THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:38

Bí thư Thừa Thiên Huế: Các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch XĐGN phù hợp thực tiễn

Bí thư Thừa Thiên Huế: Các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch XĐGN phù hợp thực tiễn - Ảnh 1.

Thừa Thiên Huế tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020

Sáng 17/3, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Phong trào thi đua "Thừa Thiên Huế chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau" gắn với việc thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

Theo ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Thừa Thiên Huế đạt được nhiều kết quả khích lệ. Chương trình giảm nghèo bền vững được các cấp, các ngành, các địa phương xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả; ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác giảm nghèo được nâng lên, nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, sự chung tay, hỗ trợ, sẻ chia của cộng đồng đã tác động tích cực đến công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, đã tạo điều kiện cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, cơ sở hạ tầng của các xã, thôn đặc biệt khó khăn được tăng cường, người nghèo đã từng bước tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm liên tục qua các năm từ 8,36% năm 2016 còn 3,45% cuối năm 2020. Bình quân tỷ lệ giảm nghèo hàng năm 0,98%/năm, vượt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo Chính phủ giao 0,87%/năm, Nghị quyết Tỉnh uỷ giao 0,9%/năm; đồng thời thu hẹp khoảng cách chênh lệch về nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong giai đoạn 2016-2020, tổng số kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 tại Thừa Thiên Huế là 499,6 tỷ đồng, vượt 6,2% so với dự ước ngân sách cho Chương trình là 470 tỷ đồng.

Các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cho vay ưu đãi,... đã tác động đến phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo, làm thay đổi nhận thức, giúp người nghèo có việc làm, tạo thu nhập ổn định để thoát nghèo bền vững.

Bí thư Thừa Thiên Huế: Các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch XĐGN phù hợp thực tiễn - Ảnh 2.

Bí thư Thừa Thiên Huế: Các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch XĐGN phù hợp thực tiễn - Ảnh 3.

Khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong xoá đói giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020

Ngoài việc triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và các chính sách giảm nghèo chung, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề trên các lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, tín dụng, dạy nghề, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cải thiện các dịch vụ xã hội cơ bản về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, y tế, giáo dục,…Qua đó, nâng cao mức sống cho một số đối tượng yếu thế, tăng cường nhân lực thực hiện công tác giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu của Chương trình.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng ban hành Kế hoạch về phân công các sở, ban, ngành, đoàn thể, trường học giúp đỡ các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25% ở hai huyện A Lưới và Nam Đông; Kế hoạch về xóa nghèo cho hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công đến năm 2020. Kết quả đến cuối năm 2020, có 14/19 xã tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 25% vượt chi tiêu đề ra.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác XĐGN tại Thừa Thiên Huế thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đến nay còn 3,45% là cao hơn mức bình quân tỷ lệ hộ nghèo toàn quốc; cá biệt, có địa phương như huyện A Lưới tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao 14,82%. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, thể hiện ở việc hộ nghèo chỉ thoát nghèo vươn lên cận nghèo, tình trạng tái nghèo và nghèo mới phát sinh do nhiều nguyên nhân vẫn còn xảy ra hằng năm. Sự chênh lệch tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giữa các khu vực còn khá lớn, đời sống người nghèo nhìn chung vẫn còn khó khăn, nhất là về việc làm, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và vệ sinh, chăm sóc sức khỏe, tiếp cận thông tin..., Kết cấu hạ tầng ở một số vùng, địa phương còn chưa đạt chuẩn, nhất là khu vực miền núi, vùng bãi ngang ven biển.

Trong giai đoạn 2022-2025, Thừa Thiên Huế phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều đến cuối năm 2025 giảm còn từ 2,0% đến 2,2%; không có hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng; đến hết năm 2021 giảm 0,4%.

Bí thư Thừa Thiên Huế: Các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch XĐGN phù hợp thực tiễn - Ảnh 4.

Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế khẳng định, vai trò của các cấp uỷ Đảng, chính quyền là hết sức quan trọng trong công tác XĐGN. Do đó, ông đã phê bình Bí thư Huyện uỷ và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Huế khi không tham dự Hội nghị đầy đủ thành phần.

Trong thời gian tới, ông Lưu đề nghị lãnh đạo các địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, năng động, sáng tạo trong triển khai thực hiện các Chương trình giảm nghèo… xem nhiệm vụ giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Đặc biệt, Bí thư, Chủ tịch các địa phương tự tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả công tác giảm nghèo của mỗi địa phương để đưa ra các giải pháp cụ thể, chỉ tiêu giảm nghèo trong giai đoạn 2022 - 2025. Việc xây dựng tiêu chí giảm nghèo phải đi từ cơ sở để có cái nhìn khách quan từ địa phương, từ đó phân công trực tiếp cán bộ xã, phường hỗ trợ cho người dân trong công tác giảm nghèo.

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cũng chỉ đạo các đơn vị phải sáng tạo hơn trong thực hiện các mô hình giảm nghèo; mỗi xã, phường phải xây dựng mô hình giảm nghèo hiệu quả, phù hợp với thực tiễn từ đó nâng cao nhận thức của người dân, thay đổi tư duy ỷ lại, từng bước thoát nghèo bền vững.

"Phải xác định rõ chủ thể của Chương trình XĐGN là người dân chứ không phải là chính quyền. Do đó, chúng ta phải giúp người dân xoá bỏ tư tưởng chờ đợi, ỷ lại vào các chương trình hỗ trợ của nhà nước. Mặt khác, cũng phải phát huy tối đa vai trò của các hội đoàn thể trong hỗ trợ người dân XĐGN, vươn lên làm giàu", ông Lưu yêu cầu.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh