THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:49

Cải cách tiền lương: Không đơn thuần là điều chỉnh tiền lương tối thiểu

 

Sẽ xem xét năng lực, hiệu quả công việc của công chức, viên chức để tính mức lương 

 

Dự thảo đề án về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp do Bộ Nội vụ soạn thảo đang xây dựng theo kế hoạch. Thông tin về tiến độ xây dựng Đề án này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, để khởi động Đề án này, Bộ Nội vụ đã thực hiện 3 nhiệm vụ: Trình Thủ tướng ban hành quyết định về việc thành lập Ban chỉ đạo Trung ương cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công; Trình Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công ban hành quyết định số 15 kèm theo quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo tiền lương nhà nước triển khai xây dựng dự thảo đề án về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp để trình hội nghị Trung ương 7 (tháng 4/2018) xem xét.

Trước đó, vào trung tuần tháng 4/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban chỉ đạo. Cuộc họp đã nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ (Cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo) báo cáo về Kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo trong năm 2017 và các năm tiếp theo; kế hoạch nghiên cứu và dự thảo Đề cương Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người quản lý, người lao động trong các doanh nghiệp. Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH báo cáo Đề cương Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và Đề cương Đề án cải cách chính sách ưu đãi người có công.

Tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá việc cải cách chính sách tiền lương không chỉ đơn thuần là điều chỉnh tiền lương tối thiểu mà còn là điều chỉnh hệ thống chức danh, thang, bảng lương và vấn đề quan trọng nhất là cơ cấu nguồn tiền từ ngân sách để thực hiện.

Đối với chính sách người có công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đời sống người có công đã được cải thiện nhiều trong những năm qua nhưng vẫn còn nhiều người có mức sống dưới trung bình ở nơi cư trú, cá biệt có những người lâm vào tình trạng nghèo khổ.

Trong khi đó, các chính sách về bảo hiểm xã hội cũng cần tính toán, thay đổi mạnh mẽ để tăng cường tính ổn định và hiệu quả chi trả của Quỹ bảo hiểm xã hội- một lưới an sinh quan trọng của Nhà nước.

Do đây là các vấn đề khó và phức tạp, Phó Thủ tướng đề nghị Ban chỉ đạo, các bộ tích cực hoàn thiện Đề án, tổ chức tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến về các Đề án, kể cả hội thảo trong nước và ngoài nước. Đặc biệt tận dụng ý kiến của các chuyên gia đã về hưu nhưng am hiểu sâu sắc về thực tiễn và các quá trình hình thành chính sách. "Cần tập trung phân tích những bất cập của chính sách tiền lương hiện nay sau gần 15 năm áp dụng. Trả lời câu hỏi tiền lương đã tạo động lực cho người lao động chưa? Đảm bảo tối thiểu chưa? Quan hệ tiền lương trên thị trường lao động như thế nào, hệ thống thang bảng, bậc lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, với lực lượng vũ trang hiện ra sao?", Phó thủ tướng gợi ý.

 

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân:

Tiền lương phải trở thành nguồn thu nhập chính của người làm công ăn lương

Mới đây, phát biểu tham luận về một số tồn tại và hướng cải cách chính sách tiền lương trong thời gian sắp tới tại Hội thảo “Xu hướng phân phối thu nhập và tiền lương trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng”, ông Phạm Minh Huân- Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia cho biết, trong lịch sử nước ta đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương vào các năm 1960, 1985, 1993, 2004. Mỗi lần cải cách đều có mục tiêu và yêu cầu phù hợp với từng thời kỳ nhưng nhìn chung đều hướng đến tăng tiền lương và đảm bảo cân đối vĩ mô của quốc gia hay khả năng của doanh nghiệp, gắn tiền lương với năng suất và hiệu quả làm việc, tiền lương phải trở thành nguồn thu nhập chính của người làm công ăn lương.

GIANG ĐÔNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh