Bình Thuận: Hiệu quả từ các mô hình, chính sách giảm nghèo
- Dược liệu
- 18:31 - 16/12/2017
Mô hình giảm nghèo nuôi gà thả vườn
Mô hình nuôi gà thả vườn tại xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc được Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Thuận ký hợp đồng chuyển giao kỹ thuật với Trạm Khuyến nông huyện Hàm Thuận Bắc thực hiện mô hình, với quy mô 700 con gà, 20 hộ nghèo tham gia (35 con gà/hộ), hộ nghèo được hỗ trợ 100% giống, thức ăn và hướng dẫn chăm sóc, phòng bệnh... với kinh phí thực hiện là 80 triệu đồng. Thời gian thực hiện mô hình từ tháng 9 đến 12/2016. Trong quá trình thực hiện mô hình, cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện Hàm Thuận Bắc thường xuyên phối hợp với cán bộ nông nghiệp xã Đông Giang theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn bà con cách ủ ấm gà, chăm sóc và phòng bệnh gà..
UBND xã Đông Giang đã tổ chức hội nghị quán triệt chủ trương xây dựng mô hình giảm nghèo đến cán bộ, đảng viên và hộ nghèo trên địa bàn xã. Triển khai xét chọn 20 hộ nghèo tham gia mô hình đảm bảo có lao động, nhu cầu chăn nuôi và chỉ đạo triển khai thực hiện mô hình theo đúng quy trình, kỹ thuật do Trạm Khuyến nông hướng dẫn.
Trước khi giao gà cho các hộ nghèo, cán bộ kỹ thuật đã trực tiếp đến từng hộ để kiểm tra hướng dẫn về lồng úm gà, kỹ thuật úm gà, cho ăn, cách sử dụng thuốc phòng bệnh trong giai đoạn úm và thiết kế chuồng trại chăn nuôi, trong quá trình thực hiện đã tổ chức 2 lần tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà cho hộ nghèo. Định kỳ hàng tuần, cán bộ kỹ thuật theo dõi kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật phòng bệnh gà cho hộ nghèo, ghi lại số liệu và tình hình phát triển của gà để kịp thời phòng bệnh.
Mô hình trồng cây thanh long, một loại cây chủ lực ở Bình Thuận đã giúp nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Thuận, kết quả thực hiện dự án cho thấy, tỷ lệ sống của gà đạt 95% so với mô hình đặt ra là 98%, bình quân mỗi con gà nặng 1,7kg. Chất lượng thịt ngon, hợp thị hiếu người tiêu thụ, được thị trường chấp nhận, khi giá gà Tết bình quân 120.000 đồng/kg thì bà con hộ nghèo bán ra khoảng 204.000 đồng/con, tổng thu nhập của hộ khoảng 6.732.000 đồng/hộ góp phần ổn định cuộc sống cho bà con hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt là các hộ nghèo được nâng cao kiến thức về chăn nuôi gia cầm có hiệu quả kinh tế cao, do vậy mô hình nhận được sự đồng thuận cao của hộ nghèo nên rất dễ được nhân rộng. Hộ nghèo được hưởng lợi từ mô hình đã đúc kết kinh nghiệm trong chăn nuôi, biết cách lựa chọn giống gà thích nghi với điều kiện địa phương và phương pháp chăm sóc có hiệu quả. Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn xã Đông Giang từ 37,31% đầu năm 2016 xuống còn 29,56% vào cuối năm 2016.
Đến “Bò 04”
Cùng với đó, các địa phương tiếp tục nhân rộng các mô hình giảm nghèo đã triển khai có hiệu quả như: Thâm canh cây lúa nước tại 2 xã Sông Bình (Bắc Bình), Măng Tố (Tánh Linh); trồng cây bắp lai tại xã La Dạ (Hàm Thuận Bắc). Qua triển khai, mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, năng suất lúa tăng từ 56 tạ/ha lên 63 tạ/ha, thu nhập tăng lên 4,7 triệu đồng/ha. Ngoài ra, có thể kể thêm một số mô hình hiệu quả được nhân rộng trên địa bàn tỉnh như: Nuôi gà an toàn sinh học, nuôi heo sinh sản hướng nạc, khai thác cá chình bằng lồng bẫy... Ngoài ra, các hội, đoàn thể đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế giúp nhau thoát nghèo như: Hội Nông dân có mô hình VAC, “1 hộ giàu giúp 2 đến 3 hộ nghèo”. Hội Phụ nữ có mô hình “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình”, “Tổ tín dụng tiết kiệm”. Hội Cựu chiến binh có mô hình “Mái ấm đồng đội”. Đoàn thanh niên có mô hình “Thanh niên lập thân, lập nghiệp”...
Dự án phát triển cộng đồng tại 14 xã, thị trấn ở huyện Tánh Linh thực hiện trong 5 năm qua cũng đem lại nhiều kết quả tích cực cho các hộ nghèo. Thông qua đơn vị tài trợ chính là tổ chức Mê Kông Plus của Pháp, Trung tâm Hỗ trợ và phát triển cộng đồng Thiện Chí phối hợp với huyện triển khai hiệu quả 7 chương trình trong khuôn khổ dự án với tổng vốn thực hiện 4,9 tỷ đồng. Với chương trình hỗ trợ hộ khó khăn, hơn 1.100 lượt hộ được trung tâm tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, cho vay vốn 2 - 4 triệu đồng/hộ không lãi suất trong 3 năm đầu phát triển kinh tế gia đình. Dự án góp phần cùng địa phương giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 7,3% xuống còn 4,78%. Cùng với đó, dự án còn hỗ trợ các chương trình khác như giáo dục sức khỏe (y tế học đường, giáo dục hòa nhập, y tế cộng đồng), nông nghiệp, vệ sinh môi trường, tạo việc làm, phúc lợi, trao máy vi tính, học bổng. Theo ông Giáp Hà Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh, dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nghèo trong vùng, đồng thời đề nghị ban điều hành dự án mở rộng tìm kiếm nguồn vốn tài trợ, nâng mức cho vay đối với hộ khó khăn, tiếp tục duy trì 7 chương trình đã thực hiện từ trước đến nay trong 5 năm tiếp theo.
Ông Vòng Lập Sườn (dân tộc Tày) vay 5 triệu đồng từ phòng giao dịch Bắc Bình, Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, đến nay gia đình ông có trên 11 con bò. Nhờ vậy ông đã thoát nghèo bền vững.
Đặc biệt, chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo vay vốn nuôi bò rất hiệu quả mà người dân ở đây đã đặt cho cái tên rất thân thương là “Bò 04”. “Bò 04” là tên gọi xuất phát từ Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận về phát triển toàn diện dân sinh kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thực hiện hơn 10 năm và đã có nhiều kết quả.
Từ Nghị quyết 04 này, ở Bắc Bình, phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp 1.315 hộ vay vốn mua 1.593 con bò với số tiền 7,926 tỷ đồng. Nhiều hộ nuôi bò cái đã nhân giống tăng từ 5 đến 10 con, không chỉ thoát nghèo mà đã trở thành hộ khá. Bà Đặng Thị Mộng Oanh (SN 1968), dân tộc Chăm ở thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, năm 2003 vay 20 triệu đồng mua con bò cái. Đến nay bà đã có trên 15 con bò, bán hơn nửa số bò và xây được nhà, số tiền còn dư tiếp tục đầu tư sản xuất... Ông Vòng Lập Sườn, dân tộc Tày cùng thôn với bà Oanh cũng vay tiền từ phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Bắc Bình mua con bò cái, đến nay gia đình ông cũng có trên 15 con. Mỗi năm gia đình ông bán bò trang trải sinh hoạt và đầu tư vào sản xuất nông nghiệp... Từ 1.593 con bò giống đầu tiên người dân vay, đến nay lượng bò này đã sinh sản “cấp số nhân” lên hàng chục ngàn con, giúp các hộ vay thoát nghèo. Hầu hết các hộ vay “bò 04” ở Bắc Bình đều nuôi có lãi nên đã trả hết nợ cho phòng giao dịch. Chương trình “bò 04” từ nghị quyết của Tỉnh ủy Bình Thuận về phát triển dân sinh kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thực sự là “cần câu” giúp hàng ngàn hộ thoát nghèo. Nhiều hộ đồng bào dân tộc Chăm, Tày... nhờ “bò 04” không chỉ thoát được nghèo mà còn tích lũy và nhân rộng đồng vốn để vươn lên thành hộ khá.
Việc xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình kinh tế nông lâm nghiệp có hiệu quả bền vững là nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước về nguồn lực đối với các xã khó khăn. Năm 2017, từ nguồn kinh phí Trung ương, tỉnh đã hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo con giống, cây trồng, vật tư nông nghiệp để phát triển sản xuất qua các mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt. Theo Sở LĐ-TB&XH, từ nay đến cuối năm 2017, toàn tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1 - 2%. Để thực hiện nhiệm vụ này, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, cần tuyên truyền đến các hộ dân để họ ý thức rằng chỉ có thể thoát nghèo nếu bản thân biết tự nỗ lực vươn lên. Công tác xóa đói giảm nghèo chỉ thật sự bền vững khi bản thân người nghèo tự chủ trong chính việc thoát nghèo của mình.