THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:58

Câu chuyện giảm nghèo ở Nam Giang

.

Còn nhớ cách đây 5 năm, khi tôi hỏi về chuyện giúp người dân thoát nghèo, ông Avôtô Phương khi đó là Chánh Văn phòng UBND huyện Nam Giang bảo: “Nói thoát nghèo thì chưa đúng mà phải là giảm nghèo. Người dân ở đây quá nghèo do thiếu thốn đủ thứ nên việc đầu tiên địa phương nghĩ tới chính là giảm rồi mới có thể thoát”. Và Nam Giang thực hiện từng bước giúp bà con giảm nghèo bền vững rồi thoát nghèo, vươn lên xây dựng đời sống kinh tế khá hơn.

Phát triển cây cao su, huyện Nam Giang đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân.    Ảnh: A Lăng Ngước

Bước đột phá

Ông Chơ Rum Nhiên, Bí thư Huyện ủy Nam Giang cho hay, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, vì vậy địa phương xem việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi là hết sức quan trọng. Trước đây, việc đổi mới cách thức sản xuất trong nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi còn chậm nên năng suất, chất lượng chưa cao, không tạo ra được các vùng chuyên canh sản xuất theo hướng hàng hóa; trong khi đó tiềm năng đất đai còn nhiều nhưng lại chưa thể khai thác hiệu quả. Chính vì vậy, Huyện ủy, UBND huyện đã quyết định tạo sự đột phá trong việc phát triển nông nghiệp bằng cách hỗ trợ 12 xã, thị trấn mỗi địa phương 200 triệu đồng/năm để thực hiện mục đích này. Đây được xem là bước ngoặt đối với nông nghiệp Nam Giang. Với số tiền được hỗ trợ, các xã, thị trấn đầu tư vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, giúp người dân từng bước làm nông nghiệp hiệu quả. Các địa phương còn đẩy mạnh khai hoang nà thổ ở những nơi có điều kiện thuận lợi, vận động bà con dồn điền đổi thửa, phục hóa ruộng đồng để giảm bớt diện tích đất nhỏ lẻ, manh mún.

“Xác định được vị trí, mục tiêu và quan trọng nhất là điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương nên Nam Giang đã cố gắng để khắc phục khó khăn của mình. Lấy điểm mạnh bù điểm yếu, chú trọng phát triển những gì được cho là thế mạnh của địa phương, từ đó nâng cao đời sống của người dân. Mà thế mạnh của Nam Giang chính là nông nghiệp gắn với kinh tế rừng” - ông Alăng Mai, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết.

Khai thác thế mạnh

Ở xã Ta Bhing, với số tiền được hỗ trợ, địa phương lựa chọn phân phối cho người dân đầu tư mua 19 con bò, 5 con heo giống và hơn 130 nghìn cây keo giống để trồng trên 140ha. Ông Ploong Hon, Chủ tịch UBND xã Ta Bhing nói: “Có số tiền hỗ trợ này, bà con được tạo thêm sinh kế, chăn nuôi, trồng trọt được đẩy mạnh, tạo tiền đề cho sự phát triển lâu dài. Giờ bà con không phá rừng làm rẫy nữa mà đi trồng rừng. Trồng cây keo cho hiệu quả kinh tế cao, bà con vui lắm”. Tại xã Đắc Tôi, từ nguồn vốn hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, ông Pơloong A Blô đã mạnh dạn vay thêm 20 triệu đồng để phát triển chăn nuôi gia súc. Hiện nay, đàn bò của ông đã có hơn 20 con, đàn heo rừng lai giống 30 con cho nguồn thu mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Hay như ông Zơrâm Tua ở thôn Đồng Râm, thị trấn Thạnh Mỹ, làm giàu nhờ phát triển trồng lúa nước và nuôi cá. “Được chính quyền tuyên truyền nên trồng cây gì, nuôi con gì để mang lại hiệu quả, quan trọng là được hỗ trợ vay vốn để phát triển nên mình làm theo. Được như thế này là nhờ chính quyền đã quan tâm, hỗ trợ, mừng lắm !”- ông Pơloong A Blô chia sẻ.

Bên cạnh chăn nuôi, kinh tế rừng cũng được huyện Nam Giang chú trọng phát triển với cây trồng chủ lực là cao su. Trong 5 năm qua, huyện đã trồng được 766ha cao su đại điền và 17ha cao su tiểu điền, nâng tổng số diện tích cây cao su trên địa bàn lên gần 1.400ha. “Đây được xác định là cây mũi nhọn trong việc phát triển kinh tế của địa phương, vừa tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân vừa nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiện nay, có hơn 3.000 công nhân lao động mà chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số làm việc tại các vườn cao su với thu nhập hơn 2,5 triệu/tháng” - ông Phan Đức Hiến, Giám đốc Nông trường cao su Chà Vàl cho biết.

Cú hích nông thôn mới

“Bên cạnh việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, địa phương còn tranh thủ các nguồn đầu tư từ ngân sách trung ương, tỉnh và địa phương để lồng ghép với các chương trình dự án, chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở địa phương, từ đó tạo diện mạo mới cho miền núi Nam Giang”- ông Chơ Rum Nhiên nói.

Từ chỗ đường giao thông kiên cố hầu như không đáng kể, đến nay Nam Giang có hơn 90km giao thông nông thôn được cứng hóa, với 100% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm. Hơn 70 công trình thủy lợi trên địa bàn đã được nâng cấp và xây dựng phục vụ tưới tiêu cho hàng trăm héc ta đất sản xuất; 11/12 xã đã có điện lưới quốc gia, với hơn 80% số hộ được sử dụng điện sinh hoạt… Hầu hết các xã đã được đầu tư xây mới trụ sở làm việc, hàng loạt công trình như trường học, nhà văn hóa, chợ, nghĩa trang… cũng được chỉnh trang hoặc xây mới. Nam Giang cũng đã mạnh dạn đầu tư ngân sách địa phương để xây dựng nhiều trạm y tế xã, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Có thể nói, đó chính là những sự thay đổi lớn về diện mạo của một huyện nghèo vùng cao.

“Nam Giang mới chỉ đăng ký xây dựng nông thôn mới ở 2 xã Ta Bhing và La Dêê. Huyện đang cố gắng lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình để hỗ trợ 2 xã này có thể hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Tuy nhiên, việc cần làm đầu tiên chính là phải chú trọng phát triển đời sống của người dân. Khi thu nhập của người dân ổn định, thoát nghèo bền vững mới có thể tính đến chuyện xây dựng nông thôn mới” - ông Alăng Mai nói.

G.S

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh