THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:45

Bình Dương: Giải pháp nâng cao chất lượng giáo giục nghề nghiệp – Đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78%

Theo ông Lê Minh Quốc Cường – GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương: Thời gian qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực nói chung và công tác đào tạo nghề của tỉnh nói riêng đã có bước chuyển biến tích cực. Đội ngũ lao động có tay nghề tăng lên, chất lượng bước đầu đã có sự cải thiện.

Năm 2019, 100 cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh tuyển sinh được 42.942 người đạt tỉ lệ 110% so với chỉ tiêu kế hoạch, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78%. Các nghề thu hút đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp chủ yếu tập trung vào các nhóm như: Điện công nghiệp, điện tử, công nghệ ô tô, cơ khí, hàn, cắt gọt kim loại, kế toán, y sĩ, dược sĩ, lái xe…

"Một số ngành nghề thuộc khối kỹ thuật có số lượng học sinh, sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp chiếm tỷ lệ cao, một số trường đạt 100%, nhiều doanh nghiệp tham gia tuyển dụng khi sinh viên còn đang đi thực tập. Mức lương thu nhập bình quân sau khi tốt nghiệp giao động khoảng từ 05 đến 09 triệu đồng". Ông Cường chia sẻ.

Bình Dương: Giải pháp nâng cao chất lượng giáo giục nghề nghiệp – Đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp - Ảnh 1.

Một số ngành nghề thuộc khối kỹ thuật có số lượng học sinh, sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp chiếm tỷ lệ cao, một số trường đạt 100%

Trong 06 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh tuyển sinh được khoảng 14.500 học viên, chiếm tỷ lệ 36,2% kế hoạch năm. Nhìn chung, chất lượng đào tạo của các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện, nhiều đơn vị chú trọng bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhà giáo, phương pháp giảng dạy và đổi mới, cải tiến thiết bị dạy học, đặc biệt là sự thay đổi tư duy nhận thức trong tổ chức giáo dục, tuyển sinh gắn với tuyển dụng, đào tạo gắn với nhu cầu thị trường.

Các nhóm giải pháp và nâng cao chất lượng đào tạo

Nhằm đảm bảo chất lượng cũng như tháo gỡ những khó khăn trong thời gian qua, Bình Dương tiếp tục triển khai một số giải pháp như: Luôn chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt nguồn lao động có tay nghề vì đây là nền tảng vững chắc giúp hiện thực hóa mô hình thành phố thông minh, làm cho tỉnh trở thành một nơi đáng sống và làm việc.

Về công tác tuyển sinh, tư vấn học nghề: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tư vấn học nghề cho người lao động, nhất là lao động vùng nông thôn, tổ chức thông tin tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng và phối hợp các Sở, ngành, đoàn thể thông báo sâu rộng cho người dân am hiểu về nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức của xã hội đối với công tác dạy nghề. Tuyên truyền đầy đủ các chính sách học nghề hiện nay như: học sinh tốt nghiệp THCS; học sinh học các nghề nặng nhọc, độc hại,.. được miễn, giảm học phí khi học trung cấp, cao đẳng.

 Phân luồng học sinh THCS đi học nghề: Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt việc phân luồng cho học sinh THCS, tăng cường công tác tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại các Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện, thị xã. Tạo điều kiện cho các trường Cao đẳng, Trung cấp đến trực tiếp các trường THCS, THPT để tư vấn, hướng nghiệp nhằm giúp học sinh hình thành được nhận thức về ý nghĩa của công tác phân luồng, lựa chọn ngành nghề học phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh gia đình.

Bình Dương: Giải pháp nâng cao chất lượng giáo giục nghề nghiệp – Đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp - Ảnh 3.

Khai thác tốt việc tự chủ chương trình đào tạo, phối hợp với doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo đảm bảo nội dung bám sát yêu cầu sử dụng của doanh nghiệp

Khai thác tốt việc tự chủ chương trình đào tạo, phối hợp với doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo đảm bảo nội dung bám sát yêu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Ký kết các chương trình hợp tác và hợp đồng đặt hàng đào tạo với doanh nghiệp, xây dựng chuẩn đầu ra cho các ngành nghề.

Các trường được tự chủ trong hoạt động tuyển sinh, được quyền xây dựng quy chế tuyển sinh với hình thức, chỉ tiêu cũng như số đợt tuyển sinh trong năm với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Bên cạnh đó, một số trường đã thực hiện nhiều chính sách riêng cho người học như miễn giảm tiền ở ký túc xá, trao học bổng, liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo và đảm bảo đầu ra,… từ đó đã thu hút được học sinh, sinh viên vào học.

Đồng thời tăng cường sự hợp tác giữa nhà trường và nhà doanh nghiệp, từng bước đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời đảm bảo việc phối hợp giữa ba nhà "Nhà nước", "Nhà trường" và "Nhà doanh nghiệp" đạt được hiệu quả cao.

Hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có chung lĩnh vực đào tạo cùng hợp tác, đào tạo liên thông, hỗ trợ nhau trong công tác đào tạo theo đúng quy định; tạo điều kiện cho các đơn vị phối hợp tuyển sinh, mở rộng, đa dạng loại hình, ngành nghề đào tạo, đặc biệt chú trong những nghề mới phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay; theo dõi, hướng dẫn, thẩm định hồ sơ đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho các đơn vị được liên thông, liên kết đào tạo trong và ngoài tỉnh đối với các ngành nghề phù hợp theo đúng quy định.

Liên kết đào tạo, đảm bảo đầu ra cho sinh viên

Xác định việc gắn kết với doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Liên kết đào tạo, đảm bảo đầu ra cho sinh viên.

Bình Dương: Giải pháp nâng cao chất lượng giáo giục nghề nghiệp – Đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp - Ảnh 4.

Xác định việc gắn kết với doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Liên kết đào tạo, đảm bảo đầu ra cho sinh viên

Ông Trần Hùng Phong – Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Singapore cho trong thời gian qua, Trường đã mời gọi DN tham gia đào tạo chiếm 30% thời lượng của chương trình đào tạo, để đạt được kết quả tốt trong việc liên kết đào tạo, nhà trường đã giới thiệu cho DN thấy những lợi ích khi họ chung tay với trường đào tạo nguồn nhân lực, khi đạt hiệu quả tốt đương nhiên DN sẽ hỗ trợ trường. "Nhà trường đào tạo để cung ứng chung cho xã hội, nếu DN muốn đáp ứng thì phải ký hợp đồng, Nhà trường sẵn sàng xây dựng chương trình thay đổi đến 30-40% theo nhu cầu của DN cần", thầy Phong chia sẻ.

Theo ông Lê Minh Quốc Cường, các trường phải tăng cường hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo, tiếp tục thực hiện các chương trình dạy nghề gắn với doanh nghiệp, như đưa học sinh đến thực tập tại doanh nghiệp, làm quen với môi trường sản xuất, kinh doanh. Đảm bảo đầu ra cho học sinh sinh viên sau khi tốt nghiệp, ký hợp đồng đào tạo trực tiếp với doanh nghiệp. Tìm học bổng cho học sinh sinh viên tại trường để khuyến khích, động viên tinh thần học tập, tạo điều kiện để học sinh sinh viên có thể yêu và gắn bó với nghề ngay từ khi đang học.

Ngoài ra, các trường phải xác định ngành nghề mũi nhọn, nghiên cứu và nhân rộng mô hình đào tạo tại DN, đặt chỉ tiêu hợp tác với DN trong đào tạo nghề.  Hàng năm, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh tuyển sinh khoản hơn 41.000 học viên. Xác định GDNN là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0. Sở LĐ-TB&XH đã thực hiện nhiều giải pháp để kết nối 3 Nhà, tăng cường liên kết đào tạo giữa các trường và Doanh nghiệp. Nhà trường, Nhà doanh nghiệp, Nhà nước và xã hội.


PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh