CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:07

Bộ GD-ĐT nói gì về cách đánh vần “lạ”?

 

Cụ thể, theo nội dung clip được chia sẻ, giáo viên này đang đứng trên bục giảng, hướng dẫn các vị phụ huynh dạy con em mình đánh vần các từ “k”, “qu” theo chương trình mới đều phải đọc là “c”, hay thay đổi cách đánh vần của các từ “iên”, “uôn”.

Clip đăng tải ngay lập tức gây xôn xao dư luận, thu hút hàng triệu lượt xem, hàng trăm nghìn lượt chia sẻ và bình luận. Đa số ý kiến đều bày tỏ sự hoang mang và lo ngại không biết đây thực sự có phải là chương trình giáo dục mới được áp dụng không.

Theo tìm hiểu của giáo viên, đây là cách đánh vần theo chương trình sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học (GS.TSKH) Hồ Ngọc Đại. Trong khi nhiều phụ huynh cũng tỏ ra không bất ngờ với cách đánh vần này, trong khi đó, một số phụ huynh khác lại không đồng tình với cách đánh vần mới này.

Bộ GD-ĐT chấp nhận cách đánh vần theo sách công nghệ giáo dục

Về vấn đề trên, đại diện Bộ GD-ĐT cũng cho biết, nhiều phụ huynh chưa quen với cách đánh vần theo sách công nghệ giáo dục của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại vì trước đây quen với cách đánh vần như chương trình đại trà hiện hành. Nhưng tài liệu Tiếng Việt 1 theo chương trình Công nghệ Giáo dục của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại thì đi theo hướng ngữ âm học và bao nhiêu năm nay đã tổ chức, triển khai dạy học như thế rồi chứ không phải năm nay mới có, thực chất không phải cái gì đó mới hay phát hiện mới lạ. Có thể với những phụ huynh thấy lạ tai nên câu chuyện mới xôn xao như vậy, chứ những năm trước đây những trường, địa phương theo chương trình này đã dạy học như vậy mà không có vấn đề gì.

Cô giáo trong đoạn clip hướng dẫn phụ huynh để có thể hỗ trợ con khi ở nhà. Thế nhưng, dạy theo chương trình Công nghệ Giáo dục thì cách đánh vần và phát âm khác với chương trình đại trà hiện hành nên khiến nhiều phụ huynh xôn xao.

Thực tế có nhiều giáo viên, phụ huynh học sinh sau khi tiếp cận chương trình này cũng đánh giá là bình thường, không vấn đề gì.

Chương trình Công nghệ Giáo dục của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại nghiêng về ngữ âm học cho nên người ta dạy theo hướng đó và Hội đồng thẩm định quốc gia của Bộ GD-ĐT đã thẩm định là không sai khi đưa ra một cách tiếp cận mới, nhưng khác hay như các phụ huynh nói là “lạ” với cách của chương trình đại trà hiện hành. Bộ GD-ĐT đã thẩm định và cũng chấp nhận phương pháp của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại, bởi cách dạy cho học sinh về chính tả, tiếp cận theo hướng ngữ âm học.

Hội đồng thẩm định quốc gia đã thẩm định và chấp nhận cho phép địa phương nào muốn thì tổ chức dạy học theo tài liệu của chương trình này. Bộ cũng không xác minh đây là trường học nào hay cô giáo nào bởi họ dạy theo yêu cầu của tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục.

Cách đánh vần tiếng Việt 1 theo sách Công nghệ giáo dục

Liên quan đến việc này, thông tin với VOV.VN, Trung tâm Công nghệ Giáo dục (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) cho biết, tại Việt Nam, có hai cách đánh vần tiếng Việt dựa theo hai bộ sách do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành. Dưới đây là cách đánh vần tiếng Việt theo sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại.

Bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục được xây dựng trên tinh thần giải pháp Công nghệ Giáo dục do GS.TSKH Hồ Ngọc Đại khởi xướng. Chương trình này được triển khai từ năm 1978 tại trường Thực nghiệm (Hà Nội), sau đó được mở rộng ra các trường tiểu học ở nhiều tỉnh thành khác.

Về quan hệ Âm – Chữ và cách đánh vần theo sách Công nghệ giáo dục được thực hiện như sau:

1. Về quan hệ Âm – Chữ

Vì sao 3 chữ c / k / q đều đọc là /cờ/?

- Nguyên tắc cơ bản nhất khi học tiếng Việt là ngay từ đầu, cần phân biệt:

Âm / Chữ - Vật thật / Vật thay thế.

Âm và Chữ khác nhau.

+ 1 âm ghi bằng 1 chữ: Âm /a/ ghi bằng chữ a; âm /bờ/ ghi bằng chữ b…

+ 1 âm có thể ghi bằng 2 chữ: Âm /gờ/ ghi bằng 2 chữ g hoặc gh theo quy tắc chính tả.

+ 1 âm có thể ghi bằng 3 chữ: Âm /cờ/ ghi bằng 3 chữ c/k/q theo quy tắc chính tả.

+ 1 âm có thể ghi bằng 4 chữ: Âm /ia/ ghi bằng 4 chữ ia/iê/yê/ya theo quy tắc chính tả.

Âm chỉ có 1. Nhưng 1 âm có thể được ghi bằng nhiều chữ theo quy tắc chính tả.

2. Về cách đánh vần

Từ xưa đến nay, có 3 cách đánh vần. Chẳng hạn với tiếng huyền.

Cách thứ nhất (từ khi có người Pháp cho đến cách mạng Tháng 8): hát-u-hu-y gờ rếch-uy-huy-ê-nờ-uyên-huyên-huyền-huyền.

2- Cách thứ hai (cải cách giáo dục): hờ-u-hu-y-ê-nờ-uyên-huyên-huyền-huyền.

3- Cách hiện đại: huyền: huyên – huyền – huyền.

 Với cách thứ 3 này, để đánh vần huyên-huyền-huyền thì:

1-      - Trước đó phải biết đánh vần tiếng thanh ngang huyên: hờ - uyên – huyên.

2-      - Trước đó nữa, phải biết vần uyên: u-yên-uyên.

3-      - Trước đó nữa, phải biết vần yên: yê-nờ-iên.

4-      - Trước đó nữa, phải biết ia/yê.

Trung tâm Công nghệ Giáo dục cũng cho biết, người học phải bắt đầu từ đầu, học từ âm, rồi đến vần, rồi đến tiếng thanh ngang, rồi đến tiếng có các thanh còn lại.

Xin nhắc lại, nguyên tắc cơ bản nhất ngay từ đầu cần phân biệt Âm và Chữ - Vật thật / Vật thay thế:

Âm là Vật thật, có trước, ngay trong cuộc sống hằng ngày của mọi người (hằng ngày, người ta nói với nhau và nghe bằng âm (Tiếng).

Chữ là Vật thay thế, có sau, phải học mới biết được. Vấn đề là học như thế nào cho đúng, cho chắc, cho lâu bền mãi mãi.

 

GS. Nguyễn Văn Lợi nguyên Phó Viện trưởng viện Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng, đây là những vấn đề, kiến thức, khái niệm của ngữ âm học và khoa học về chữ viết. Theo các tác giả của chương trình cải cách, để cho học sinh hiểu sâu về cấu tạo âm tiết tiếng Việt, từ đó phát huy sức sáng tạo của HS, có thể và cần thiết dạy cho HS lớp 1 các kiến thức, khái niệm ngữ âm học. Đây là sự khác biệt giữa chương trình cải cách và chương trình dạy tiếng Việt truyền thống.

“Tôi không thể đưa ra câu trả lời đánh giá tính đúng/sai và tính hiệu quả trong giáo dục của chương trình cải cách, dù chỉ giới hạn trong sự cái cách dạy HS lớp 1 đánh vần tiếng Việt. Bởi vì, đây là vấn đề khoa học, cần thận trọng trong đánh giá. Được biết chương trình cải cách đã được thực nghiệm mấy chục năm, nhưng đến nay, vẫn chưa có kết luận cuối cùng về tính đúng/sai, tính hiệu quả của những cải cách trong chương trình nói chung và về phương pháp dạy tiếng Việt nói riêng. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu và thông cảm với những lo lắng của phụ huynh”, GS. Lợi nói.

“Thậm chí hoang mang của nhiều phụ huynh, khi xem clip cải cách cách đánh vần tiếng Việt. Họ lo rằng cách dạy đánh vần tiếng Việt như clip trình chiếu sẽ được/bị đưa vào sách khoa lớp 1 sắp tới. Năm nay tôi có cháu nội vào học lớp 1, tôi cũng băn khoăn nếu cháu tôi phải học cách đánh vần cải cách như clip. Phần lớn phụ huynh chưa được biết đến chương trình cải cách, chưa hiểu các khái niệm, kiến thức sâu về ngữ âm học. Họ không khỏi lo lắng, hoang mang khi năm học sắp đến con cháu họ - những đứa trẻ vừa mới rời lớp mẫu giáo phải học những kiến thức khó mà đến họ cũng không biết”, GS. Lợi nói thêm.

Nguyên Phó Viện trưởng viện Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết, ông đã đem những băn khoăn thắc mắc trao đổi với GS. Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông. GS Thuyết khẳng định rằng, trong chương trình tiếng Việt lớp 1 không áp dụng những cải cách cách đánh vần tiếng Việt như clip trình chiếu. Chương trình tiếng Việt vẫn theo phương pháp truyền thống, tập trung dạy học sinh các kĩ năng đọc-viết, nghe-nói, không dạy các kiến thức, khái niệm chuyên sâu về ngữ âm học, khiến các vị phụ huynh lo lắng, hoang mang.

P.V (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh