CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:52

Bình Dương: Đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp

 

Đào tạo theo nhu cầu của DN

Vừa qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã phối hợp với trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Nam bộ tổ chức “Hội thảo đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu DN”, đây là dịp để các cơ sở dạy nghề tìm ra “lời giải” cho “bài toán” nguồn nhân lực của tỉnh trong giai đoạn hiện nay.

 Đại diện Công ty Cổ phần Tô Jac Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hồng, Trưởng phòng Quản lý tổng hợp, cho biết năm 2016-2017, công ty cần tuyển 10 kỹ sư ô tô, nhân viên rủi ro và công nhân hàn cabin nhưng chỉ tuyển được 5 người. Công việc đặc thù đòi hỏi ngoại ngữ nên yêu cầu ứng viên phải biết ít nhất 1 thứ tiếng, tiếng Hoa hoặc tiếng Anh. Một số ứng viên biết ngoại ngữ nhưng yếu chuyên môn; số còn lại có tay nghề lại thiếu ngoại ngữ. Do đó, công ty đã tìm đến một số trường trong và ngoài tỉnh để đăng ký tuyển dụng. Khó khăn trong quá trình tuyển dụng, ông Hồng mong rằng các trường ngoài dạy kỹ thuật nên hướng các em học thêm ngoại ngữ, bởi hiện nay trong cơ chế mở cửa nếu có ngoại ngữ sẽ dễ dàng có công việc ổn định, lương cao, cơ hội thăng tiến.

Hiện nay, Bình Dương đào tạo nghề luôn gắn với nhu cầu của doanh nghiệp nhằm đảm bảo đầu ra cho sinh viên

 

 Chị Hồ Đặng Hồng Thảo, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Sơn Jotun cũng tâm sự, công ty luôn mở cửa chào đón những học viên, sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi của các cơ sở dạy nghề, các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh đến tham gia tuyển dụng. Thế nhưng sau mỗi đợt tuyển dụng, công ty phải bỏ ra 2 đến 3 tháng để đào tạo lại, hoặc cho các em thực hành thành thạo công nghệ, máy móc. Từ đó thấy rằng, hầu hết các em sau khi ra trường chỉ biết lý thuyết, không nắm vững thực hành. “Tôi thiết nghĩ để các em học viên ra trường có việc làm ngay, cũng như đỡ mất thời gian cho DN, các trường nên liên kết đào tạo và thực hành cho học viên. Có như vậy, các em ra trường với đầy đủ lý thuyết, thành thạo thực hành sẽ tự tin hơn trong công việc”, chị Thảo nói.

Đào tạo theo nhu cầu thực tiễn

Ý kiến của các DN đã giúp các trường nghề, cơ sở dạy nghề hiểu được nhu cầu để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như tìm đầu ra cho học viên sau khi ra trường. Thầy Nguyễn Văn Sung, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore, cho biết những năm gần đây, công tác điều tra nhu cầu sử dụng LĐ, phối hợp với DN trong đào tạo nghề đã được trường quan tâm đẩy mạnh, nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, thiết thực tạo việc làm cho học sinh ra trường. Cụ thể, nhà trường đã chủ động đào tạo các ngành nghề mà DN có nhu cầu sử dụng cao. Nhà trường hiện đang phối hợp với hơn 30 DN trong công tác tuyển sinh, đào tạo, thực hành. Sự phối hợp này, một mặt chất lượng đào tạo của nhà trường được nâng cao do DN đã tham gia hỗ trợ quá trình đào tạo, tạo điều kiện cho học sinh nhà trường có môi trường thực hành tốt nhất. Mặt khác, các DN sẽ được cung cấp đội ngũ LĐ có tay nghề, phục vụ hiệu quả nhu cầu công việc… Do đó, trường sẽ tích cực liên kết đào tạo.

Các trường nghề trên địa bàn tỉnh liên kết với các doanh nghiệp

 

 Theo ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, việc liên kết đào tạo giữa cơ sở dạy nghề và DN rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện chưa có cơ chế, chính sách nào bắt buộc DN phải phối hợp chặt chẽ với cơ sở dạy nghề trong quá trình đào tạo và tuyển dụng LĐ. Mạng lưới cơ sở đào tạo nghề tuy được phát triển ở khắp các huyện, thị, thành phố trong tỉnh với 72 cơ sở giáo dục dạy nghề, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của DN. Các cơ sở chủ yếu đào tạo nghề theo khả năng cung, chứ chưa thực sự theo cầu của DN. Quy luật cung cầu trong đào tạo nghề chưa thực sự tương xứng, đào tạo nghề và nhu cầu LĐ có tay nghề trong DN vẫn còn nhiều bất cập. Để nâng cao sự gắn kết giữa đào tạo nghề và nhu cầu của các DN, các trường nghề phải năng động, xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn theo quy định, đầu tư trang thiết bị đáp ứng nhu cầu của DN. Là cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề, việc làm, thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ là “cầu nối” giữa cơ sở đào tạo nghề và DN. Đặc biệt, sở tạo điều kiện để Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh mở rộng hợp tác, đào tạo qua việc kết nối tuyển dụng giữa cơ sở dạy nghề và DN.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh