Bộ Công Thương lo ôtô nhập khẩu tăng "thần tốc" lấn át xe lắp ráp Việt
- Huyệt vị
- 12:29 - 08/09/2019
Bộ Công Thương vừa có báo cáo về thị trường ôtô Việt Nam sau khi Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) có hiệu lực, gửi Thủ tướng Chính phủ. Hiệp định ATIGA có hiệu lực năm 2010 và có tác động lớn đến thị trường ôtô Việt.
Về tình hình sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ôtô đến 30/6/2019, Bộ Công Thương đã cấp 46 giấy phép kinh doanh nhập khẩu ôtô cho doanh nghiệp, trong đó có 30 doanh nghiệp Việt Nam và 16 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
36 giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ôtô cho 29 doanh nghiệp, trong đó có 2 cấp đổi, Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải 6 giấy, Tập đoàn Thành công 3 giấy.
Xe nhập tăng chóng mặt, xe sản xuất trong nước chững lại
Về nhập khẩu ôtô, Bộ Công Thương cho biết, năm 2018 lượng nhập khẩu đạt 81.609 chiếc trị giá 1,8 tỷ USD, giảm 16% về số lượng và 19,8% về trị giá so với năm 2017.
6 tháng năm 2019, số lượng ôtô nhập khẩu đạt 75.438 chiếc trị giá 1,68 tỷ USD, tăng 513% về số lượng và 413% về giá trị.
"Sau khi Nghị định 116 của Chính phủ có hiệu lực, việc nhập khẩu ôtô bị chững lại trong các tháng đầu năm 2018, từ tháng 6/2018 nhiều doanh nghiệp đã được cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu ôtô, đã được phía nước ngoài cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô (VTA) và được Bộ Giao thông Vận tải chấp nhận nên nhập khẩu ôtô đã gia tăng rất mạnh. Từ tháng 8/2018 đến tháng 6/2019, nhập khẩu ôtô đạt bình quân 12.570 chiếc/tháng, cao hơn mức trung bình năm 2017 là 8.000 chiếc/tháng", báo cáo nêu.
Dự báo với tốc độ nhập khẩu như các tháng vừa qua, Bộ Công Thương cho rằng lượng nhập khẩu xe, đặc biệt là các loại xe con sẽ tiếp tục tăng mạnh, duy trì ở mức cao trong những năm tiếp theo.
Trong khi đó, sản xuất, lắp ráp ôtô lại chững lại. Năm 2017, sản lượng lắp ráp là 258.733 chiếc trong khi năm 2018 giảm xuống chỉ còn 258.116 chiếc. 6 tháng năm 2019, lượng xe lắp ráp đạt 131.089 xe.
Trong tương quan về sản lượng giữa xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu trong trung và ngắn hạn thay đổi theo chiều hướng tăng về số lượng xe sản xuất, lắp ráp, tỷ lệ 258.733/103.338 tức 2,5 lần trong năm 2017, năm 2018 tăng lên 3,72 lần do Nghị định 116 tác động khiến thị trường xe nhập khẩu giảm sút. 6 tháng năm 2019 tỷ lệ này giảm xuống 1,74 lần do số xe nhập khẩu tăng vọt.
"Ưu thế này sẽ không giữ được lâu nếu như sản xuất trong nước không nỗ lực tăng cường chất lượng, hạ giá thành sản phẩm để tăng tính cạnh tranh nhất là việc cạnh tranh với các nước trong khu vực ASEAN do được hưởng ưu đãi thuế quan.
Tỷ trọng của xe sản xuất, lắp ráp so với xe nhập khẩu trong thời gian tới có xu hướng giảm, qua đó cần phải có các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước phát triển, đặc biệt từ năm 2018 các xe nhập khẩu từ ASEAN thuế về 0%", Bộ Công Thương cho hay.
Nghị định 116: Vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia?
Theo Bộ Công Thương, ATIGA đã xoá bỏ rào cản thuế quan đối với thương mại hàng hoá nội khối ASEAN. Đến thời điểm 2018, ASEAN 6 gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines, Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam đã xoá bỏ 99% tổng số dòng thuế nhập khẩu hàng hoá.
Đối với mặt hàng ôtô, Việt Nam cam kết thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ôtô nguyên chiếc từ các nước ASEAN là 0% từ đầu năm 2018. Thuế suất nhập khẩu với các linh kiện ôtô cũng được giảm xuống mức 0% đi kèm điều kiện về sản lượng nếu các hãng sản xuất xe muốn được hưởng ưu đãi nhập khẩu trên.
Hiện nay các nước cho rằng Việt Nam sau khi thực hiện gộp các dòng xe CKD và dòng thuế 0% đã lựa chọn đánh dấu CKD trong biểu thuế có thể làm xói mòn ưu đã thuế quan. Do đó, tại cuộc họp Uỷ ban điều phối ATIGA giữa năm 2018, Việt Nam đã giải thích rằng không còn áp dụng thuế nhập khẩu dưới dạng bộ linh kiện CKD mà sẽ áp dụng thuế suất nhập khẩu theo từng linh kiện, phụ tùng ôtô.
Chính sách về CKD đã nhiều năm và chưa có nhà xuất khẩu nào của ASEAN gặp khó khăn khi xuất khẩu bộ linh kiện CKD sang Việt Nam. Trên thực tế, tất cả các dòng thuế đối với linh kiện, phụ tùng ôtô đều đã giảm về 0%.
Về phản ứng của nước với Nghị định 116 của Chính phủ Việt Nam siết chặt việc nhập khẩu ôtô, theo Bộ Công Thương, một số nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và các thành viên WTO khác như Mỹ, Nhật, EU đã nêu quan ngại về Nghị định này tạo ra thêm thủ tục, cản trở cho các doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu mặt hàng ôtô vào thị trường Việt Nam cũng như vi phạm nguyên tắc đối xử quốc qua tại một số cuộc liên quan.
Cụ thể là vấn đề kiểm tra theo lô và giấy chứng nhận VTA trong khi ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước không bị yêu cầu như vậy là vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia.
"Trong khuôn khổ ASEAN, đại diện Bộ Công Thương đã giải thích quá trình lắp ráp, sản xuất xe ôtô trong nước cũng phải tuân thủ quy trình kiểm tra, giám sát chất lượng bởi các cơ quan chức năng và từng chiếc xe đều phải tuân thủ quy trình kiểm tra trước khi được lưu thông thị trường, do đó Nghị định 116 không tạo ra phân biệt đối xử giữa ôtô nhập khẩu và ôtô sản xuất trong nước", Bộ Công Thương cho hay.
Bộ này cũng khẳng định kiểm soát chất lượng xe nhập khẩu để đảm bảo quyền lợi người dùng. Các doanh nghiệp đã chú tâm đến bảo dưỡng, bảo hành ôtô. Chẳng hạn, Honda Việt Nam số xe tại các cơ sở bảo hành tăng 61%, Thaco tăng 33% và Hyundai Thành Công tăng 120%.