THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:40

Bình Dương: "Cát tặc" lộng hành, Cù lao Rùa có nguy cơ bị xóa sổ

 Phó Trưởng công an tử vong khi bắt "cát tặc" 

Ngày 12/8/2020, Công an tỉnh Bình Dương vẫn đang điều tra, truy bắt nhóm khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai (đoạn qua xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên, Bình Dương) khiến Đại úy Lê Thanh Hải, Phó trưởng Công an xã Thạnh Hội tử nạn.

Sự việc diễn ra lúc 22h ngày 10/8, khi Đại úy Hải cùng 3 đồng chí thuộc Ban chỉ huy quân sự xã Thạnh Hội phối hợp, thực hiện kế hoạch chuyên đề phòng chống nạn bơm hút cát trái phép trên tuyến sông Đồng Nai của công an tỉnh.

Đến gần 2h ngày 11/8, phát hiện một số đối tượng đang sử dụng ghe để bơm hút cát nên tổ tuần tra tiến hành kiểm tra.

Bình Dương: ‘Cát tặc’ lộng hành, cù lao Rùa sạt lợ, bị nhấn chìm  - Ảnh 1.

Bố Đại úy Lê Thanh Hải, Phó trưởng Công an xã Thạnh Hội buồn bã trước sự ra đi của con trai khi đi bắt “cát tặc”.

Khi phát hiện lực lượng chức năng áp sát, các đối tượng đã rút lỗ lù để nhấn chìm ghe nhằm tẩu tán tang vật, tẩu thoát.

Do dòng nước xoáy mạnh từ ghe cát đang chìm cuốn theo khiến Đại úy Hải không kịp thoát hiểm đã hy sinh. Các thành viên khác của tổ tuần tra may mắn thoát nạn.

Sự hi sinh của Đại úy Hải trong lúc làm nhiệm vụ khiến ngành công an, Công an tỉnh Bình Dương tổn thất lực lượng, mất đi người chiến sĩ dũng cảm, nhiệt huyết trong công việc và kiên quyết trong việc truy quét tội phạm.

Đặc biệt, sự ra đi của người chiến sĩ trẻ khiến gia đình đau đớn tột độ, bỏ lại người vợ trẻ và đứa con gái mới 1 tuổi bơ vơ.

"Cát tặc" lộng hành, nhà sạt lở, đất dân bị nhấn chìm

Sau sự việc Đại úy Lê Thanh Hải, Phó Trưởng Công an xã Thạnh Hội làm nhiệm vụ tử nạn, chúng tôi đã có mặt tại hiện trường, nơi xảy ra sự việc để ghi nhận tình trạng khai thác cát trái phép.

Dẫn chúng tôi ra bờ sông, chỉ tay xuống dòng nước đang cuộn chảy, ông Võ Văn Tuấn (ngụ ấp Tân Hội, xã Thạnh Hội) bức xúc: "Ở đây 'cát tặc' lộng hành lắm, dường như không sợ cơ quan chức năng. Chúng hoạt động rầm rộ vào ban đêm, máy khai thác cát ầm ĩ khiến người dân ở đây rất bức xúc nhưng đành bất lực. Nhiều công trình đê điều, nhà dân, đất trồng cây của người dân bị sạt lở, nhấn chìm không thương tiếc ".

Thở một hơi dài đầy bất lực, ông Tuấn kể tiếp, đoạn sông này vài năm trước còn là đất của nhà ông. Chỉ sau một cơn mưa, cả một vườn trái cây bị sạt xuống sông nhấn chìm.

Để hạn chế tình trạng sạt lở, hàng tuần ông phải chở đất đá đến để ke bờ, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu.

Bình Dương: ‘Cát tặc’ lộng hành, cù lao Rùa sạt lợ, bị nhấn chìm  - Ảnh 2.

Nhiều công trình đê, nhà dân, đất bị sạt lở, nhấn chìm.

Để mưu sinh ông chuyển qua chăn vịt, nhưng việc làm này cũng diễn ra trong sự bấp bênh, thấp thỏm vì mối đe dọa sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Không khá hơn, ông Hồ Văn Hùng (60 tuổi, ngụ xã Thạnh Hội), là một trong 9 hộ dân sống gần sát sông Đồng Nai bị ảnh hưởng của việc khai thác cát trái phép khiến nhiều đất đai hoa màu mất trắng.

Ông Hùng chua chát: "Cứ đợi đêm xuống bọn "cát tặc" lại lộng hành, thả vòi xuống lòng sông và nổ máy hút cát. Tình trạng này diễn ra từ nhiều năm qua, dù bị chính quyền có xử lý, xua đuổi. Do cát ở đây chất lượng tốt, có giá thành cao nên nhiều "cát tặc" bất chấp, đổ xô về khai thác trái phép. Nhộn nhịp nhất là ở khu vực ngã 3 sông, nơi tiếp giáp giữa TP Biên Hòa (Đồng Nai) với thị xã Tân Uyên (Bình Dương)".

Để thấy rõ hơn về tình trạng sạt lở, khai thác cát trái phép ở khu vực này, chúng tôi tiếp tục có chuyến đi thực tế trên sông Đồng Nai, quanh khu vực này xã Thạnh Hội

Di tích cấp Quốc gia nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề

Tại khu vực Cù Lao Rùa (xã Thạnh Hội), địa danh được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích cấp Quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề, diện tích đất ở và canh tác nông nghiệp liên tục bị cắt giảm do tình trạng sạt lở kéo dài. Hàng ngày, nhiều nông dân đành bất lực nhìn những mẫu ruộng của mình trôi theo dòng nước.

Nhiều đoạn bờ sông vết sạt lở còn khá mới. Nhiều mảnh vườn đang sạt lở, cây trồng trôi nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Ở nhiều điểm dù đã được ke bờ bằng bê tông nhưng cũng đã nứt nẻ, xiêu vẹo.

Tại nhiều khu vực, UBND xã Thạnh Hội đã phải cắm bản cảnh báo để phòng ngừa tai nạn. Có thể nhận thấy, tại nhiều thửa đất ven sông đã xuất hiện thêm những khe nứt, như chực chờ đổ xuống.

Những điểm khác, khả năng gây xói mòn của dòng nước tạo những "hàm ếch" sâu, rộng tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao.

Trên thực tế, phần đất trước kia còn được người địa phương gọi là "đuôi rùa", nay gần như hoàn toàn biến mất.

Theo ngành chức năng của thị xã Tân Uyên, tình trạng sạt lở kéo dài xảy ra ở đây nguyên nhân chính là do sự thay đổi của tốc độ dòng chảy và ảnh hưởng từ mật độ lưu thông của phương tiện đường thủy qua khu vực này ngày một tăng cao.

Bình Dương: ‘Cát tặc’ lộng hành, cù lao Rùa sạt lợ, bị nhấn chìm  - Ảnh 3.

“Cát tặc” vẫn lộng hành trên sông Đồng Nai.

Tuy nhiên, theo người dân địa phương, nguyên nhân sạt lở bờ sông lại là do tình trạng hút cát trộm.

Tại khu vực giáp ranh với tỉnh Đồng Nai, có rất nhiều ghe lớn hút cát hay còn gọi là ghe "bạch tuộc" neo đậu.

Người dân xã Thạnh Hội cho biết, ban ngày những ghe này neo đậu khá im lìm, tuy nhiên khi đêm đến chúng được di chuyển ra giữa lòng sông để hút trộm cát.

Đặc biệt, đi cùng với loại ghe này là xà lan chở cát, khi cát được hút lên sẽ bơm trực tiếp vào sà lan này nhằm đối phó với vi phạm khai thác khoáng sản trái phép. Bởi khi bị phát hiện, ghe hút không hề chứa cát, còn sà lan sẽ chỉ bị phạt vi phạm về chở cát không đúng quy định.

Hành vi "lách luật" này đã gây không ít khó khăn đối với lực lượng kiểm tra, đồng thời góp phần trực tiếp khiến thực trạng sạt lở thêm phần nặng nề.

Qua khảo sát cho thấy, dù về phía Bình Dương đã cấm khai thác cát tại khu vực này, những ở những địa điểm giáp ranh với tỉnh Đồng Nai, vẫn có có nhiều ghe và xà lan hút cát neo đậu. Người dân địa phương cho biết, hiện nay tình trạng khai thác cát vào ban ngày tuy đã giảm bớt nhưng vẫn còn xảy ra nhiều vào ban đêm.

Trao đổi với PV, lãnh đạo UBND xã Thạnh Hội cho biết, thực trạng sạt lở ở xã Thạnh Hội nói chung và cù lao Rùa nói riêng đang ở mức báo động. "Hiện xã đang kiến nghị thị xã xây dựng bờ kè bê tông kiên cố quanh cù lao để ngăn chặn sạt lở. Do chi phí xây kè có thể lên tới hàng chục tỷ đồng nên cấp trên đang xem xét. Hy vọng dự án này sớm được thực thi để cứu cù lao Rùa", vị lãnh đạo UBND xã này cho hay.

Về tình trạng cát tặc, lãnh đạo UBND xã Thạnh Hội cho biết, Công an các xã, phường cùng lực lượng Công an thị xã Tân Uyên vẫn luôn thay phiên nhau tuần tra để giải quyết, nhiều trường hợp đã bị xử lý.

QUANG HẢI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh