CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:13

Bình Định: Ham giàu, ngư dân có nguy cơ mất trăm tỷ chỉ bằng cái “click chuột”

 

Theo công văn của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hoài Nhơn (Bình Định) gửi cho công an 17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, số tiền mà người dân đầu tư vào hai trang web của Cty TNHH DDB và DHP, dự báo có thể lên trên 100 tỷ đồng. Nhưng hiện nay, trang web công ty này dừng hoạt động, không trả lãi theo cam kết khiến người dân điêu đứng.

Chỉ “click chuột” tiền sẽ... đẻ tiền

Theo phản ánh của người dân, dưới vỏ bọc một tập đoàn tập đoàn tài chính có xuất xứ tại Đài Loan, từ năm 2013, Công ty TNHH quảng cáo trực tuyến DDB (viết tắt là Cty DDB) đã nhiều lần đưa bà Phạm Thị Hiền - Giám đốc Công ty DDB tại Việt Nam (trụ sở tại TP Hồ Chí Minh). Cty DDB đã nhiều lần cho nhân viên về tiếp cận, mở hội thảo tại làng quê huyện Hoài Nhơn và dùng những lời “mật ngọt” để lôi kéo những người nhẹ dạ tham gia chương trình, nhưng buộc phải đặc cọc số tiền lớn.

 

Ông H. kể lại sự việc ông tham gia chương trình click chuột làm giàu cho phóng viên
Ông H. kể lại sự việc ông tham gia chương trình "click chuột" làm giàu cho phóng viên.

Sắt đá như ông Nguyễn Thanh H. (trú thôn Ka Công Nam, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, Bình Định), một cựu chiến binh tăng - thiết giáp nhưng cũng phải xiêu lòng trước những lời vừa “đường mật” của nhân viên Cty DDB. “Thấy công ty có giấy phép hoạt động đàng hoàng, công khai tổ chức hội thảo, nghe nói ngon ăn quá nên ai không ham. Trong khi phụ nữ quê biển không nghề ngỗng gì, giờ bỗng dưng có công việc quá dễ chỉ “click chuột” mà có nhiều tiền thì ai mà không đâm đầu vào”- ông H. cho hay.

Theo lời kể của H., trước năm 2015, muốn có muốn 1 “chân” phải nộp cho công ty 12 triệu đồng, ký hợp đồng thời hạn 1 năm, hết hợp đồng này ký hợp đồng khác. Sau khi nộp tiền, phía công ty cấp cho mỗi khách hàng 1 cái USB. Nhiệm vụ của khách hàng rất đơn giản, mỗi ngày gắn USB vào máy tính, kích hoạt, màn hình sẽ hiện ra vô số hình ảnh quảng cáo của công ty. Mỗi ngày chỉ cần “kích chuột” vào 25 hình ảnh thì đến cuối tháng sẽ nhận được “mức lương” 750.000 đồng cùng với 1 triệu đồng tiền vốn gốc nộp ban đầu. Chỉ cần hơn nửa năm là mình lấy đủ vốn, thời gian sau sẽ ăn tiền lời.


Sự việc bị bại lộ khi 1 phụ nữ ở xã Hoài Thanh (huyện Hoài Nhơn) tham gia chương trình click chuột và cho người khác vay để tham gia mất 500 triệu đồng vì sợ gia đình nên báo giả bị cướp giật.

“Ai vào càng nhiều “chân” thì kích chuột nhiều và tiền nhận hàng tháng cứ thế nhân lên. Ở đây, có người vào 50-70 “chân”, thậm chí có người vào 100 “chân”, nộp đến 1,2 tỷ đồng. Từ tháng 10/2015 đến nay công ty không trả tiền vốn gốc hàng tháng nữa, chỉ trả tiền lương. Vì vậy, khi công ty “mất tích” thì người chơi mất rất tiền nhiều”- ông H. nói.

Sập bẫy vì ham giàu nhanh

Để tham gia click chuột, bà Đỗ Thị Th. (trú thôn Thạnh Xuân Đông, xã Hoài Hương), cũng lén chồng đầu tư 5 chân nên nộp cho công ty 60 triệu tiền gốc. “Ngày nào cũng phải click chuột vào hình ảnh quảng cáo của công ty, nếu 3 ngày liên tục không thực hiện click chuột sẽ bị chấm dứt hợp đồng. Mỗi tháng, công ty gửi cho tôi 1,6 triệu đồng (trong đó 1 triệu tiền gốc và 600.000 đồng tiền công. Tuy vậy, từ năm 2015, công ty giữ tiền gốc lại, chỉ trả tiền công cho đến khi trang web công ty đóng cửa, tôi mất luôn cả tiền gốc”- bà Th. cho hay.

 

Bà Th. cũng là một nạn nhân tham gia vào chương trình "click chuột" làm giàu có nguy cơ mất trắng số tiền vài chục triệu đồng đầu tư vào Cty TNHH quảng cáo trực tuyến DDB.

Theo bà Th., khi mới tham gia, công ty trả lương rất sòng phẳng, đúng hẹn nên ai cũng tin. Khi đó, những thành viên “click chuột” ở xã Hoài Hương còn liên lạc điện thoại được với bà PhạmThị Hiền - Giám đốc công ty, nói chuyện rất tình cảm. Thế nhưng, đến ngày mùng 7 tháng Giêng (ngày 3/2), khi người dân vào mạng để click chuột như thường lệ thì trang web của công ty bỗng dưng biến mất. Gọi điện cho các nhân viên tại TP HCM, họ cho biết máy chủ đang bị sự cố không hoạt động được. “Nhân viên công ty trấn an chúng tôi yên tâm ăn Tết và hứa đến ngày 10 sẽ hoạt động lại. Chờ mãi không thấy hồi âm, chúng tôi nóng ruột nên liên lạc lại thì được cho biết chị Hiền - Giám đốc đi công tác nước ngoài chưa về. Từ đó đến nay, chúng tôi không còn liên lạc với ai được nữa, trang web cũng không vào được luôn. Biết chắc những khoản tiền đầu tư vào công ty kể như mất trắng, những phụ nữ miền biển chết đứng chết ngồi nhưng không dám báo cáo với ngành chức năng vì sợ những ông chồng ngư dân biết sẽ dẫn đến chuyện hạnh phúc gia đình đổ vỡ”- chị Th. bộc bạch.

Từng là người đứng ra làm đại lý cho Cty DDB tại xã Hoài Hương, bà Lý Thị T. (42 tuổi, trú thôn Thạnh Xuân Đông) cho biết: “Năm 2013, tôi làm đại lý cho Cty DDB, được mấy tháng thì Công an huyện Hoài Nhơn mời lên làm việc, bảo nếu làm đại lý phải có giấy phép kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ thuế nên tôi không làm nữa. Sau đó, tôi chỉ làm nhân viên click, hướng dẫn cho chị em cách sử dụng máy tính click hình ảnh hoặc hướng dẫn cách nộp tiền. Hồi đó, chị Phạm Thị Hiền, Giám đốc Cty DDB tại Việt Nam, ra Hoài Hương tổ chức hội thảo rồi ở nhà tôi thường xuyên nên tôi mới tin tưởng đầu tư nhiều “chân”, giờ mất lớn”.

“Mất bò mới lo làm chuồng”?

Sự việc chỉ bị lộ khi một phụ nữ ở xã Hoài Thanh (huyện Hoài Nhơn) vì xót của khi mất đứt 500 triệu đồng, nhưng quá sợ gia đình nên báo tin giả với công an mình đã bị cướp. Sau khi điều tra thì ngành chức năng phát hiện chị này là thành viên “click chuột” của Cty DDB và cho người khác vay mượn để tham gia DDB.

 

Làng biển xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn, Bình Định), nơi có nhiều phụ nữ lén đem tiền dành dụm từ việc đi biển của chồng để đầu tư vào Cty TNHH DDB.

Theo Công an huyện Hoài Nhơn (Bình Định), đây là phương pháp huy động tài chính bất hợp pháp. Hiện nay, sau khi các trang web của Công ty DDB và DHP bất ngờ ngừng hoạt động, không rõ nguyên nhân, người dân tham gia chương trình theo hình thức đóng tiền cọc đang đứng trước nguy cơ mất số tiền đầu tư vô cùng lớn. Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an huyện Hoài Nhơn) cho hay, dự báo trên địa bàn huyện, số tiền bị thiệt hại có thể lên đến trên 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều người tham gia lại giấu, báo cáo không chính xác, gây khó khăn trong công tác điều tra.

Theo Thượng tá Trương Văn Phụng - Phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra (Công an huyện Hoài Nhơn), đơn vị này đã tiếp nhận đơn tố cáo bà L.T.T (xã Hoài Hương, người từng được cơ quan Công an huyện Hoài Nhơn mời lên làm việc- PV) lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 360 triệu đồng. Ông cho biết, dù các trang web đã ngừng hoạt động nhưng gần đây công ty vẫn viết tin nhắn gửi cho các cộng tác viên (đại lý) với nội dung: Dù công ty đã phá sản, nhưng yêu cầu các cộng tác viên bình tĩnh, hợp tác với công ty để cùng giải quyết và tin tưởng vào công ty. “Đây chỉ là thủ đoạn trì hoãn, kéo dài, tìm cách đối phó khi trang mạng bị sập, phá sản như các công ty trước đây” - ông Phụng nói.

Hiện nay, ngoài vận động người dân tự báo số tiền thiệt hại, từ cuối tháng 2/2017, Cơ quan CSĐT Công an Huyện Hoài Nhơn đã thông báo phương thức, thủ đoạn huy động tài chính bất hợp pháp của các Cty DDB và DHB về từng thôn trong huyện. Đồng thời yêu cầu công an 17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện nắm tình hình, lập danh sách số người tham gia vào các công ty nói trên và những vấn đề khác có liên quan, báo cáo lên cấp trên để có hướng xử lý. Thông báo của Cơ quan CSĐT phải được phát thường xuyên trên đài truyền thanh xã, thị trấn để nhân dân đề cao cảnh giác nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Cao Thanh Thương - Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn (Bình Định), cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo cho các xã, thị trấn thống kê báo cáo về số lượng người dân tham gia chương trình trên cho UBND huyện, nhưng hiện tại vẫn chưa có con số cụ thể”.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh