THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:16

Bộ GD&ĐT kiểm tra hoạt động dạy học trực tiếp tại các địa phương

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thăm lớp học tại Trường Tiểu học Minh Tân (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng).

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thăm lớp học tại Trường Tiểu học Minh Tân (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng).

Đoàn Kiểm tra do Bộ trưởng Bộ G&DĐT Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu đã tiến hành kiểm tra các cơ sở giáo dục và làm việc với UBND TP Hải Phòng. Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao sự mạnh mẽ, dứt khoát của Hải Phòng trong việc cho học sinh trở lại trường học tập trực tiếp theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

Khi học sinh phải học trực tuyến kéo dài, TP đã có những quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cho việc dạy và học. Khi đưa học sinh quay trở lại trường học, TP đã có ý kiến chỉ đạo thống nhất sớm, chính vì vậy, một số trường không đợi tới sau Tết mà trước Tết Nguyên đán đã cho học sinh tới trường.

Trước đó, Đoàn đã đến khảo sát thực tế tại Trường Tiểu học Minh Tân, Trường THCS Kênh Giang, Trường THPT Ngô Quyền. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận sự quyết tâm cũng như công tác triển khai các điều kiện để mở cửa trường học. Ngoài lưu ý nhà trường cần tiếp tục trạng thái bình thường mới trên tinh thần không lo lắng thái quá nhưng cũng không chủ quan để có sự ứng phó tốt nhất. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn các thầy cô giáo sẽ trao đổi, hỗ trợ để các em học sinh có thái độ bình tĩnh; lấy hiểu biết, kiến thức về các kỹ năng phòng chống dịch làm đầu để tránh hoang mang, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Còn tại Trường THPT Ngô Quyền, Bộ trưởng đề nghị nhà trường cần cố gắng chăm lo cho học sinh lớp 12 để các em có được kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả tốt nhất. Ngoài ra, nhà trường cũng cần tập trung chuẩn bị các điều kiện thật tốt cho việc triển khai dạy lớp 10 trong năm học tới, nhất là việc tập huấn giáo viên và lựa chọn sách giáo khoa.

Tại Thái Nguyên, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn ghi nhận và đánh giá cao công tác chủ động của các trường thành viên nói riêng và Đại học Thái Nguyên nói chung. “Ở đây có sự chỉ đạo thống nhất và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính quyền địa phương. Các trường thành viên có sáng kiến, sáng tạo, linh hoạt trong việc đón sinh viên và tổ chức đào tạo sau khi sinh viên trở lại trường học tập trung; trong đó có việc các trường xây dựng thành đề án, với những kịch bản, phương án chi tiết khi có tình huống F0”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn và đoàn công tác kiểm tra tại trường Đại học Thái Nguyên.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn và đoàn công tác kiểm tra tại trường Đại học Thái Nguyên.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị Đại học Thái Nguyên và các trường thành viên cần thể hiện quyết tâm cao hơn và mạnh dạn hơn nữa trong việc đón học sinh trở lại trường. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức các lớp học hiệu quả.

“Quyết tâm đưa sinh viên trở lại trường, nhưng không được chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch. Các trường cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, để địa phương coi sinh viên như là cư dân của mình; từ đó cùng với nhà trường có trách nhiệm hỗ trợ sinh viên, nhất là xử lý một số tình huống lây nhiễm Covid-19 (nếu có)”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Đồng thời đề nghị, khi sinh viên trở lại học tập trung, các trường cần liên hệ với chính quyền địa phương để có thể tổ chức tiêm mũi 2, 3 cho sinh viên, sớm đưa đời sống, học tập trở lại bình thường.

Tại Hưng Yên, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao sự phối hợp trong công tác chuẩn bị để đón học sinh trở lại học tập trực tiếp sau thời gian dài tạm dừng đến trường để phòng chống dịch bệnh COVID-19.

“Thời gian qua, các nhà trường đã phải chuyển từ dạy và học trực tiếp sang trực tuyến, mặc dù đạt kết quả là duy trì thói quen học tập cho học sinh và đảm bảo chương trình, kế hoạch năm học; tuy nhiên, phương thức học tập trực tuyến không thể hiệu quả bằng phương pháp học tập trực tiếp ở bậc học mầm non và phổ thông”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ kiểm tra trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại trường THCS Lê Lợi, TP Hưng Yên.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ kiểm tra trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại trường THCS Lê Lợi, TP Hưng Yên.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý, để đảm bảo an toàn nhất khi đưa học sinh đi học trở lại, mỗi trường phải có phương án, kịch bản riêng; phương án cần thể hiện được các tình huống nếu không may có học sinh, giáo viên mắc COVID-19. Trong các kịch bản, phương án cần phân rõ trách nhiệm của từng khâu, từng cá nhân để khi cần có thể xử lý tình huống một cách nhanh nhất.

Cùng với đó, các nhà trường cũng cần chuẩn bị cơ sở vật chất phòng, chống dịch một cách tốt nhất, tạo lòng tin cho phụ huynh học sinh khi đưa con em mình đi học trở lại. Sở Y tế cần có kế hoạch ưu tiên vắc-xin để tiêm đủ theo hướng dẫn cho giáo viên và học sinh. Cố gắng đến mức cao nhất không để vì học sinh đến trường mà phát sinh ổ dịch.

Tại Bình Dương và Đồng Nai, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá rất cao tinh thần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT, các sở, ngành liên quan, các địa phương trong việc duy trì dạy và học trong thời gian xảy ra đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư trong thời gian qua.

Đồng Nai và Bình Dương đã có sự chủ động và linh hoạt trong việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GD&ĐT về mở cửa lại trường học, nhất là việc đã mạnh dạn mở cửa lại trường học từ sớm và hiệu quả, dù gặp áp lực khá lớn.

Liên quan đến xử lý tình huống phát sinh dịch bệnh khi học sinh trở lại trường, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị Sở GD&ĐT phải phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong xử lý như, đảm bảo ổn định dạy và học; tiếp tục bám sát chương trình giáo dục phổ thông mới đảm bảo chất lượng hiệu quả, củng cố kiến thức cho học sinh khi trở lại trường trước khi dạy chương trình mới, đảm bảo chất lượng và kế hoạch năm học 2021-2022.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất tại Trường Tiểu học Tân Tiến (Đồng Nai).

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất tại Trường Tiểu học Tân Tiến (Đồng Nai).

Tại An Giang và Kiên Giang, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã chủ trì buổi kiểm tra theo hình thức trực tuyến. Đánh giá cao công tác chuẩn bị khẩn trương, chu đáo và quyết tâm của hai tỉnh, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng hai địa phương đã thể hiện cách làm thận trọng đó là tổ chức đưa học sinh đi học trở lại dần dần, chắc chắn, có sự rút kinh nghiệm để đảm bảo an toàn tốt nhất cho các em học sinh. Cơ sở vật chất cho phòng, chống dịch bệnh tại các trường học được đảm bảo.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, việc đưa học sinh đi học trực tiếp trở lại là trách nhiệm của các cấp chính quyền, các thầy giáo, cô giáo và toàn thể xã hội. Muốn trường học an toàn thì ngành Giáo dục không thể tự mình làm được mà phải có sự phối hợp của ngành y tế và các ban, ngành liên quan. Sự phối hợp của các ban, ngành và phụ huynh học sinh là điều kiện căn cốt để đưa học sinh trở lại học tập trực tiếp. Đưa học sinh đi học trở lại phải trên tinh thần khoa học - thực tiễn - an toàn.

Đồng thời, lưu ý các nhà trường phải quan tâm tới việc nắm bắt tâm lý học sinh khi các em đi học trực tiếp trở lại. Khi học sinh quen với hình thức học trực tuyến trong một thời gian dài, giờ chuyển sang học trực tiếp thì phải có nội dung và hình thức giảng dạy phù hợp để chuyển trạng thái cho các em. Cùng với đó, cần tăng cường các hình thức truyền thông để tạo sự yên tâm cho cha mẹ học sinh khi đưa các con đi học trở lại.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp chiến thắng dịch bệnh và đảm bảo an toàn trường học là tư tưởng, tinh thần, thái độ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn lưu ý, cần ứng phó với dịch bệnh một cách bình tĩnh, không hoảng hốt và thể hiện rõ sự hiểu biết. Sự thống nhất, đồng thuận cao giữa nhà trường và gia đình là yếu tố quan trọng, bởi khi phụ huynh đồng thuận, hiểu biết, phối hợp thì nếu có phát sinh ca bệnh trong trường học cũng phối hợp cùng nhà trường xử lý hiệu quả hơn.

Trong ứng phó với dịch bệnh và xử lý tình huống, cần tránh cả hai trường hợp: Chủ quan, lơ là hoặc căng thẳng quá mức. Thời gian qua, không ít nơi do căng thẳng quá mức đã đưa ra một số phương pháp đảm bảo an toàn gây bức xúc cho phụ huynh. Động viên tinh thần cho cả thầy và trò là việc cần làm khi mở cửa trường học.

THANH HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh