Bình Dương thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động
- Dược liệu
- 16:23 - 31/10/2022
Hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động
Để bảo đảm thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh đã giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì triển khai các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người lao động đang ở trọ trên địa bàn tỉnh Bình Dương; chính sách hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang ở trọ; hỗ trợ cho người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và người đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng trên địa bàn tỉnh Bình Dương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; hỗ trợ người lao động làm việc tại đơn vị, doanh nghiệp nhưng không đảm bảo về đối tượng và các điều kiện để thụ hưởng các chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ...
Đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo đúng tinh thần của Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg; Bên cạnh đó nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền có thêm các chính sách hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp, người lao động như giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm các phí, lệ phí… hỗ trợ người lao động trực tiếp như giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm giá điện, nước, xăng…
Ông Phạm Văn Tuyên – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, tỉnh đã triển khai các chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người lao động đang ở trọ trên địa bàn tỉnh Bình Dương (Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND ngày 06/8/2021 của HĐND tỉnh, mức 300.000 đồng/người); Chính sách hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang ở trọ (Quyết định số 12/2021/QĐ-UBND ngày 14/8/2021 của UBND tỉnh, mức 500.000 đồng/người); Chính sách hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân thuộc 11 phường trên địa bàn thành phố Thuận An và thị xã Tân Uyên để thực hiện phòng chống dịch COVID-19 (Quyết định số 13/2021/QĐ-UBND ngày 22/8/2021 của UBND tỉnh, mức 50.000 đồng/người/ngày, thời hạn 15 ngày từ ngày 22/8/2021); Chính sách hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người nghèo, cận nghèo và người dân đang ở trọ trong khu vực thực hiện tăng cường giãn cách thuộc 15 phường trên địa bàn thành phố Thuận An, Dĩ An và thị xã Tân Uyên để thực hiện phòng chống dịch COVID-19 (Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND ngày 06/9/2021 của UBND tỉnh, mức 50.000 đồng/người/ ngày, thời hạn 10 ngày từ ngày 06/9/2021); Chính sách hỗ trợ cho người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và người đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng trên địa bàn tỉnh Bình Dương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 (Quyết định số 18/2021/QĐ-UBND ngày 06/9/2021 của UBND tỉnh, mức 1.000.000 đồng/người).
Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Bình Dương đã chi hỗ trợ cho các đối tượng là 87.752.930.000 đồng. Đã hoàn thành hỗ trợ cho 44.871 đối tượng là người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội, với tổng số tiền là 53.259.750.000 đồng. Đối với chính sách hỗ trợ người sử dụng vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động: đã tiếp nhận và giải ngân cho vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động của 13 doanh nghiệp với tổng số tiền là 1.449.680.000 đồng.
Nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ NLĐ
Dự kiến tỉnh sẽ có kế hoạch xây dựng 1 triệu nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân, NLĐ. HĐND tỉnh cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non cho con lao động tại các cụm công nghiệp với mức hỗ trợ 160.000 đồng/trẻ và 800.000 đồng/tháng/giáo viên. Ngoài ra còn có nhiều chính sách an sinh xã hội về đào tạo bác sĩ, giáo dục, bảo trợ xã hội.
Riêng về hỗ trợ đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, các ngành đang thực hiện quy trình rà soát để xây dựng ban hành chính sách đặc thù của tỉnh cho phù hợp với pháp luật và khả năng ngân sách, đảm bảo chính sách khi ra đời phải hiệu quả và có tính chất lâu dài. Từ thực tiễn đại dịch Covid-19, tỉnh cũng kiến nghị Trung ương cần có quy định cụ thể về phòng, chống thiên tai trong trường hợp khẩn cấp.
Theo Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, thị trường lao động trong Quý III, IV tiếp tục có xu hướng nhu cầu tuyển dụng lớn hơn nguồn cung lao động, dự kiến cần khoảng 40.000 - 50.000 lao động để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp để thực hiện các đơn hàng đã ký kết, đơn hàng mới trong năm 2022, trong đó chủ yếu nhu cầu tuyển dụng vẫn là lao động phổ thông và lao động có tay nghề trong các lĩnh vực may, gỗ, giày da, dệt nhuộm, hàn, cắt cơ khí.
Hiện nay các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Dương đều thuộc Vùng I (Mức 4.680.000 đồng/tháng) , như vậy người lao động làm việc trên địa bàn tỉnh Bình Dương sẽ được hưởng mức lương không thấp hơn 4.680.000 đồng/tháng, mức lương tối thiểu theo giờ là 22.500 đồng/giờ. Với ưu thế này, Bình Dương sẽ thuận lợi hơn trong việc thu hút nguồn lao động nếu các doanh nghiệp có chính sách tiền lương và chế độ phúc lợi đảm bảo đời sống cho người công nhân lao động.