Bình Thuận: 4.300 hộ đã thoát nghèo
- Tra cứu phẫu thuật
- 23:04 - 08/01/2015
Nguồn vốn tín dụng cho hộ nghèo vay ưu đãi để phát triển sản xuất, giảm nghèo một cách bền vững là một kênh quan trọng, giải pháp hàng đầu về hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo làm ăn, vươn lên thoát nghèo.
Trong năm Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Bình Thuận đã giải quyết cho 4.360 hộ nghèo vay vốn với kinh phí gần 74,9 tỷ đồng. Đến nay dư nợ hơn 575,7 tỷ đồng với 26.411 hộ vay. Nổi bật của mô hình giúp nông dân giảm nghèo ở Bình Thuận là hỗ trợ cho nông dân vốn và dạy nghề trồng thanh long, phù hợp với đặc thù kinh tế nông nghiệp của tỉnh Bình Thuận.
Nhiều hộ nông dân nhờ được sự trợ giúp về vốn vay ưu đãi và dạy nghề lao động nông thôn miễn phí đã mở rộng sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật đã tăng năng suất rõ rệt, đem lại thu nhập cao, vươn lên thoát nghèo, khá giả.
Tại xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc hiện có 1.760 ha cây thanh long, trong đó có 440 ha đã tham gia vào nhóm Việt Gáp (trồng thanh long chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế).
Mỗi ha thanh long trừ đi chi phí còn thu về cho người lao động khoảng 200 triệu đồng. Nhờ vào nghề trồng thanh long mà hàng trăm hộ dân địa phương đã thoát nghèo, vươn lên khá giả, giàu có, đời sống được nâng cao. Bộ mặt nông thôn được thay da đổi thịt.
Theo thống kê của UBND xã Hồng Sơn, tính trung bình người nông dân trồng thanh long tại địa phương có mức thu nhập bình quân khoảng trên 10 triệu đồng/lao động/tháng. Riêng thôn Suối Đá xã Hồng Sơn thì người lao động có mức thu nhập gần 20 triệu đồng/lao động/tháng.
Trồng thanh long có mức thu nhập bình quân khoảng trên 10 triệu đồng/lao động/tháng
Anh Lưu Ngọc Tính ngụ tại thôn Suối Đá, xã Hồng Sơn cho biết: Gia đình tôi trồng 600 trụ thanh long, diện tích khoảng hơn 5 sào, trừ đi chi phí mỗi năm thu về khoảng trên 200 triệu đồng.
Nhờ có cây thanh long mà gia đình chúng tôi đã có nhà cửa khang trang, con cái được học hành, thu nhập của cây thanh long cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Người nghèo còn được hỗ trợ để xây dựng nhà ở. Trong năm toàn tỉnh đã hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng 344 căn nhà ở cho hộ nghèo với kinh phí trên 10 tỷ đồng (có 300 căn do Ngân hàng cổ phần Công thương tài trợ 9 tỷ đồng từ năm 2013 và 44 căn vận động tài trợ năm 2014 với kinh phí trên 1 tỷ đồng), hỗ trợ 500 người nghèo học nghề, kinh phí đào tạo 12,5 tỷ đồng.
Miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho 9.038 học sinh, sinh viên gần 15,3 tỷ đồng. Hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo 5 tỷ 92 triệu đồng.Các chính sách giảm nghèo và đầu tư cơ sở hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, bãi ngang ven biển cũng được địa phương đặc biệt chú trọng để giảm nghèo bền vững ở những vùng khó khăn này, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị.
Trong năm 2014, từ nguồn Ngân sách Trung ương đã hỗ trợ gần 9,7 tỷ đồng, tỉnh đã đầu tư xây dựng 36 công trình hạ tầng cơ sở cho các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Ông Huỳnh Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phú Quý cho biết: Trong năm 2014, được sự quan tâm của nhà nước để phát triển kinh tế biển đảo, huyện đã được đầu tư với tổng vốn là hơn 56,5 tỷ đồng, từ nhiều nguồn vốn.
Huyện đã chủ động triển khai thực hiện tốt công tác đầu tư, xây dựng được nhiều công trình trọng điểm phục vụ dân sinh địa phương, quy hoạch xây dựng các khu dân cư. Các loại hình dịch vụ thương mại phát triển tương đối ổn định. Sản lượng thủy sản khai thác tăng so với cùng kỳ. Chương trình xây dựng nông thôn mới và xây dựng giao thông nông thôn được tập trung chỉ đạo.
Hoạt động tín dụng trên địa bàn ổn định, an toàn, hiệu quả, góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Giá điện giảm bằng với giá điện cả nước đã đem đến cho nhân dân và các doanh nghiệp niềm phấn khởi và nhiều lợi thế.
Đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm chỉ còn hơn 1%. Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc được tỉnh chú trọng thực hiện thông qua các biện pháp tiếp tục giúp đồng bào dân tộc thiểu số quản lý và sử dụng có hiệu quả đất sản xuất và đất rừng đã giao khoán quản lý, bảo vệ.
Cung cấp giống, thu mua mủ cao su. Thực hiện chính sách đầu tư ứng trước cho hàng ngàn hộ trồng bắp lai và lúa nước, đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao, miền núi.
Các địa phương khác đã chủ động rà soát quỹ đất sản xuất cấp cho hộ thiếu đất, nơi không còn quỹ đất thì hướng dẫn cho hộ nghèo chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm để tăng thu nhập.
Nhận định về hiệu quả các mặt hoạt động của ngành, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Thuận đánh giá: Trong năm 2014 bằng các giải pháp và sự phối hợp hiệu quả, công tác của ngành LĐ- TB&XH ở các lĩnh vực như giải quyết việc làm, đào tạo nghề, giảm nghèo, chính sách người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em,... đạt được kết quả tốt.
Các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, các hoạt động cứu trợ, hỗ trợ nhà ở hộ nghèo do các doanh nghiệp tài trợ được kịp thời. Trong năm 2015, toàn ngành phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu của ngành LĐ-TB&XH mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (nhiệm kỳ 2011-2015) đề ra nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế đi đôi với cải thiện đời sống nhân dân như đào tạo nghề, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5%.