Bộ GD-ĐT: Thời gian kết thúc năm học năm nay có thể sẽ muộn hơn ngày 31/5 nếu phải nghỉ dài phòng dịch Corona
- Giáo dục nghề nghiệp
- 00:45 - 06/02/2020
Với tình hình virus Corona đang có những diễn biến phức tạp và nguy hiểm như hiện nay, theo thông tin từ Bộ Y tế, cho đến 11h00 ngày 5/2, thế giới hiện có 24.553 người mắc và 492 trường hợp tử vong vì dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra. Hiện dịch bệnh đã lan ra nhiều thành phố của Trung Quốc cũng như ghi nhận trường hợp mắc tại 27 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Chiều ngày 4/2, tại Việt Nam đã ghi nhận trường hợp thứ 10 dương tính và đang cách ly theo dõi 78 ca nghi nhiễm virus nCoV
Tính đến 16h30 ngày 3/2/2020, theo báo cáo của Vụ Giáo dục đại học, trong 239 cơ sở đào tạo đã báo cáo, có 105 cơ sở đào tạo đã điều chỉnh lịch nhập học cho sinh viên lùi lại đến hết ngày hoặc sau ngày 10/2/2020. Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay, hiện nay Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn các sở GD-ĐT chỉ đạo các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học bù cho học sinh sau đợt tạm nghỉ học phòng dịch. Kế hoạch dạy bù căn cứ vào khung thời gian năm học theo quyết định 2071/QĐ-BGDĐT.
Theo đó các nhà trường có thể bố trí học bù vào buổi thứ hai (sau buổi học chính khóa), học bù vào thứ bảy, chủ nhật và sử dụng tuần đệm trong thời gian năm học để điều chỉnh lịch dạy học, kiểm tra đánh giá thường xuyên đối với học sinh. Còn nếu trong trường hợp đặc biệt có thể kéo dài thời gian kết thúc năm học. Cụ thể, quy định kết thúc năm học trước 31/5 nhưng nếu học sinh phải nghỉ dài vì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra trong trường học thì năm học sẽ kết thúc muộn hơn.
Trong khung thời gian năm học, lịch xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp THCS trước ngày 15/6 nhưng khi cần thiết có thể lùi lịch này sau 10 ngày. Kỳ thi THPT quốc gia theo dự kiến tổ chức cuối tháng 6 nên có thể sẽ không ảnh hưởng.
"UBND cấp tỉnh sẽ quyết định việc nghỉ học của các địa phương, căn cứ vào tình hình thực tế và khuyến cáo của tổ chức y tế. Bộ GD-ĐT luôn ưu tiên việc đảm bảo sức khỏe của học sinh. Nhưng trước diễn biến dịch bệnh hiện nay, mỗi người cần bình tĩnh, tỉnh táo, chủ động ứng phó. Nếu dịch bệnh trong tầm có thể kiểm soát thì học sinh có thể trở lại trường.
Bộ GD-ĐT đề nghị các nhà trường phải sẵn sàng đón học sinh trở lại trong môi trường tốt nhất, có kế hoạch phòng ngừa dịch cụ thể. Trong đó, đảm bảo thực hiện triệt để các nguyên tắc: học sinh đi học đeo khẩu trang (cho tới khi công bố hết dịch bệnh) và rửa tay trước khi vào lớp, sau giờ giải lao, giờ ăn…Trong các phòng học đảm bảo sạch sẽ, được khử khuẩn định kỳ.", chia sẻ với Tuổi trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết.
Theo ông Nguyễn Hữu Độ, việc học sinh tạm nghỉ học 1 tuần cũng có ưu điểm là các nhà trường có thời gian để áp dụng các biện pháp phòng dịch, khử khuẩn, vệ sinh trường, lớp, thiết bị dạy học để ngăn ngừa dịch bệnh nói chung, virus corona nói riêng. Đồng thời, Bộ GD-ĐT vẫn cập nhật thông tin từ các địa phương hằng ngày, phối hợp với các ban ngành có phương án xử lý trong các tình huống cụ thể. Bộ cũng sẽ thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất công tác phòng dịch bệnh ở một số cơ sở giáo dục.
Trước đó, Bộ GD&ĐT cũng đã có công văn nêu rõ các cơ sở giáo dục cần tuyên truyền cho trẻ em, học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên, cán bộ, nhân viên nhà trường về dịch bệnh và các biện pháp phòng bệnh, cách thức tự theo dõi sức khỏe, khai báo khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh; đeo khẩu trang khi tới chỗ đông người hoặc khi tiếp xúc với người có biểu hiện sốt, ho.
Triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch như: Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc nước khử khuẩn ở ký túc xá, thực hiện vệ sinh, tẩy trùng trường lớp và các thiết bị dạy học. Chủ động, phối hợp chặt chẽ với sở Y tế địa phương quản lý tốt sức khỏe học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên, cán bộ, nhân viên nhà trường, nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để có giải pháp điều trị.
Quản lý chặt chẽ lưu học sinh nước ngoài, yêu cầu thực hiện các biện pháp kiểm tra y tế hoặc xuất trình kết quả kiểm tra y tế để đảm bảo an toàn; trong trường hợp cần thiết cần phải cách ly và có biện pháp theo dõi, chăm sóc đặc biệt theo đúng khuyến cáo của WHO và chỉ đạo chuyên môn của ngành Y tế. Thông báo kịp thời tình hình dịch bệnh đến giảng viên, sinh viên; việc điều chỉnh lịch học và tổ chức sắp xếp để các sinh viên phải vắng mặt vì lý do bất khả kháng được học bù đảm bảo chương trình đào tạo.