với lúc trưởng thành, đạt gần gấp 5 lần cân nặng và gần gấp 2 lần chiều cao, so với lúc mới sinh, khi trẻ 3 tuổi. Môi trường (gồm dinh dưỡng và lối sống) tác động đến 80% sức khỏe của mỗi người, trong khi gene chỉ tác động khoảng 20%. Ví dụ, nếu mẹ được cung cấp đủ 400mg acid folic mỗi ngày trong thai kỳ sẽ giúp trẻ giảm thiểu nguy cơ khuyết tật ống thần kinh. Hoặc trẻ được nhận đủ lượng chất sắt trong 1.000 ngày đầu đời sẽ có kết quả học tập tốt hơn ở môn đọc, viết và toán học…
Bằng phương pháp nuôi dạy con khoa học và nguồn dinh dưỡng phù hợp, trong 1.000 ngày đầu đời, người mẹ có thể giúp trẻ phát triển tối đa não bộ và trí lực, xây dựng hệ miễn dịch vững mạnh, giảm thiểu các nguy cơ bị dị ứng và mắc các bệnh không lây (như tim mạch, tiểu đường), có khả năng vượt qua bệnh tật đe dọa đến tính mạng gấp 10 lần, đạt điểm số cao hơn 4,6 lần trong học tập… Và đây cũng chính là thời điểm lý tưởng để cha mẹ có thể áp dụng các phương pháp giáo dục để phát triển ngôn ngữ, phát triển trí tuệ vận động, trí tuệ toán học, trí tuệ không gian, trí tuệ âm nhạc và khả năng tự nhận thức qua khám phá thế giới xung quanh của con mình.
Chọn “giai đoạn vàng” để kích chiều cao
Có 3 giai đoạn quyết định về chiều cao con người. Giai đoạn trong bào thai: 9 tháng mang bầu, người mẹ cố gắng tăng cân 10-12kg để trẻ sơ sinh đạt chiều cao 50cm lúc chào đời (khoảng 3 kg); giai đoạn sơ sinh đến 3 tuổi: Năm thứ nhất tăng 25cm, 2 năm kế tiếp tăng 10cm/năm; giai đoạn tuổi dậy thì (trẻ em Việt Nam là 11-13 tuổi đối với nữ và 13-15 tuổi đối với nam): Chiều cao của trẻ nữ tăng mỗi năm khoảng 6cm và trẻ nam là 7cm. Đây chính là các giai đoạn cha mẹ cần chú ý cân đối dinh dưỡng cho con.
Giai đoạn tiếp theo, chiều cao phát triển rất chậm hoặc hầu như không tăng. Sự phát triển chiều cao thường dừng lại khi nữ 20 tuổi và nam 25 tuổi.
Nghiên cứu của Tổ chức 1.000 ngày đầu đời có trụ sở tại Mỹ (website: thousanddays.org) nhận định, nếu được thụ hưởng một chế độ dinh dưỡng hoàn thiện trong 1.000 ngày đầu đời, trẻ sẽ:
- Có khả năng vượt qua các bệnh tật đe dọa đến tính mạng cao gấp 10 lần;
- Đạt điểm số cao hơn 4,6 lần;
- Có thu nhập cao hơn 21%;
- Tự xây dựng cho mình một gia đình mới khỏe mạnh hơn khi trưởng thành.
|
CÙNG CHUYÊN MỤC
Những điều cần biết để bảo vệ sức khỏe khi tập luyện ngoài trời
Tập thể dục mùa hè nhưng cũng đừng quên bảo vệ mình khỏi nắng nóng nhé. Uống đủ nước, chọn thời điểm mát mẻ, mặc đồ thoáng mát, bôi kem chống nắng, lắng nghe cơ thể và điều...
3 tháng trước
Tin nên đọc